Nước Là, một thời anh dũng - Kỳ 2: Xây dựng nguồn lực vững mạnh

LÊ NĂNG ĐÔNG 27/03/2020 11:19

Sau khi Liên Khu ủy 5 chuyển toàn bộ cơ quan về Nước Là (Trà My), công tác xây dựng căn cứ được đẩy mạnh thực hiện nhằm đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, làm việc và an toàn của cơ quan, ban, ngành trong Liên Khu ủy.

Lãnh đạo Ban Tuyên huấn Khu 5 tại Căn cứ Nước Là. Anh tư liệu
Lãnh đạo Ban Tuyên huấn Khu 5 tại Căn cứ Nước Là. Anh tư liệu

Hình thành “thủ đô kháng chiến”

Công tác bảo đảm bí mật, an toàn cho căn cứ được đặt lên hàng đầu. Mặc dù số lượng cán bộ, chiến sĩ toàn khu khá đông, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu bí mật, từ công tác nghiên cứu, soạn thảo văn kiện, phục vụ hội nghị đến hoạt động sản xuất… Việc ra vào cơ quan được kiểm soát chặt chẽ, công tác cảnh giới nghiêm ngặt. Tuy cơ quan Liên Khu ủy 5 đóng ở Nước Là, gần làng Tăk Pỏ, nhưng người dân vẫn không vào được căn cứ, chỉ có giao liên dẫn đường mới có thể đến cơ quan vì đường vào hết sức quanh co, lắt léo.

Ngoài các cơ quan Liên Khu ủy 5, lúc này ở Trà My còn có các cơ quan của huyện Tiên Phước, Tam Kỳ, bộ phận cánh Nam tỉnh Quảng Nam… Để kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, Huyện ủy Trà My đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bào địa phương giúp đỡ cán bộ cách mạng về dụng cụ, tranh, tre, nứa, lá để xây dựng lán trại, ủng hộ lương thực, thực phẩm giải quyết nhu cầu hậu cần trước mắt. Nhà ở, nhà làm việc trong căn cứ được xây dựng ven sườn núi, nằm ẩn khuất dưới những vòm cây cao.

Cơ quan Liên Khu ủy 5 đứng chân tại Nước Là có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới ở vùng Trà My. Từ đây, phong trào cách mạng ở Trà My có điều kiện phát triển mạnh mẽ, trở thành “thủ đô kháng chiến” của liên khu. Nhưng đồng thời đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Trà My sẽ đứng trước trách nhiệm vô cùng to lớn, đó là che chở, bảo vệ an toàn cơ quan Liên Khu ủy 5 đứng chân lãnh đạo phong trào cách mạng.

Thành lập tờ tin Pru Dương

Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất, để nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc thiểu số, cuối năm 1959, Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam cử đồng chí Lê Văn Nam (Yêm) vào Trà My giúp địa phương nghiên cứu phiên âm chữ viết cho các dân tộc thiểu số, trước hết là phiên âm chữ Ca Dong, vì ở cánh nam của tỉnh nói chung, hai huyện Trà My, Phước Sơn nói riêng, đồng bào Ca Dong có số lượng đông hơn. Huyện ủy Trà My chọn vùng Tăk Pỏ - trung tâm của khu Căn cứ Nước Là để xây dựng âm chuẩn. Đồng chí Lê Văn Nam nghiên cứu ghi âm chữ Ca Dong dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của đồng chí Cónh Axớp (Quách Xân) - Ủy viên Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam. Sang năm 1960, công tác phiên âm đạt được kết quả bước đầu. Huyện ủy Trà My liền dựng trường ngay tại Tăk Pỏ, tổ chức chiêu sinh để phổ biến chữ Ca Dong đồng thời qua đó hoàn chỉnh bộ vần chữ này. Sau lớp học này, phong trào học chữ Ca Dong phát triển nhanh chóng.

Nhằm thúc đẩy phong trào, đồng thời dùng chữ viết Ca Dong vào công tác vận động, tuyên truyền cách mạng trong quần chúng, Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam và Huyện ủy Trà My cho ra mắt tờ tin Pru Dương (Vùng Lên) bằng chữ Ca Dong và chữ phổ thông. Tờ tin Pru Dương phát hành hằng tháng, riêng dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn như Ngày thành lập Đảng, Ngày sinh Bác Hồ... đều có số đặc biệt, được quần chúng yêu thích, quý trọng. Bài viết trên Pru Dương rất ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu, nội dung truyền đạt chủ trương của Đảng, của Tỉnh ủy, Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam, Huyện ủy Trà My... bằng ngôn ngữ quần chúng giàu hình tượng sống động. Pru Dương còn chú ý đến việc đưa tin kịp thời các địa phương, điển hình tiên tiến ở các thôn, xã, qua đó vận động đồng bào hưởng ứng thi đua.

Việc phiên âm chữ Ca Dong và sự ra đời của tờ tin Pru Dương là một thành công của Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam và Đảng bộ Trà My lúc bấy giờ. Chính sự thành công này góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh phong trào cách mạng ở địa phương.

Kiện toàn lực lượng

Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương, ngày 19.5.1959, Bộ Chính trị quyết định tổ chức “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, trang thiết bị từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Ngày sau khi ra đời, Đoàn 559 nhanh chóng tổ chức Đoàn 301 gồm 440 cán bộ, chiến sĩ (hầu hết là con em các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi tập kết ra miền Bắc) để khảo sát, thăm dò mở đường. Đồng thời số cán bộ này sẽ có nhiệm vụ trở về quê hương chiến đấu, làm nòng cốt để Liên khu 5 khôi phục những đơn vị vũ trang, chỉ đạo tiến hành đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang. Tháng 6.1959, đồng chí Võ Bẩm - đoàn trưởng Đoàn 559 cùng một số cán bộ bí mật xoi đường từ miền Tây Quảng Trị vào Liên khu 5. Trên tuyến đường bí mật này, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quê miền Nam tập kết ra miền Bắc trở lại chiến trường miền Nam để chiến đấu. Đây là nguồn nhân lực quan trọng để Liên khu 5 xây dựng lại lực lượng.

Được tăng cường cán bộ từ miền Bắc, Liên Khu ủy đã tiến hành thành lập các ban, ngành, kiện toàn biên chế tổ chức để phục vụ kháng chiến. Tháng 4.1960, tại Nước Là, Liên Khu ủy 5 quyết định thành lập Ban Quân sự khu 5, do đồng chí Võ Toàn - Bí thư Liên Khu ủy làm Trưởng ban Quân sự. Đây là cơ quan chỉ huy lực lượng vũ trang ở Liên khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ. Giúp việc cho Ban quân sự còn có 30 cán bộ, chiến sĩ, làm việc ở các bộ phận, tham mưu chỉ đạo quân sự, tham mưu chỉ đạo phong trào bám cơ sở tổ chức nổi dậy. Tháng 4.1960, đồng chí Võ Toàn, chỉ đạo thành lập Ban Tuyên huấn Liên Khu ủy 5 trên cơ sở chia tách Văn phòng Liên Khu ủy 5, Ban Tuyên huấn gồm có 5 người, do Phó Bí thư Liên Khu ủy Trương Chí Cương làm Trưởng ban. Trong thời gian này, các ban ngành khác cũng lần lượt được thành lập: Ban Tổ chức do đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ làm Trưởng ban; Ban Dân vận do đồng chí Nguyễn Húng (Quảng) làm Trưởng ban…

-----------------

Kỳ 3: Chuyển hướng chiến lược đấu tranh

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nước Là, một thời anh dũng - Kỳ 2: Xây dựng nguồn lực vững mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO