Nước mắt và nước mát trên vùng hạn

ĐĂNG QUANG 16/03/2020 09:42

Những cánh đồng nứt nẻ lọt cả bàn chân trâu.Những giọt nước mắt lăn dài khi ruộng lúa, vườn cây ăn trái gục xuống vì nước mặn.Đồng bằng sông Cửu Long đang phải hứng chịu đợt hạn mặn khốc liệt như vậy.

Nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, dĩ nhiên có nguyên do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhưng cốt tử là thượng nguồn Mê Kông bị chặn bởi quá nhiều đập thủy điện. Nhiều nhà khoa học cảnh báo vùng châu thổ này sẽ còn đứng trên “hỏa diệm sơn” vì sinh kế ngày càng bức bối. Nước còn thiếu để uống huống chi trồng trọt. Vậy nên nhìn cảnh bộ đội, rồi các nhà hảo tâm chở nước đến cho dân mà mừng rơi nước mắt.

Và không riêng Cửu Long, nhiều dòng sông khác cũng bị chặn dòng, nên nỗi khổ vì nước tưới, vì hạn mặn sẽ còn thấm nước mắt của dân vùng hạ du. Không khốc liệt như miền Tây Nam Bộ, nhưng Quảng Nam và Đà Nẵng mấy năm rồi vẫn bị mặn xâm nhập.

Ngay từ đầu vụ đông xuân 2019 - 2020 mặn đã xuất hiện trên sông Vĩnh Điện; có lúc mặn đã xâm nhập đến cầu Câu Lâu (cũ) với độ mặn 5 phần nghìn. Gần đây, Đà Nẵng và Quảng Nam lại phải họp bàn phối hợp điều tiết nước, vừa cấp nước cho sinh hoạt vừa đảm bảo cho cây lúa đông xuân. Một diễn biến khác là các địa phương phải tìm cách chuyển đổi qua cây chịu hạn, nếu không chuyển đổi sẽ “trất om” khi cứ cố trồng lúa.

Đã có nhiều giải pháp đề ra, tuy nhiên sẽ khó thay đổi tình thế của Cửu Long nếu các quốc gia trong vùng, nhất là phía thượng nguồn cứ khư khư giữ lấy lợi ích vị kỷ của họ. Còn ở các địa phương trong nước, đến lúc cần phải nói không với việc ngăn sông làm thủy điện. Khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhưng xem ra còn rất chậm trong cuộc chạy đua với thời gian và tốc độ khô hạn, xâm nhập mặn.

Chẳng hạn như Quảng Nam, đã từng có đề tài “Nghiên cứu diễn biến xâm nhập mặn (đất và nước) vùng ven biển tỉnh Quảng Nam, đề xuất giải pháp ứng phó”. Đề tài hướng tới đánh giá xâm nhập mặn (tầng nước mặt và đất) và dự tính xu hướng xâm nhập mặn đến năm 2030; đề xuất giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Nghiên cứu đã chỉ ra 6 khu vực có khả năng nhiễm mặn cao, phân bố ở vùng ven biển từ Điện Bàn tới Tam Kỳ. Trong đó khu vực Điện Bàn có 1.423ha (sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn qua cửa Hàn), khu vực Duy Xuyên hơn 1.000ha (sông Thu Bồn bị nhiễm mặn qua cửa Đại), khu vực Tam Kỳ là 540ha (sông Bàn Thạch bị nhiễm mặn qua cửa An Hòa)…

Tính ra vậy còn làm sao để ngăn mặn thì chưa có giải pháp nào đắc dụng lâu dài, ngay như việc điều tiết hồ chứa thủy điện để đẩy mặn cũng khó, bởi nếu hồ khô lấy nước đâu mà xả đẩy (?). Còn đào giếng và lắp máy lọc lấy nước ngọt không phải là giải pháp lâu dài được bởi chứa đựng nguy cơ làm nhiễm mặn càng thấm xuống tầng sâu.

Sống chung với hạn và xâm nhập mặn chắc chắn phải là điều bắt buộc. Việc kêu gọi tiết kiệm nước là chuyện đã cũ nhưng vẫn thời sự. Canh tác theo hướng tiết kiệm nước, từ cơ cấu giống cây trồng đến kỹ thuật, tất cả đều phải tính đến chuyện “nhỏ giọt” vừa đủ ngay vào cái rễ cây cần như công nghệ trí tuệ nhân tạo đã đo đếm và làm ra phương tiện để tưới. Chuyển đổi cây trồng cạn hay tìm ra giống chịu hạn mặn cũng là điều phải làm.

Trong khi chính phủ đang đưa ra các gói đầu tư chống xâm nhập mặn thì việc các lực lượng vũ trang, các nhà hảo tâm hỗ trợ việc cung cấp nước ngọt cho đồng bào vùng hạn là chuyện đáng quý. Những giọt nước mát từ tâm có thể làm dịu đi phần nào sự bỏng cháy của đời sống, cũng như công cuộc phòng chống dịch Covid-19 đang hiệu triệu toàn dân vào cuộc mà giới doanh nhân, các nghệ sĩ đã lên tiếng ủng hộ cả vật chất và tinh thần.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nước mắt và nước mát trên vùng hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO