Thời gian qua, huyện Núi Thành đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư ứng dụng các mô hình, giải pháp khoa học - công nghệ (KH&CN) phục vụ có hiệu quả cho sản xuất và đời sống, được đánh giá cao.
Ứng dụng rộng rãi
Ông Hồ Kính - Trưởng phòng Kinh tế, hạ tầng huyện Núi Thành cho biết, cũng như một số địa phương khác, việc ứng dụng KH&CN ở Núi Thành còn khá mới mẻ, cán bộ chủ yếu kiêm nhiệm, nguồn vốn đầu tư cho KH&CN hàng năm còn khiêm tốn (120 triệu đồng), trong khi nhu cầu cuộc sống ngày càng đa dạng, cấp thiết. Tuy nhiên, nhờ xác định KH&CN là động lực của sự phát triển, qua đó bố trí, lồng ghép nhiều nguồn vốn (vốn sự nghiệp KH&CN, ngân sách huyện hỗ trợ, vốn đối ứng trong nhân dân…) nên thời gian qua, trên địa bàn Núi Thành, tình hình ứng dụng và phát triển KH&CN khá rộng rãi.
Trong nông nghiệp, KH&CN chú trọng đến giải quyết các vấn đề cơ bản về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng công nghệ sinh học phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, sạch bệnh… Nghề sản xuất muối đã ứng dụng quy trình sản xuất muối sạch vào đại trà trong các hộ diêm dân và đầu tư thiết bị tiên tiến vào sản xuất muối bột tinh khiết. Trong lĩnh vực thủy hải sản, đã cơ giới hóa trong đánh bắt hải sản, góp phần giảm bớt sức lực của người lao động, đã sử dụng thiết bị công nghệ cao trong định vị tọa độ, dò cá, tìm kiếm ngư trường đánh bắt. Đã ứng dụng quy trình công nghiệp trong nuôi trồng thủy sản, ươm giống một số loại thủy sản phục vụ cho môi trường; ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm thủy hải sản đảm bảo an toàn tới người tiêu dùng…
Ông Nguyễn Đức Xuyên giới thiệu mô hình sản xuất cá ngựa giống. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Cũng theo ông Hồ Kính, nhiều mô hình/đề tài KH&CN ứng dụng đã phát huy hiệu quả trong thực tế. Ví như đề tài “Trồng rau câu chỉ vàng trong ao nuôi tôm”, “Phát triển đàn heo nái F1 trong chăn nuôi hộ gia đình trên địa bàn huyện Núi Thành”; “Mô hình sản xuất thử nghiệm giống và nuôi thương phẩm cá ngựa đen”, “Mô hình nuôi hàu thương phẩm”, “Mô hình trồng rong nho”… Sắp tới đây, đề tài cấp huyện “Phục tráng giống nếp Bàu Đưng” sẽ kết thúc và nghiệm thu, mục tiêu là tạo nguồn giống chất lượng phục vụ sản xuất trên những vùng đất có khả năng sản xuất giống nếp, phục hồi thương hiệu nếp Bàu Đưng một thời.
Hiệu quả với trồng nấm
Ông Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT huyện chia sẻ, toàn huyện có khoảng 100 hộ sản xuất nấm rơm, tập trung chủ yếu tại xã Tam Xuân 2 với quy mô nhỏ. Để khắc phục tình trạng không chủ động nguồn giống, sử dụng giống trôi nổi, hạ giá thành sản phẩm, Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành xây dựng và triển khai đề tài “Ứng dụng sản xuất meo giống một số nấm ăn và nấm dược liệu từ nguyên liệu vỏ, cành thứ cấp của cây keo tại huyện Núi Thành”. Qua đó, tiến hành nuôi cấy meo giống trên môi trường cơ chất mùn cưa cây keo, được xay từ nguyên liệu vỏ, cành thứ cấp của cây để giảm giá thành đầu tư. Nhiều hộ dân trên địa bàn đã được cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng nấm. Như hộ các ông Võ Mẫn (xã Tam Mỹ Tây), Nguyễn Văn Xê (thị trấn Núi Thành).
Với quy mô nhà trại chừng 70m2, sản xuất 5.000 phôi để tạo nấm thương phẩm, các hộ có thể mang lại nguồn lãi 13 - 19,5 triệu đồng trong chu kỳ sản xuất nấm 3 - 4 tháng. “Việc sản xuất meo giống tại chỗ giúp hạ giá thành sản xuất khi giá meo giống rẻ bằng một nửa so với thị trường. Hộ trồng nấm có thể tận dụng phế phẩm từ mùn cưa sau khi thu hoạch nấm linh chi để xử lý lại sản xuất nấm bào ngư. Và sau khi thu hoạch nấm bào ngư, có thể tận dụng phế phẩm này để sản xuất nấm rơm, khai thác triệt để” - ông Bùi Văn Gát nói. Tiếp nối đề tài này, huyện Núi Thành tiếp tục đăng ký đề tài cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ tự động hóa quản lý nhiệt độ, độ ẩm trong nhà trồng nấm” nhằm hỗ trợ thiết bị điều chỉnh thời gian, ẩm độ cho một số hộ dân trồng nấm để hạn chế tình trạng thất thu, suy giảm năng suất do thời tiết chuyển biến thất thường, tạo nguồn cung ổn định…
Hy vọng từ mô hình nuôi cá ngựa
Mô hình sản xuất cá ngựa giống và nuôi cá ngựa thương phẩm của hộ ông Nguyễn Đức Xuyên nhiều năm qua phát huy hiệu quả, giúp gia đình ông cải thiện kinh tế đáng kể. Từ khi thả nuôi, cá ngựa 6 tháng đạt 12cm đủ tiêu chuẩn xuất giống. Ngoài nuôi sinh sản và được đơn vị chuyển giao công nghệ ở Nha Trang bao tiêu sản phẩm, ông Xuyên còn bán giống giá rẻ (15.000 - 20.000 đồng/con) hỗ trợ người dân lân cận nuôi thử nghiệm. Lúc cao điểm, ông nuôi cá ngựa bố mẹ sinh sản lẫn cá giống ở 6 bể chứa. Cá ngựa sinh sản từ 500 đến 1.400 con mỗi lứa đẻ, tỷ lệ sống hơn 80%. Thức ăn đơn giản là ấu trùng trong tự nhiên, ruốc… Cá ngựa thương phẩm đạt 12cm có giá thành 80 - 100.000 đồng/con.
“Nhờ được hỗ trợ giống, được chuyển giao kỹ thuật nuôi giống và thương phẩm, tôi đã có 6 lứa nuôi, chủ yếu là cung cấp cá giống. Đối với nuôi cá ngựa thương phẩm, cần chú trọng đến nguồn thức ăn dự trữ các tháng 8, 9 là thời điểm khan hiếm” - ông Xuyên chia sẻ. Được biết, từ thành công của mô hình, huyện Núi Thành tiếp tục đề xuất triển khai đề tài cấp tỉnh nuôi tái phát dục đối với cá ngựa giống. Đề tài hướng tới nâng cao hiệu quả sinh sản của đàn cá giống bố mẹ, thay vì cá chỉ sinh sản một lần rồi được bán để ngâm rượu thì nay nhờ can thiệp, cá có thể đẻ 2 lứa, tăng hiệu quả từ số lượng đàn cá giống tạo ra hàng năm…
Ngoài các đề tài phát huy hiệu quả thiết thực trong đời sống nói trên, có thể kể thêm đề tài “Mô hình nuôi hàu thương phẩm”, đề tài cấp huyện do Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành triển khai và cấp tỉnh do Chi cục Nuôi trồng thủy sản triển khai, đã giúp một số hộ dân của huyện tiếp cận với kỹ thuật tạo nguồn giống để nuôi thương phẩm, cải thiện kinh tế. Có thể kể tới hộ các ông Bùi Ngọc Hoành, Lê Tấn Ích (xã Tam Hải). Trong đó, ông Bùi Ngọc Hoành hiện nuôi hàu thương phẩm giống bản địa trên vùng Cửa Lở, An Hòa với diện tích mặt nước lên tới 20 sào.
BÍCH LIÊN