Thủy sản

Núi Thành tìm cách nâng cao giá trị mực xà

VIỆT NGUYỄN 11/07/2024 08:00

Mực xà là một trong những sản phẩm chủ lực của nghề khai thác hải sản huyện Núi Thành. Nâng cao giá trị mực xà sẽ giúp ngư dân tăng hiệu quả chuyến biển, cải thiện thu nhập.

muc.jpg
Một điểm thu mua mực xà. Ảnh: Q.VIỆT

Sơ chế mực xà trước khi phơi

Công ty TNHH Sáng tạo công nghệ TKT Việt Nam đang triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ tự động hóa để chế tạo máy sơ chế mực xà trước khi phơi”. Đề tài đang được áp dụng trên tàu câu mực khơi QNa-91769 của ngư dân Trần Tấn Sinh (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành).

Ông Sinh cho biết, thông thường, sau mỗi đêm câu mực xà, lao động sẽ sơ chế mực thủ công trước khi phơi khô. Các công đoạn này chiếm rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng mực trước khi phơi, nhất là quy định về an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu.

Một số chủ tàu lưới chụp trên địa bàn huyện Núi Thành đang tham quan, học tập, nghiên cứu đầu tư hầm đông lạnh bằng foam bọc composite để bảo quản mực xà thay cho phơi khô.

Đầu tư hầm lạnh bằng foam bọc composite giữ được độ lạnh tốt nên mực khi đem về đất liền đảm bảo chất lượng, được các tư thương thu mua với giá cao.

Khi áp dụng máy sơ chế mực xà thay cho thủ công, thời gian rút ngắn, chất lượng mực đảm bảo hơn, năng suất lao động được tăng lên.

“Ngư dân theo nghề câu mực xà rất thiếu ngủ. Sau khi câu mực mỗi đêm, sơ chế mực, phơi mực đến trưa, ngư dân ăn trưa, chợp mắt đến 13 giờ phải thức dậy để trở mực đang phơi rồi đến 16 giờ thu xếp hành lý và thực hiện chuyến câu mực tiếp theo.

Dùng máy sơ chế mực thay thế sơ chế thủ công đem lại nhiều lợi ích, nhất là tăng chất lượng, đem lại giá trị kinh tế cao hơn” - ông Sinh nói.

Ông Nguyễn Ngọc Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, trên địa bàn có 44 tàu câu mực khơi, khai thác khoảng 12 nghìn tấn mực xà/năm. Nghề câu mực xà đem lại thu nhập cao cho ngư dân, có chuyến biển ngư dân thu được hàng tỷ đồng.

Mực xà cũng là sản phẩm của nghề lưới chụp. Với nghề này, ngư dân lâu nay cũng sơ chế mực thủ công trước khi cho vào hầm đông lạnh hoặc phơi khô. Với hiệu quả mang lại, chính quyền xã khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư máy sơ chế để nâng cao chất lượng mực xà, đem lại giá trị kinh tế lớn hơn sau mỗi chuyến biển.

Chế biến mực xà thành sản phẩm OCOP

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, trên địa bàn có khoảng 80 tàu khai thác mực xà, đem lại sản lượng hơn 20 nghìn tấn/năm.

muc xa
Sản phẩm mực xà tẩm ướp gia vị của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Tâm Lộc. Ảnh: Q.VIỆT

Thông thường, ngư dân bán được 150 nghìn đồng/kg mực xà phơi khô. Tuy vậy, có thời điểm, giá mực khô giảm mạnh, chỉ bán được 75 nghìn đồng/kg do chỉ có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan.

Thực tế đó đặt ra bài toán giảm bấp bênh đầu ra cho mực xà sau khai thác và làm sao chế biến sâu nguyên liệu mực xà để có sản phẩm hàng hóa chất lượng chinh phục thị trường trong, ngoài nước.

Ông Trần Công Hận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Giang cho biết, Hội Nông dân xã đã liên hệ hợp tác với Khoa Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Thủy sản Nha Trang) thực hiện đề tài “Ứng dụng quy trình chế biến mực tẩm ướp gia vị từ nguyên liệu mực xà tại huyện Núi Thành”.

Mục đích của đề tài là xây dựng được quy trình chế biến mực xà tẩm ướp gia vị huyện Núi Thành; xây dựng, khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu; mở rộng thị trường và đem lại giá trị kinh tế cao.

Đề tài “Ứng dụng quy trình chế biến mực tẩm ướp gia vị từ nguyên liệu mực xà khô tại huyện Núi Thành” được thực hiện quy củ qua các bước xử lý nguyên liệu, nướng mực, cán mực, xé mực, tẩm ướp gia vị (đường, muối, bột ngọt, ớt…), sấy khô, đóng gói, bảo quản.

Đến nay, sản phẩm mực xà tẩm ướp gia vị đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao có đầu ra ổn định. Đề tài cũng đã đầu tư và chuyển giao thành công nhà xưởng, công nghệ chế biến mực xà tẩm ướp gia vị với công suất 100kg/giờ cùng các loại máy nướng mực, cán mực, máy xé, máy hút chân không...

“Đề tài đã được chuyển giao cho Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Tâm Lộc xây dựng thương hiệu mực tẩm ướp gia vị Tâm Lộc.

Hiện nay sản phẩm đảm bảo chất lượng nhờ loại bỏ được màu đen của mực xà, thớ thịt mềm, dẻo, ngọt chứ không khô cứng và có vị đắng, chát như tính chất vốn có của nguyên liệu. Sau khi xâm nhập vào thị trường trong và ngoài tỉnh, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Tâm Lộc đang xúc tiến thương mại để xuất khẩu mực xà tẩm ướp gia vị” - ông Hận nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Núi Thành tìm cách nâng cao giá trị mực xà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO