Văn hóa

Nung hồn đất Việt hóa rồng

NGUYỄN ĐIỆN NAM 01/02/2024 15:30

Trên hành trình hiện đại hóa nghề gốm sứ, có con rồng Việt đã bay lên đỉnh cao đẳng cấp quốc tế sau những thăng trầm, đó là Minh Long, trụ sở công ty tọa lạc ở vùng đất đầy nắng gió phương Nam.

gom-minh-long-hinh-bo-noi-duong-xi-3.jpg
Gốm Minh Long.

Gõ cụm từ “gốm sứ Minh Long” trong vòng 0,47 giây, google đã cho ra gần 8 triệu kết quả. Lướt nhanh cả trời thông tin, chỉ có thể điểm nhãn điều đọng lại trong chúng tôi là hầu hết báo chí truyền thông đều mang ấn tượng tích cực, nhất là khi nói về hành trình của nhà sáng lập thương hiệu gốm sứ này - Nghệ nhân Nhân dân Lý Ngọc Minh, người làm “bạn tri kỷ với đất” suốt hơn nửa thế kỷ.

Thăng trầm một thương hiệu

Tên gọi gốm sứ Minh Long ra đời từ 1970, ghép tên ông Minh và người bạn Dương Văn Long, thầy thợ chủ tớ chỉ có… hai người.

Nhưng khi đó, ông Minh ở tuổi 18 tràn đầy khát vọng biến ước mơ ấp ủ từ gia đình 4 đời làm nghề gốm, và buổi thiếu thời đã mê mẩn những sản phẩm tinh xảo từ Trung Hoa, Nhật Bản đưa sang triển lãm. Song mấy năm đầu khởi nghiệp quá chật vật vì không có vốn đầu tư công nghệ và thị trường, Minh Long chưa bứt phá nổi.

Sau ngày đất nước thống nhất càng vất vả hơn, nên có đoạn ông Minh phải đi làm “thợ đụng” kiếm sống, làm nông nghiệp, trồng đu đủ, su lơ, bắp cải… Phải đợi đến khi có làn gió Đổi mới, Minh Long mới vực dậy, từ ông chủ sinh năm 1953 ấy đã hình thành quyết tâm và triết lý “nếu không đổi mới sáng tạo bạn sẽ bị đào thải”.

Tuy nhiên, sáng tạo là cả quá trình, với người sớm mồ côi cha, học chỉ qua lớp Nhì (tương đương lớp 5 bây giờ) thì việc mày mò “học, hỏi, hành” hết sức gian truân, không ít lần đối diện đổ vỡ.

Để chèo chống sống được với nghề, ông Minh quyết định chuyển đổi công nghệ, nhập những dây chuyền sản xuất, lò nung… thuộc loại tân tiến của thế giới về ứng dụng, cải tiến.

Đi qua nhiều nước có ngành gốm sứ hàng đầu, ông Minh ngẫm ra điều căn cốt làm nên thương hiệu, chất lượng gốm là ở nhiệt độ nung và sức sốc nhiệt, nếu càng cao, càng cho sản phẩm tốt hơn. Lúc đó các sản phẩm gốm sứ châu Á thường chỉ nung được từ 1.250 - 1.320 độ C, chỉ riêng ở Đức là có thể nung đến 1.380 độ.

Ông Minh quyết định chọn nhập lò nung của Đức về sản xuất là bước đi có phần liều lĩnh nhưng để thỏa khát vọng “bay cao mới tới đỉnh và thoáng mở tầm nhìn chứ không thể bay là là như người ta”.

Nhưng để nhập được lò nung của Đức không dễ, họ đòi hỏi ông Minh phải có thử nghiệm, bắt đầu làm thử 1 cái đến 10 cái ly đạt yêu cầu thì mới chuyển giao.

Đận đó, trút hết vốn và vay mượn ra làm thử, cứ mỗi lần nung ra lò, nghe một tiếng tách vỡ là mất cả tỷ bạc. Kiên trì bền chí, Minh Long đã thành công. Bắt đầu từ thập niên 1990, Minh Long đã chế tác được các bộ sản phẩm gốm mỹ nghệ cao cấp được biết đến trên khắp cả nước và bạn bè năm châu.

gom-minh-long-1b(1).jpg

Thăng hoa của đất và lửa

Dù đã đạt được nhiệt độ nung gốm cao nhất thế giới, sản phẩm đạt chuẩn cao cấp hàng đầu châu Âu, nhưng ông Lý Ngọc Minh vấp ngay thử thách mới. Khi suy thoái kinh tế ập đến, giá nhiên liệu tăng liên tục, tiền lương công nhân thì nhà nước điều chỉnh tăng nhiều lần, hàng hóa Minh Long lại ở mức giá cao, nguy cơ thua lỗ, phá sản cận kề.

Trước tình thế gian nan, để con rồng Minh Long trụ được trong cơn quằn quại, lần nữa ông Minh lại táo bạo tìm cách cải tiến công nghệ sản xuất. Với nhiệt độ nung đỉnh cao 1.380 độ nhưng khi đó cả thế giới phải nung 2 lần mới đạt được, ông Minh tìm cách chỉ nung 1 lần.

Lúc Minh Long nhập dây chuyền nung 1 lần từ Đức về, thì cũng có 4 doanh nghiệp khác ở Đức mua dây chuyền này nhưng sau khoảng 7 - 8 năm thì họ từ bỏ, chỉ có mỗi Minh Long vẫn kiên trì và thành công làm ra loại sứ nung 1 lần ở nhiệt độ 1.380 độ - cao nhất thế giới, sau 15 năm.

Từ khi áp dụng công nghệ đốt 1 lần lửa, năng suất đã tăng gấp đôi so với công nghệ cũ. Bình quân trước đây, 1.500 nhân công trong một ngày làm ra 50.000 - 60.000 sản phẩm chén đĩa thì bây giờ đã tăng lên 100.000 - 120.000 sản phẩm mà số lượng người làm chỉ còn một nửa (700 - 800 người), thời gian nung cũng giảm dần từ 1 tuần, xuống 3 ngày rồi chỉ còn khoảng 20 giờ.

Nhờ những cải tiến mạnh mẽ đó đã cắt giảm khá nhiều chi phí đầu vào, lợi nhuận tăng lên. Rồng Minh Long thực sự đã bay lên đỉnh cao công nghệ gốm sứ.

Giữ hồn Việt

Gốm sứ Minh Long giờ đã có hàng chục dòng sản phẩm, đều là hàng cao cấp, nhưng mức giá từ siêu cao cho giới thượng lưu, đến mức mà người bình dân vẫn có thể mua được.

Mạng lưới phân phối tiêu thụ sản phẩm rộng khắp cả nước và xuất khẩu sang Đức, Pháp, Bỉ, Nga, Hà Lan, Mỹ... Gần đây, Minh Long đã ra thêm dòng sản phẩm sứ dưỡng sinh khá ấn tượng.

Điều đặc biệt là gốm sứ Minh Long trở thành “sứ giả” quảng bá văn hóa Việt. Rất nhiều sự kiện của quốc gia, quốc tế, như APEC, ASEAN, ASEM, Đại hội Đảng toàn quốc, Nghìn năm Thăng Long- Hà Nội… đã triển lãm gốm sứ Minh Long.

Có những bộ sản phẩm độc đáo dùng làm quà tặng các nguyên thủ. Chẳng hạn vào năm 2005, bộ sản phẩm “Hồn Việt trong mỗi nếp nhà” của Minh Long đã được chọn làm tặng phẩm tại Hội nghị ASEM 5.

Nhà báo Kim Hạnh khi dẫn chương trình 5W+H đã vinh danh ông Lý Ngọc Minh, người sáng lập gốm sứ Minh Long, là đã “nung đất thành vàng”. Còn tôi cảm nhận rằng đó là hành trình thật kỳ diệu khi nung hồn đất Việt hóa rồng. Như khi mùa xuân gõ cửa, Minh Long lại giới thiệu bộ sản phẩm tượng rồng Giáp Thìn với sắc màu long lanh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nung hồn đất Việt hóa rồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO