Nước của Khỉ

VÕ VĂN THẮNG 06/02/2016 16:04

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư (biên soạn đời nhà Trần, thế kỷ 13-14, tăng bổ vào đời Lê, thế kỷ 16-17), ở phần Ngoại kỷ, đời Hùng Vương, có chép “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang, nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành” (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử ký Toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.4).

Đọc lại trong sách Lĩnh Nam Chích Quái (biên soạn và tăng bổ trong cùng thời kỳ với Đại Việt Sử ký Toàn thư), có truyện Dạ Thoa Vương như sau:

Tượng Khỉ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (sưu tầm ở Phú Hưng, Quảng Nam).
Tượng Khỉ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (sưu tầm ở Phú Hưng, Quảng Nam).

“Thời Thượng cổ, ngoài nước Âu Lạc có nước Diệu Nghiêm, chúa nước ấy là Dạ Thoa Vương, còn gọi là Trường Minh Vương hay Thập Đầu Vương. Nước này phía bắc giáp nước Hồ Tôn Tinh. Nước Hồ Tôn Tinh có vua là Thập Xa Vương, có thái tử là Vi Bà. Vợ Vi Bà là Bạch Tĩnh Chiếu Nương dung mạo đẹp đẽ. Dạ Thoa nghe nói rất thích, bèn đánh Hồ Tôn để cướp vợ Vi Bà. Vi Bà tức giận bèn đem loài vượn di hầu phá núi, lấp bể thành đường phẳng để công phá nước Diệu Nghiêm, giết Dạ Thoa Vương, cướp vợ y mà trở về. Loài tinh Hồ Tôn tức là tinh di hầu, chính là nước Chiêm Thành ngày nay vậy”. (Vũ Quỳnh – Kiều Phú, Lĩnh Nam Chích Quái, Nxb Văn học, Hà Nội 2001, tr 135).

Hồ Tôn là loài khỉ, vậy nước Hồ Tôn Tinh ở đâu, tại sao lại nói là nước Chiêm Thành?

Các tài liệu trên chủ yếu căn cứ từ nguồn truyền miệng nên khó kiểm chứng, đặc biệt sách Lĩnh Nam Chích Quái là sách ghi chép các truyền thuyết lưu hành trong dân gian với nhiều sự tô điểm và hòa trộn từ các nguồn khác nhau. Dẫu vậy, những nhà khảo cứu cũng nhận ra nội dung truyện Dạ Thoa Vương nói trên ắt hẳn liên quan đến Trường ca Ramayana, vốn là một truyền thuyết ra đời từ khoảng 500 năm trước công nguyên ở Ấn Độ và đã được lan truyền sâu rộng trên vùng Đông Nam Á.

Trường ca Ramayana kể câu chuyện về hai nhân vật chính là hoàng tử Rama và công chúa Sita. Rama là con trai đầu của vua Dasaratha, vợ của Rama là nàng Sita xinh đẹp. Sita bị quỷ vương Ravana bắt cóc và giam cầm ở đảo Lanka. Rama trải qua một hành trình gian nan để tìm kiếm Sita. Trên hành trình này, Rama đã giúp một vị vua khỉ là Sugriva đánh bại kẻ tiếm ngôi. Để trả ơn cho Rama, vua khỉ Sugriva đã cho một đội quân khỉ do một chúa khỉ là Hanuman thống lĩnh đi hộ tống Rama. Sau một hành trình vất vả, Rama và đội quân khỉ đã tìm đến đảo Lanka, chiến đấu tiêu diệt quỷ vương Ravana và giải cứu công chúa Sita.

Một văn bản chép đầy đủ trường ca Ramayana sưu tầm được ở Ấn Độ, được cho là của tác giả có tên là Valmiki, dài đến 24.000 câu thơ, với nhiều chương hồi và các tình tiết bi hùng, thắm thiết, ngợi ca những giá trị chân thiện mỹ. Các tình tiết trong trường ca được chọn lọc, thể hiện trong các loại hình nghệ thuật khác nhau ở Ấn Độ và Đông Nam Á, kể cả nghệ thuật biểu diễn và nghệ thuật tạo hình.

Tháp Khương Mỹ (Quảng Nam). Ảnh: PHAN THẾ HIỂN
Tháp Khương Mỹ (Quảng Nam). Ảnh: PHAN THẾ HIỂN

Đối chiếu truyện Da Thoa Vương trong Lĩnh Nam Chích Quái với trường ca Ramayana, nhiều người đã nhận ra “Dạ Thoa Vương” chính là “Quỷ vương Ravana”; nước Hồ Tôn Tinh chính là nước của vua Khỉ Sugriva; “Thập Xa Vương” là ghi biến âm của “Sugriva”; “Vi Bà” là “Rama”; “Bạch Tĩnh Chiếu Nương” là “Sita”, ở đây không dùng lối phiên âm mà dùng ý nghĩa để dịch, nhấn mạnh đến vẻ đẹp trong trắng của Sita.

Đối chiếu về địa lý, chúng ta thấy “nước Hồ Tôn Tinh” được ghi là ở về phía nam của nước Văn Lang thời Hùng Vương, và ở về phía bắc của một nước có tên là “Diệu Nghiêm”. Vị trí địa lý này đã dẫn đến suy luận “nước Hồ Tôn Tinh” là nước Chiêm Thành. Ẩn dưới những mơ hồ huyễn hoặc của truyền thuyết và dã sử, chúng ta cũng có thể thấy tính hợp lý của suy luận này. Các di tích còn lại ở miền Trung Việt Nam cũng chứng minh sự tồn tại của một số vương quốc chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ trong một thời gian dài, cận kề với các vương quốc chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.

Tên gọi "nước Hồ Tôn Tinh” không phải hoang đường, mà đó là tên gọi phản ánh một nhận thức ở giai đoạn ranh giới giữa lịch sử và truyền thuyết. Tên gọi về "Nước của Khỉ" cũng cho ta biết sự ảnh hưởng khá đậm nét của văn hóa Ấn Độ trong đời sống xã hội của các cộng đồng cư dân miền Trung Việt Nam, khác biệt với các cộng đồng chịu ảnh hưởng sớm của văn hóa Trung Hoa ở phía bắc.

Theo truyền thuyết, Ravana là một quỷ vương có mười đầu. Thêm vào đó, các tượng thần Ấn Độ nhiều đầu, nhiều tay trong kinh thành các vương quốc đã được các sử gia chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa ghi nhận là xứ sở của “Thập Đầu Vương” (Vua Mười Đầu). Các tượng khỉ Hanuman và đội quân khỉ được chạm khắc trên các đền tháp Champa (Chiêm Thành) đã được dùng đặt tên cho toàn xứ sở là “Hồ Tôn Tinh Quốc”, nước của đội quân khỉ (hầu, hồ tôn đều là các chữ Hán có nghĩa là loài vượn, loài khỉ).

Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có một bộ sưu tập các tượng khỉ, thu thập từ các di tích Chăm, có những hình tượng khỉ đeo lục lạc, đeo hoa tai trông rất sống động, ngộ nghĩnh. Đặc biệt các nhà khảo cổ đã phát hiện những phiến đá sa thạch ốp quanh chân tháp Khương Mỹ được chạm khắc thể hiện rất nhiều trích đoạn trong trường ca Ramayana, ở đó các đội quân khỉ được đặc tả hết sức sinh động. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy tên các nhân vật chính như Rama, Hanuman được khắc trên một số bức phù điêu trang trí (hiện vật ký hiệu 45.1 và 45.2 của Bảo tàng Chăm, sưu tầm được ở Quảng Nam) và cả một tấm bia phát hiện ở Trà Kiệu ca ngợi Valmiki, tác giả của trường ca Ramayana.

Như vậy, tên gọi “nước Hồ Tôn Tinh” không phải hoang đường, mà đó là tên gọi phản ánh một nhận thức ở giai đoạn ranh giới giữa lịch sử và truyền thuyết. Thêm vào đó, tên gọi về "nước của Khỉ" cũng cho ta biết sự ảnh hưởng khá đậm nét của văn hóa Ấn Độ trong đời sống xã hội của các cộng đồng cư dân miền Trung Việt Nam, khác biệt với các cộng đồng chịu ảnh hưởng sớm của văn hóa Trung Hoa ở phía bắc. Nếu trong bối cảnh văn hóa Trung Hoa, hình tượng “Rồng” được đề cao, biểu trưng cho vương quyền tôn quý thì trong bối cảnh văn hóa Ấn Độ, hình tượng Khỉ lại là biểu trưng cho sự dũng cảm, tài ba và nghĩa khí. Đặc điểm cội nguồn văn hóa đa dạng ấy đã góp phần tạo nên một nền văn hóa Việt Nam ngày nay phong phú, đa sắc màu.

VÕ VĂN THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nước của Khỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO