Cuối năm 1959, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng, cơ quan Liên Khu ủy 5 chuyển từ Bến Hiên, Bến Giằng về đứng chân tại Nước Là, thuộc xã Trà Mai, huyện Trà My (nay thuộc huyện Nam Trà My). Trong thời gian đứng chân tại Nước Là (1959 - 1964), Cơ quan Liên Khu ủy 5 đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng.
Thi hành Hiệp định Giơnevơ, bộ máy lãnh đạo Liên khu trong kháng chiến được giải thể, đồng thời sắp xếp, thành lập lại Liên Khu ủy 5, gồm 9 người, do đồng chí Trương Quang Giao làm Bí thư. Đến tháng 3.1955, đồng chí Trương Quang Giao bị bệnh nặng phải ra Bắc điều trị, đồng chí Trần Lương (Trần Nam Trung), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được điều động làm Bí thư Liên Khu ủy 5; đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) làm Phó Bí thư.
Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa II), yêu cầu nơi đặt cơ quan lãnh đạo Liên Khu ủy phải phục vụ không chỉ cho nhu cầu trước mắt, mà còn phải chuẩn bị lâu dài cho phong trào đấu tranh cách mạng trong toàn liên khu. Trước yêu cầu đó, tháng 8.1959, bộ phận tiền trạm của Liên Khu ủy 5 do đồng chí Bùi San, Đỗ Phú Đáp và một số chiến sĩ đặc công, bảo vệ từ huyện Hiên vào huyện Trà My bàn kế hoạch xây dựng căn cứ. Huyện ủy Trà My cử đồng chí Hà Lân (Ba Đen) trực tiếp phụ trách công tác phục vụ xây dựng, bảo vệ căn cứ Liên Khu ủy. Được sự giúp đỡ của cán bộ địa phương, đoàn cán bộ Liên Khu ủy chọn khu vực Tăk Pỏ, Nước Là, Ngok La xây dựng căn cứ.
Để công tác vận động quần chúng nhân dân đạt hiệu quả cao và che được sự dòm ngó của kẻ thù, đồng chí Hà Lân đã thực hiện chính sách “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), đồng chí quyết định cà răng, căng tai, đóng khố, hòa nhập vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc Trà My. Với tinh thần nỗ lực học hỏi, sự cần cù, chịu khó, chỉ trong một thời gian sau, đồng chí đã rành rõ các phong tục, tập quán của người dân như nói tiếng đồng bào Xê Đăng, Ca Dong, Co, Bh’noong… như tiếng mẹ đẻ, nên được đồng bào các dân tộc Trà My nhận là người con của các bản làng. Chính nhờ đó, đồng chí đã nhanh chóng đưa được lực lượng về các làng tham gia sản xuất, tích góp lương thực phục vụ cho việc xây dựng căn cứ.
Địa điểm xây dựng căn cứ Liên Khu ủy 5 là khu vực suối Nước Là với chiều dài khoảng 7 cây số, có nhiều đoạn ao tù, nhiều chỗ thác ghềnh hiểm trở, nhiều suối khe kết nối với nhau như Nước Rây, Nước Cấp, Nước Bang, Nước Bung... Cả khu vực rộng lớn chỉ có 3 nơi tương đối bằng phẳng với diện tích không quá 5 nghìn mét vuông. Với ta, địa hình khu vực Nước Là được xem là nơi lý tưởng để xây dựng căn cứ trung tâm lãnh đạo, chỉ huy của Liên Khu ủy 5, chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài, cam go và đầy thử thách. Với địch, vùng rừng đại ngàn dưới chân núi Ngok Linh là nơi khó thâm nhập cả về việc dùng trực thăng đổ bộ hay bằng các cuộc hành quân càn quét. Nước Là được bao bọc bởi những dãy núi cao như Ngok Linh, Ngok Mai, Ngok Kiếp Cang, Ngok Tập, Ngok Dơn... Khi thâm nhập vào khu vực này, địch dễ rơi vào thế “đi dễ khó về”.
Khi bước đầu ổn định công tác, Liên Khu ủy 5 chủ trương tăng gia sản xuất. Mỗi cán bộ, nhân viên phải tự trồng 300 gốc sắn, phấn đấu tự bảo đảm lương thực trong vòng 6 tháng. Mỗi cơ quan của Liên Khu ủy tổ chức 1 tổ (3 người) với nhiều phương tiện sa, lưới, câu… để đánh bắt cá ở sông Tranh. Ngoài ra, qua công tác vận động, đồng bào huyện Trà My đã đóng góp cho cách mạng hàng nghìn ang thóc cùng nhiều heo, gà bảo đảm lương thực, thực phẩm trước mắt. Riêng tại xã Tu, đồng bào đóng góp được hơn 100 ang thóc, 2.000 gốc sắn, các loại bắp, khoai, rau màu... Đến cuối năm 1960, đồng bào đã đóng góp 9.969 ang lúa, 4.480 ang bắp, 57.857 gốc sắn, 90 con heo và hàng nghìn con gà. Huyện ủy Trà My cử các đồng chí Huyện ủy viên trực tiếp xuống từng khu vực, cùng ăn, cùng ở với đồng bào, vừa gây dựng, phát triển cơ sở kiên trung, xây dựng nền tảng chính trị vững mạnh, vừa lãnh đạo, động viên đồng bào giúp đỡ cán bộ của Liên Khu ủy 5 trong việc lựa chọn địa bàn phát rẫy, cung cấp nông cụ, giống cây trồng và bảo vệ bí mật khi mật thám, biệt kích địch trà trộn vào để dò la tin tức.
Cuối năm 1958 - đầu năm 1959, địch tiến hành “thượng du vận”, đưa quân lên chiếm đóng miền núi. Ở Trà My, địch triển khai đóng nhiều chốt, đồn nhằm ngăn chặn các hoạt động của lực lượng cách mạng, nhưng chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của đồng bào. Sau khi được học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết 15 của Trung ương, đồng bào rất phấn khởi, hăng hái tham gia du kích, làm chông, thò, cạm bẫy để bảo vệ làng, bảo vệ căn cứ; hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, những “rẫy cách mạng”, “rẫy đoàn kết” nhanh chóng được hình thành nhằm kịp thời sản xuất và cung cấp lương thực cho cách mạng. Các tổ chức đảng, đoàn thể ở Trà My được củng cố, tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ bí mật được nâng lên rất cao, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ căn cứ.
Đến đầu năm 1960, quá trình lựa chọn, xây dựng hoàn tất, toàn bộ cơ quan Liên Khu ủy 5 chuyển về đứng chân tại Nước Là. Từ đây Nước Là trở thành căn cứ địa vững chắc của cơ quan đầu não Liên Khu ủy 5.
Sau khi toàn bộ cơ quan Liên Khu ủy 5 chuyển về đóng tại Nước Là, thời gian đầu, mọi hoạt động của các lực lượng cách mạng, như: đảm bảo an ninh chính trị, xin đất làm rẫy, đổi sắn, đổi bắp, heo, gà… đều trực tiếp dựa vào đồng bào ở 3 làng Tăk Pỏ, Tăk Chanh và Ngok La. Đồng bào sẵn sàng ủng hộ lương thực và thực phẩm lúc cơ quan gặp khó khăn. Mỗi khi cán bộ, chiến sĩ ra gặp bà con, chỉ cần bảo là “người của Ba Đen” thì dân làng vui vẻ ủng hộ ngay… Chính sách “ba cùng” đã được cán bộ, đảng viên vùng đồng bằng khi tăng cường phục vụ công tác xây dựng phong trào đã được thực hiện và phát huy hiệu quả, tiêu biểu có các đồng chí Phạm Xuân Thâm (Sáu Do), Nguyễn Ngọc Tân (Bảy Nùng), Huỳnh Thiện (Tám Tố), Phạm Thành Hiệu (Hai Non)…
----------------
Kỳ 2: Xây dựng nguồn lực vững mạnh