Ông bà ta có câu “nước xa không cứu được lửa gần”. Nghĩa đen của câu này ai cũng hiểu là chuyện nước ở xa thì khó mà xoay xở đưa tới kịp để dập tắt lửa, chữa cháy. Vậy còn khi nước gần bên lửa thì sao? Đó là chuyện chẳng ai ngờ đến trong bão số 8 vừa qua tại Quảng Nam.
Tàu QNa-91685 do ông Bùi Lên làm chủ, ông Đỗ Văn Trầm (cùng trú xã Tam Giang, huyện Núi Thành) làm thuyền trưởng, công suất 380CV hành nghề câu mực, vừa cập bến để tránh trú bão số 8 thì bị cháy, ước thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Tàu cháy đúng thời điểm người người lo chuyện kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão, lo chằng chống nhà cửa, lo neo đậu tàu thuyền, lo chuyện thông tin trên biển… Tàu cháy, bao nhiêu công sức, tiền tỷ phút chốc thành tro bụi, tan trong biển cả. Đây là chuyện nước rất gần cũng đành bó tay với “giặc lửa”. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân tàu cháy là do chập điện, trên tàu có 5 lít dầu dự trữ nên ngọn lửa được tiếp sức, cháy rất dữ dội, không thể tiếp cận chữa cháy được.
Câu chuyện cháy tàu không còn hy hữu bởi riêng xã Tam Giang, huyện Núi Thành trong mấy năm lại đây có đến 5 tàu công suất lớn, người dân vay mượn tiền để hoán cải, đóng mới cho công việc đánh bắt hải sản tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa… do chập điện đã bị cháy rụi, không phương cứu chữa. Dù đã xảy ra nhiều vụ cháy tàu như vậy nhưng qua thực tế cho thấy, hầu hết phương tiện tàu thuyền của ngư dân đều không trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy. Không biết có phải do nước gần mà ngư dân rất chủ quan với lửa? Đúng là nước rất gần, ngay bên con tàu, nhưng sự cố khó lường với sức bùng phát dữ dội của lửa, cộng với những “chất phụ gia” sẵn có như dầu nhớt, lại thiếu trang thiết bị để chữa cháy thì khó mà xoay xở dập tắt lửa. Rõ là “nước xa không cứu được lửa gần” khi ngư dân hiện đang “nói không” với chuyện phòng cháy chữa cháy trên tàu thuyền.
Tai họa cháy tàu nêu trên tiếp tục cảnh báo đã đến lúc ngư dân chúng ta không thể chủ quan với “giặc lửa”. Dù nước có ở gần nhưng chính ý thức chủ quan, thiếu phòng bị thì nguy cơ vẫn tiềm ẩn. Cho nên ở đây, cần phải hiểu nghĩa bóng của câu chuyện nước và lửa. Nước chính là điều kiện, phương tiện, ý thức phòng bị. Những điều đó phải thường trực sẵn có cho việc chữa cháy, nếu không lo xa có ngày hối không kịp. Thiển nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có những quy định nghiêm về trang bị, sử dụng các phương tiện phòng cháy chữa cháy trên tàu thuyền; tăng cường kiểm tra và thao luyện những biện pháp ứng cứu trong tình huống khẩn cấp.
VÕ VĂN TRƯỜNG