Nước mắt, phía sau con chữ

NGUYỄN ĐIỆN NAM 13/08/2019 09:35

Dẫu biết có tiếng cười là tiếng khóc khô không lệ, nên nước mắt không chỉ xuất hiện trong bi thương mà còn có khi cười vui. Nhưng nước mắt từ tiếng khóc não nùng trên mảnh đất người đời thường ám ảnh hơn.

Ám ảnh như đám tang của cậu bé học trò 6 tuổi bị bỏ quên trên xe đến trường. Hình dung đã có những tiếng khóc, thét gào khản giọng và vô vọng đến kiệt sức trước khi em ngất lịm đi. Nước mắt đã bóp nát con tim của cậu bé, rồi đến những người thân. Và nước mắt còn có ở những phận đời nghèo khó của bao trẻ em không được đi học ở một trường quốc tế nào, hàng ngày phải đối mặt với bữa cơm không có thịt, thiếu dinh dưỡng trầm trọng ở vùng sâu vùng xa, qua sông suối sợ chết đuối...

Nước mắt đớn đau cùng tiếng rên la do nạn bạo hành, xâm hại trẻ. Đến cả trước cánh cửa tu học phật mà trẻ vẫn bị đánh bầm tím, hay có thanh thiếu niên bị các ông sư biến thái lạm dụng tình dục. Cạnh đó, bao học trò đi tìm chữ, cũng trào nước mắt khi phải vượt qua hàng rào thi cử rối rắm cứ cải tiến và thử nghiệm, trong khi mồ côi cha mẹ, chật vật với miếng cơm manh áo.  

Nước mắt xót xa còn dành cho ngành giáo dục, cho những thầy cô dạy chữ, như một giáo viên ở Buôn Ma Thuột phải “quỳ gối” xin không chuyển trường bởi gia cảnh khó khăn. Lại thêm chuyện mà Quảng Nam và cả nước đều có, đó là tình trạng giáo viên phập phồng với định biên, lo thi tuyển viên chức giáo dục, hàng ngàn người đang khóc thầm vì sợ cắt mất hợp đồng.

Phía sau con chữ, những trang sách và giáo án, nước mắt áng chừng đã thấm đầy thân phận rủi ro, bất trắc, bất an. Dẫu biết xây dựng nền tảng cho một triết lý giáo dục lấy con người làm trung tâm, đồng cảm và chia sẻ, cùng hướng đến tiến bộ, văn minh là hành trình khó nhọc. Nhưng sẽ đau đầu nhức óc với bao nhiêu câu hỏi về vấn nạn tiêu cực trong việc dạy và học chủ yếu chạy theo bằng cấp, chạy theo hư danh, rồi đến tự chủ giáo dục bị biến tướng trong kinh doanh giáo dục. Không ít gia đình bấm bụng dành dụm cho con tìm đường ra nước ngoài “tị nạn giáo dục”, hoặc vào các trường liên kết quốc tế với học phí cao. Còn các gia đình nông dân nghèo chật vật xoay xở cho con em họ kiếm được mảnh bằng ở các trường trong nước. Nông dân rớt nước mắt vì hạt lúa củ khoai giá thấp, đồng ruộng khô hạn nhiễm mặn, trồng cây gì, nuôi con gì cũng khó khăn như con heo đang chết tràn lan vì dịch bệnh. Vậy mà họ vẫn phải gồng mình nuôi con ăn học. Đáng buồn thay lại có nghịch cảnh nhiều con em nông dân khi học xong đại học lại phải bươn bả vào thành phố lớn mưu sinh, để lại ruộng đồng trống vắng cùng cha mẹ già nơi quê xứ. Cảm thán từ bài thơ “Nông dân” của Nguyễn Sĩ Đại ra đời năm 1989, đã 30 năm trôi qua vẫn còn văng vẳng:

“Nghèo chữ quá nên trọng người hay chữ

Bóp bụng nuôi con thành ông trạng, ông nghè

Sáu mươi tuổi mẹ lội bùn cấy hái

Ông trạng áo dài, ông trạng sống ly quê!”

Tháng Bảy ngâu vầy nói về nước mắt, lại vọng mùa vu lan báo hiếu mà thấy xa xót với những nỗi buồn thế nhân, tha nhân. Có thể đâu đấy vẫn có nhiều người lạc quan như vua hề Sạc-Lô, nhưng đôi khi vẫn âm thầm giấu những giọt nước mắt trong tiếng khóc thầm: “Tôi thích đi dưới mưa để không ai thấy tôi đang khóc” (I always like walking in the rain, so no one can see me crying - Charlie Chaplin).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nước mắt, phía sau con chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO