Trước những hạn chế, tồn tại trong việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thời gian qua, Huyện ủy Núi Thành vừa thông qua nghị quyết chuyên đề với nhiều giải pháp tích cực để khắc phục…
Nhìn nhận tồn tại
Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường và việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Núi Thành nói chung, vùng trọng điểm Khu kinh tế mở Chu Lai nói riêng, được các cấp, ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, nhân dân và thu được những kết quả đáng mừng. Nét nổi bật thời gian qua là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư ở Núi Thành được chú trọng. Huyện đã quan tâm đầu tư thiết bị cho các địa phương để triển khai đề án thu gom rác thải; tập trung kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực cho các cơ quan chuyên môn cấp huyện và địa phương về công tác quản lý bảo vệ môi trường; hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, quản lý chất thải rắn được giám sát, góp phần cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Trung - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Núi Thành, công tác quản lý chất thải rắn hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ thu phí vệ sinh rác thải sinh hoạt các hộ dân tại một số địa phương còn thấp như xã Tam Trà, Tam Anh Bắc…; rác thải tại xã đảo Tam Hải chưa được tổ chức thu gom, xử lý; công nghệ xử lý rác thải hiện nay còn thô sơ, chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp nên hiệu quả chưa cao. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn Núi Thành hiện nay chỉ do Công ty CP Đô thị môi trường Quảng Nam thực hiện, tần suất thu gom chưa cao. Việc sử dụng rác thải nhựa của nhân dân ngày càng gia tăng, tác động tiêu cực đến môi trường sống, sức khỏe con người, hệ sinh thái và sự phát biển bền vững. Vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư trong việc quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn chưa được phát huy....
Kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi
Từ thực trạng trên, mới đây Huyện ủy Núi Thành (khóa XXI) đề ra Nghị quyết chuyên đề về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện đến năm 2025 với mục tiêu phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn gia tăng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt, nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Huyện cũng đề ra mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tiên tiến, thân thiện môi trường; phát triển ngành công nghiệp tái chế rác, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt; vận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ.
Ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành cho biết, để đạt được mục tiêu nghị quyết đề ra, trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và toàn thể người dân về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc quản lý chất thải rắn, phân loại rác tại nguồn, tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế. Gắn việc tuyên truyền trách nhiệm bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, tạo sự đồng thuận cho mọi cán bộ đảng viên và nhân dân cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường. Vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, túi ny lon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tổ chức nhân rộng các mô hình về “Phân loại rác tại nguồn”, “Nói không với túi ny lon, sản phẩm nhựa dùng một lần”; thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kiểm soát và quản lý chất thải rắn; xã hội hóa và tăng cường các biện pháp kinh tế trong hoạt động quản lý chất thải rắn. Ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải nguy hại trên đồng ruộng; thực hiện xã hội hóa đầu tư và tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính trong phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.