Mẹ tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy nắng và gió ở thôn Viêm Đông, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, nay là phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn.
Cũng như bao phụ nữ khác, mẹ có chồng, sinh con đẻ cái trong hoàn cảnh khó khăn nhưng cuộc sống rất hạnh phúc. Thế mà vào cái ngày định mệnh của năm ấy, chiến tranh đã cướp đi sinh mạng người chồng rất mực thương yêu khi mẹ chưa đầy 40 tuổi. Cái tuổi còn rất trẻ nhưng đành phải góa bụa, vừa làm mẹ vừa làm cha, quanh năm suốt tháng phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để kiếm cái ăn nuôi đàn con thơ dại trong điều kiện thiếu cơm lạt muối và chiến tranh loạn lạc. Nay mẹ đã bước sang cái tuổi về chiều, lâu nay mẹ vẫn khỏe ít khi đau ốm. Bỗng nhiên mới đây mẹ ngã bệnh. Chẳng mấy chốc thân mẹ trở nên gầy guộc, chỉ còn da bọc lấy xương.
Mặc dù nằm sát giường nhưng thấy các con phải thức đêm, thức hôm và phải bỏ công ăn chuyện làm nên mẹ bảo chúng tôi cứ về lo làm ăn, mẹ khỏe rồi và nằng nặc đòi về nhà trong khi bệnh tình đang nguy kịch. Tôi là anh cả, song hiện sinh sống ở xa nên mỗi khi mẹ bị trái gió trở trời tôi là người có mặt chậm hơn so với các em. Tuy nhiên mỗi khi nghe tin mẹ đau tôi đều có mặt và mỗi lần như vậy đều nghe mẹ bảo: “Mẹ không có mệnh hệ gì đâu mà con phải bận tâm, con đừng lo kẻo ảnh hưởng đến công ăn chuyện làm”. Cũng chính vì sợ tốn kém thời gian, tiền bạc của con cháu mà mẹ tôi giấu bệnh. Lần này cũng vậy, bà bị xuất huyết đường ruột đã nhiều ngày nhưng không cho ai biết…
Cho dù anh em chúng tôi thay phiên nhau túc trực để lo cho mẹ, nhất là các cô em gái là những người thường xuyên tắm rửa, giặt giũ áo quần cho mẹ, nhưng vẫn tự thấy mình không được chu đáo. Từ khi chồng qua đời, một thân một mình vò võ nuôi con, mỗi khi có đứa nào bị ốm là mẹ thức trắng đêm. Trong khi nhà không có tiền để mua thuốc, mẹ phải đi dọc bờ ruộng, bụi tre để nhổ từng cây thuốc nam về nhai với vài hạt muối đắp lên trán hoặc cho uống để hạ nhiệt. Ngày mưa, chỗ nào dột, chỗ nào ướt mẹ nằm, dành chỗ ráo để anh em chúng tôi lăn. Cảm phục hơn là mẹ đã lấy tấm thân gầy guộc của mẹ che lấy anh em chúng tôi mỗi khi có đạn pháo của địch bắn qua; ôm chặt chúng tôi vào lòng mỗi khi giặc Mỹ đi càn. Tình thương của mẹ thật bao la như biển trời, chúng tôi lấy gì đền đáp được, thế mà lần này nhận được tin mẹ bị đau, tôi bươn bả chạy về lại bị mẹ mắng là không lo công việc về làm chi, mẹ vẫn khỏe không việc gì phải lo.
Khí trời cuối hè oi nồng, nóng bức. Trong căn phòng chưa đầy 20 mét vuông của khoa nội - tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng bố trí tới 5 giường bệnh mà chỉ có một cái quạt trần, không đủ mát, vì vậy trên tay tôi luôn phe phẩy chiếc quạt giấy để mẹ được ngon giấc. Nhưng do đi đường xa, trời nóng bức nên mới 22 giờ cặp mắt tôi đã sập mí và ngủ thiếp ngay trên giường bệnh của mẹ lúc nào chẳng hay. Khi giật mình mở mắt thấy chiếc quạt giấy ở trên tay của mẹ đang quạt đuổi muỗi cho tôi. Dù không nhìn rõ nhưng nghe tiếng nấc của mẹ, tôi biết mẹ đang khóc vì thương con.
Người xưa thường bảo “Thức đêm mới biết đêm dài/ Nuôi con mới biết công lao mẹ già”. Tôi rất thấm thía với câu nói ấy nhưng do cuộc sống nên không thường xuyên ở bên mẹ. Nhiều lúc động viên mẹ vào ở cùng để vợ chồng, con cái của chúng tôi có điều kiện chăm sóc mẹ hơn. Thế mà một mực mẹ từ chối với lý do là cha mẹ dựng được căn nhà cho dù không lớn nhưng đó là mồ hôi nước mắt, là kỷ niệm và là nơi thờ phụng, hương khói cho ba tôi, mẹ không nỡ để đó mà đi được.
Vẫn biết là “Nước mắt chảy xuôi”, nhưng đối với tôi tình thương đó là trời, là biển, là cả vũ trụ bao la!
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC