Nước mắt Tonle Sap

HUYỀN NGUYÊN 28/09/2013 09:04

Biển Hồ (Tonle Sap) của Campuchia đẹp nhưng đọng lại trong trái tim du khách nỗi buồn mênh mang về những người Việt lênh đênh giữa lòng hồ không tăm tích, ngày mai!

Cách TP.Siem Reap (Campuchia) hơn 30 phút  ô tô là đến Biển Hồ. Đó là hồ chứa nước ngọt, bắt nguồn từ Tây Tạng, nối liền với dòng sông Mekong và chảy quaViệt Nam đổ ra hai nhánh sông Tiền và sông Hậu. Khách du lịch Việt Nam rất háo hức được đến với địa danh được nhắc nhiều trong các sách địa lý. Nhưng, ngoài cảnh sông nước khá giống miền Tây Việt Nam với ghe thuyền thấp thoáng trên sông,  thì hình ảnh của những đứa trẻ ở truồng,  cởi trần khoác chăn, ngồi cùng ba mẹ trên những chiếc thuyền du lịch để hành khất ngày một đông hơn, đã khiến Biển Hồ trở nên buồn man mác. Du khách chợt thấy se lòng khi nghe tiếng Việt “One dollar (1USD), khách Việt thì tiền Việt cũng được”.

Người dân Biển Hồ nói khi được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997, việc đánh bắt cá đã bị hạn chế. Cư dân sống trên hồ chủ yếu là người Việt đã chọn cách kiếm sống là “ăn xin”. Họ là những người Việt rời khỏi đất nước từ rất lâu rồi, cách nhiều đời không còn biết quê quán. Họ sống thành một cụm với nhau trên những chiếc thuyền nổi cũng là nhà. Họ sử dụng nước sông và nước mưa cho sinh hoạt. Campuchia không cấp giấy tờ cho họ, quê hương Việt Nam thì đã quá xa xôi. Phần lớn họ đều mù chữ và thất học.

Tám năm trước, du khách Nguyễn Văn Tư (Đồng Tháp) đã đến, tình nguyện mở một ngôi trường, thuyết phục trẻ con đi học, với mong muốn mang đến cho các em cái chữ. Những ngày đầu chỉ có vài em đi học, thầy giáo phải “thuê” các em đi học bằng các bữa ăn. Nhưng có nhiều em vẫn không đi vì lý lẽ rất đơn giản, “em mà đi học, ai ở nhà giúp bố mẹ đi ăn xin”. Đó là ngôi trường cấp I, cũng là nhà nổi, sống bằng các nguồn cứu trợ. Hiếu học đến mấy thì học sinh cũng chỉ hết cấp I. Nhiều đoàn khách Việt Nam đã quá buồn lòng khi nhìn những cảnh đời khốn khó ấy. Họ chỉ biết đặt câu hỏi sao không ai làm gì để đưa những người này trở về bản quán? Bởi không chỉ có một hay 10 người mà có đến 536 hộ dân ở vùng đó. Tìm đâu việc làm và những người sinh ra, lớn lên ở vùng đất này thì hồ chính là quê hương. Cái họ giữ duy nhất là tiếng nói Việt Nam, vậy họ có muốn trở về không?

 Nhiều du khách không cầm lòng được đã rút ví cho tiền, dù lòng thương cảm từ những đồng tiền lẻ ấy sẽ “giết chết ý chí học hành và lao động” của dân lòng hồ. Vài đồng tiền lẻ cùng những gói mỳ tôm du khách mang tới sẽ nuôi sống họ được bao nhiêu ngày? Nhưng nếu họ không có tiền thì sẽ sống làm sao khi không thể đánh bắt? Bao giờ họ có được những quyền cơ bản của một công dân? Đến bao giờ thì những thế hệ trẻ con sinh ra ở Tonle Sap được đến trường, không cần phải đi ăn xin để sống ? Những câu hỏi cứ quanh quẩn mãi trong đầu những du khách khi họ rời Biển Hồ. Khách nói mà như chỉ tiếng mình vọng lại từ không trung xa xôi kia một nỗi buồn vời vợi!

HUYỀN NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nước mắt Tonle Sap
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO