Nước biển dâng, nhiều thành phố châu Á gặp nguy

QUỐC HƯNG 07/09/2019 08:42

(QNO) - Mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu, cùng với sụt lún đất là thách thức cấp bách của thế giới, đặc biệt khu vực châu Á.

Rào chắn ngăn chặn xói mòn ngoài khơi huyện Bang Khun Thian, thành phố     Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Bangkokpost
Rào chắn ngăn chặn xói mòn ngoài khơi huyện Bang Khun Thian, thành phố Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Bangkokpost

Các nhà khoa học dự đoán, mực nước ở các đại dương sẽ tăng từ 0,3m đến 2,5m vào năm 2100, khiến nhiều khu vực ven biển, vùng trũng thấp gặp nguy, thậm chí có những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra đối với các thành phố lớn.

Trong số 10 thành phố lớn trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất khi nước biển dâng cao, có 7 thành phố ở châu Á. Đứng đầu danh sách là Jakarta (Indonesia) - nơi đã chứng kiến mực nước tăng lên tới 3m ở một số khu vực trong 3 thập kỷ qua (con số này là sự kết hợp của sự gia tăng mực nước biển cộng với tỷ lệ sụt lún đất).

Cụ thể hơn nữa, 40% diện tích đô thị Jakarta của 30 triệu người hiện ở dưới mực nước biển. Đây là một trong những lý do tại sao Chính phủ Indonesia quyết định chuyển thủ đô đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo vào năm 2024.

Với khoảng 54% người châu Á sinh sống ở các khu vực ven biển và trũng thấp, chính phủ và các cơ quan môi trường khu vực đã và đang đề ra các biện pháp chống sụt lún đất, ngăn chặn bị nhấn chìm. Tuy nhiên, “trận chiến” này sẽ rất khó khăn và tốn kém.

Để giảm bớt áp lực cho Jakarta, Indonesia di dời thủ đô đến một nơi an toàn, thuận lợi hơn cho phát triển nhưng ước tính chi phí cho cuộc dời đô này lên tới 32,7 tỷ USD, dĩ nhiên là không giải quyết trực tiếp việc sụt lún đất và nước biển dâng cao.

Ngoài ra, Indonesia đang tiến hành dự án 40 tỷ USD để xây dựng các đảo nhân tạo như một vùng đệm cũng như các bức tường khổng lồ bao quanh để ngăn chặn Jakarta bị nhấn chìm trong nước.   

Nước biển dâng, lũ lụt sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn. Ảnh: AFP
Nước biển dâng, lũ lụt sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn. Ảnh: AFP

Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết quốc đảo này có thể tiêu tốn ngân sách từ 72 tỷ USD trở lên trong hơn 100 năm để đối phó với tình trạng mực nước biển tiếp tục dâng.

Ngoài việc đánh thuế các bon (một loại thuế môi trường) như hiện nay, Singapore yêu cầu các cơ sở hạ tầng quan trọng như nhà ga và cảng sân bay sắp tới khi thi công phải được tiến hành ở các khu vực có nền mặt đất cao hơn, xây dựng các khu đất lấn biển, khai hoang đất từ vùng nước hay các hòn đảo và kết nối chúng. Từ đầu năm nay, Singapore đầu tư hàng tỷ USD để nâng cấp và duy trì hệ thống thoát nước tại quốc đảo và tăng cường khả năng chống lũ.

Từ lâu, Bangkok (Thái Lan) được biết đến là “Venice của phương Đông” với mạng lưới kênh rạch rộng lớn. Giống như Italia, Bangkok đang đối mặt với rủi ro ngày càng tăng. Một nghiên cứu của Hội đồng cải cách quốc gia Thái Lan năm 2015 cho thấy nguy cơ Bangkok bị nhấn chìm trong vòng chưa đầy 15 năm là điều có thể, nếu chính quyền sở tại không được thực hiện các biện pháp đối phó, ngăn chặn.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán 40% của Bangkok có thể bị nhấn chìm vào đầu năm 2030.

Manila - thủ đô rộng lớn của Philippines, hiện chìm với tốc độ 10cm mỗi năm do sụt lún đất. Nguyên nhân xuất phát từ việc khai thác không kiểm soát nguồn nước ngầm thông qua những giếng khoan với mục đích phục vụ nhu cầu sinh sống của các hộ gia đình, trong sản xuất vì phát triển kinh tế và dân số tăng nhanh.

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) khuyến cáo, nếu các thành phố không thể đối phó hiệu quả, dòng chảy di cư vì biến đổi khí hậu diễn ra trên quy mô lớn, cuộc sống hàng triệu người ven biến, vùng trũng thấp và sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nước biển dâng, nhiều thành phố châu Á gặp nguy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO