Nước mắm Hà Quảng cần một "cú hích"

VĂN SỰ - QUỐC TUẤN 27/02/2019 05:41

Là sản phẩm truyền thống đặc trưng của một làng chài ven biển nay đã trở thành đô thị, nước mắm Hà Quảng (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) có triển vọng trở thành sản phẩm OCOP chất lượng, nếu thời gian tới nhận được sự tiếp sức từ nhiều phía.

Người dân làng mắm Hà Quảng cần được hỗ trợ nhiều khâu để cải thiện quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: S.T
Người dân làng mắm Hà Quảng cần được hỗ trợ nhiều khâu để cải thiện quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: S.T

Tiềm năng chưa đánh thức

Hà Quảng từ bao đời là một làng chài hun hút cát trắng với hầu hết người dân bám trụ biển khơi. Từ nguồn nguyên liệu thủy hải sản trù phú, những người phụ nữ địa phương từ lâu đã biết chế biến các sản phẩm nước mắm dân dã mà đậm đà nức tiếng một vùng. Sau năm 1975, cùng với việc bám biển, nghề làm nước mắm đã trở thành sinh kế chính của hàng trăm hộ dân trải dài qua 4 thôn dọc bờ biển của làng Hà Quảng cũ, gồm: Hà Quảng Đông, Hà Quảng Tây, Hà Quảng Bắc và Quảng Gia. Những cụ cao niên trong làng kể lại rằng, hồi đó sản phẩm nước mắm chế biến ra để bán lấy tiền hoặc đem đổi lấy thực phẩm và tự cung tự cấp. Mùa biển động dài đằng đẵng, nhiều gia đình bấm bụng ăn cơm với mắm qua ngày. Hình ảnh những cụ bà gánh mắm cặm cụi băng bộ mấy chục cây số ra Đà Nẵng, xuống Hội An rao bán vẫn còn in sâu trong ký ức của người dân nơi đây.

Nhiều năm sau này, làng nghề nước mắm Hà Quảng hoạt động thông qua hình thức hợp tác xã lấy tên là “Thống Nhất”, nhưng dần dà với sự xuất hiện ào ạt của nước mắm công nghiệp và quy trình hoạt động không linh hoạt, hiệu quả đã khiến hợp tác xã giải thể. Nhiều hộ dân cũng không còn tâm huyết gắn bó với nghề khi công nghiệp - du lịch - dịch vụ bắt đầu lan tỏa đến vùng ven biển này. Gần đây, khi người tiêu dùng bắt đầu quay lại chuộng sản phẩm nước mắm nhỉ, nước mắm truyền thống thì nước mắm Hà Quảng mới có cơ hội để vực dậy. Được biết, ở địa phương còn khoảng 50 hộ bám trụ với nghề chế biến nước mắm, chủ yếu sinh sống tại 2 khối phố Quảng Gia và Hà Quảng Đông. Bà Trần Thị Thuận ở khối phố Quảng Gia - một trong những hộ làm mắm với quy mô lớn nhất của làng Hà Quảng chia sẻ: “Ở đây, hộ ít thì muối vài ba chum, còn nhiều thì được vài chục chum. Chúng tôi làm gối đầu nên không lo thiếu sản phẩm cung ứng cho người tiêu dùng”.

Cần một sức bật

Dù là làng nghề truyền thống duy nhất của phường Điện Dương và cả vùng cát Điện Bàn nhưng hiện nay số lao động gắn bó với làng nghề nước mắm Hà Quảng không nhiều và chủ yếu là phụ nữ trung niên với khoảng 100 người. Với mức thu nhập bình quân khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng trong bối cảnh của địa phương thì rất khó để lao động trẻ có tâm huyết gắn bó với nghề. Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết: “Hiện nay, các hộ dân ở làng nước mắm Hà Quảng vẫn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ theo phương thức thủ công và chưa có sự liên kết, hợp tác trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên năng lực cạnh tranh trên thị trường vẫn còn thấp. Hầu hết hộ dân cần được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm các loại máy móc hiện đại, tạo dựng thương hiệu để làng nghề thực sự được vực dậy”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay bình quân mỗi hộ dân ở làng nước mắm Hà Quảng sản xuất được khoảng 50 - 70 lít/ngày và qua thương lái đã bắt đầu tiếp cận được các thị trường như TP.Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng,… với các đơn hàng sỉ có khi lên đến hơn 1.000 lít/đơn hàng. Theo các hộ sản xuất, ngoài nguồn nguyên liệu tại chỗ, người dân làng nghề cũng sử dụng thêm nguồn hải sản khai thác từ Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình… để phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng lên. Một tín hiệu vui trong năm 2018 vừa qua là Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể nước mắm Hà Quảng. Nhờ đó, dù giá cả của các sản phẩm nước mắm Hà Quảng cao hơn nước mắm trên thị trường 20 - 30% nhưng vẫn tiêu thụ ổn định.

Dù đã có phần nào sự khởi sắc trong thời gian qua nhưng thực tế cho thấy làng mắm Hà Quảng vẫn chưa thể so sánh với các làng nghề mắm khác của tỉnh, nhất là nước mắm Cửa Khe (Thăng Bình) đã được chọn làm sản phẩm tham gia phương án thí điểm OCOP tỉnh Quảng Nam năm 2018. Trong khi nhiều sản phẩm làng nghề, nhất là các sản phẩm được lựa chọn tham gia OCOP trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được thương hiệu, vươn ra được thị trường vùng, quốc gia thì sản phẩm nước mắm Hà Quảng vẫn chật vật trong việc tìm đường lan tỏa đến người tiêu dùng. “Ở đây, chưa đặt biển hiệu làng nghề, thi thoảng có khách đường xa đi ngang nghe mùi mắm người ta có dừng lại hỏi thăm mua rồi truyền tai nhau để ghé đặt lâu dài” - bà Trần Thị Thuận bộc bạch. Thời gian qua, cũng chỉ có hộ bà Thuận và một số ít hộ khác có tham gia vào gian hàng quảng bá sản phẩm tại các hội chợ trên địa bàn Quảng Nam, còn việc đi xa hơn thì vẫn chưa có cơ hội. Ông Đinh Hùng Liên - Chủ tịch UBND phường Điện Dương cho hay, địa phương cũng có vận động các hộ trong làng nghề chỉnh trang cửa hàng trưng bày tươm tất để quảng bá và tạo niềm tin nơi người tiêu dùng nhưng do cơ sở sản xuất còn chưa quy củ nên đến nay vẫn chưa thực hiện được...

VĂN SỰ - QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nước mắm Hà Quảng cần một "cú hích"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO