Nước Nhật và những người bạn

HUỲNH VĂN MỸ 14/08/2018 02:56

Như rồng gặp mây, đặt chân đến nước Nhật duy tân của Minh Trị Thiên Hoàng với những thành tựu rỡ ràng càng thấm được nỗi đau nước nhà, Sào Nam Phan Bội Châu càng hăm hở với công việc của mình. Ông gặp gỡ, đàm luận cùng các chính khách Nhật Bản và những nhà cách mạng Trung Hoa đang lưu trú tại đây, và họ cũng đã dành cho ông những giúp đỡ quý báu…

Tin liên quan

  • Đất Thạnh Mỹ và cuộc mở đầu của Đông du
Đình làng Thạnh Mỹ thời trước, nay vẫn còn, đây cũng là nơi các sĩ phu trong vùng tổ chức những cuộc diễn thuyết kêu gọi người dân sống theo lối mới, cải cựu canh tân. Ảnh: H.V.M
Đình làng Thạnh Mỹ thời trước, nay vẫn còn, đây cũng là nơi các sĩ phu trong vùng tổ chức những cuộc diễn thuyết kêu gọi người dân sống theo lối mới, cải cựu canh tân. Ảnh: H.V.M

Luận bàn cùng các chính khách

Hoành Tân, hạ tuần tháng Tư năm Ất Tỵ 1905.

Sau gần 4 tháng cho cuộc hành trình (cùng với Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính), khó nói hết được cảm khái của Phan Bội Châu trước những gì thấy được nơi xứ sở được khai sáng từ sách lược duy tân. Chưa lắng lại cảm xúc trước những ứng xử đầy nhân văn qua các giao dịch thương mại tại đất nước này, ông lại nhận được sự tiếp đón đầy thịnh tình từ các chính trị gia ở đây. Điều quan trọng với Phan Bội Châu ấy là vượt qua những giao đãi hình thức, các chính khách này đã cùng ông bàn luận ân cần, sâu sát nhiều vấn đề để họ có thể giúp đỡ cho ông trong tư cách một nhà cách mạng.

Những lo âu trong bước Đông du lần đầu dường như không còn nặng với Phan Bội Châu khi mà vừa đến Hoành Tân ông đã gặp được nhà cách mạng Trung Hoa Lương Khải Siêu đang tạm trú ở đây. Chính tác giả của một số tân thư - mà không ít sĩ phu đương thời của nước ta từng đọc này đã giúp Sào Nam kết nối với một số yếu nhân người Nhật. “Lọt lòng mẹ đã có mối tương tri, vì đọc sách ông mấy năm đã thành thông gia”, những lời trong thư của Phan Bội Châu gửi xin diện kiến Lương Khải Siêu đã nhận được thiện cảm của nhà cách mạng này. “Thử nhân đại khả kính” - đây là nhân vật rất đáng kính - lời giới thiệu về Phan Bội Châu của ông Lương với Bá tước Đại Ôi, Tử tước Khuyển Dưỡng Nghị, nghị viên Hạ nghị viện Văn Thái Lang trong cuộc hội tiệc dành cho Phan Bội Châu ở Đông Kinh đã giúp Phan Bội Châu tranh thủ được sự quan tâm, tình cảm của những chính khách này.

Điều ưng ý với Sào Nam là cách luận bàn thẳng thắn, cởi mở của các chính khách ông được hội kiến. Cuộc đàm luận kéo dài đã làm vỡ vạc cho ông về những mối liên quan, những ràng buộc trong quan hệ đối ngoại hiện tại của nước Nhật cùng các nước trong khu vực và phương Tây. Những ý kiến từ cuộc luận đàm càng củng cố cho ông mục tiêu hướng ngoại để cầu tìm sự giúp đỡ, trong đó sự học hỏi kinh nghiệm từ những chính trị gia này là rất quý. Thật có lợi với Phan Bội Châu khi được bàn bạc chính sự với Đại Ôi - vị Bá tước từng là công thần duy tân, từng hai lần làm thủ tướng, đứng đầu Đảng Tiến bộ lúc bấy giờ. Còn Tử tước Khuyển Dưỡng Nghị lúc đó là Tổng lý Đảng Tiến bộ, từng là đại thần Văn bộ.

Những du học sinh đầu tiên

Hoành Tân, thượng tuần tháng Chín năm Ất Tỵ 1905.

Sau hơn 4 tháng mở đường của Phan Bội Châu cùng với nhiều cộng sự, những hạt giống du học sinh đầu tiên bắt đầu được gieo xuống mảnh đất Đông du.

Không thể không nhắc đến sự gợi ý của của các chính khách Nhật mà Sào Nam từng hội kiến. Và cũng không thể quên sự giải bày hơn thiệt của nhà cách mạng - học giả Lương Khải Siêu. Tất cả đã hướng cho Phan Bội Châu chuyển từ ưu tiên cầu viện (khí giới) sang ưu tiên cầu học cho thanh niên tiến bộ trong nước.

Cho “vụ mùa” đầu tiên sớm đến, Sào Nam đã băng bổ trên thuyền trên bộ về lại Việt Nam để tuyển chọn du học sinh rồi dẫn sang Nhật. “Hạ tuần tháng Sáu năm Ất Tỵ 1905, khi đó ông Tăng (Tăng Bạt Hổ) ở lại Hoành Tân còn tôi cặp ông Đặng Tử Kính mang 50 bản Việt Nam vong quốc sử lẻn về nước” - lời Phan Bội Châu ghi lại cho thấy ông như cánh đại bàng không mỏi chốn muôn trùng. Việt Nam vong quốc sử cũng là dấu chứng về tình bạn của Lương Khải Siêu dành cho Sào Nam. Chính ông Lương đã khuyên Sào Nam “dùng văn tự tuyên bố cho người thế giới biết, họa may kêu dậy được dư luận của thế giới làm môi giới ngoại giao cho các ngài…”. Rồi chính ông in giúp Việt Nam vong quốc sử cho Sào Nam.

Việc tìm thanh niên du học lần đầu có khó khăn bởi khi về đến Ninh Bình thì Phan Bội Châu được quan tuần phủ ở đây cho hay là ông đã bị niêm yết mật nã tại các địa phương. Không thể vào Huế, vào Quảng Nam với Tiểu La, ông chỉ nương náu các gia đình thân thích, tâm phúc của mình ở các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh để trao đổi thông tin, bàn thảo công việc rồi quay lại Nhật. Sau hai tháng về nước, vẫn đạt được kết quả, dù ít, Phan Bội Châu đã đưa được 3 thanh niên ở Thanh Hóa, Nghệ An theo mình sang Nhật học. Rồi Lương Khải Siêu lại giúp Phan Bội Châu mở rộng việc du học bằng cách viết bài khuyến  khích người trong nước. Và ông Lương lại in miễn phí cho ông 3.000 bản  Khuyến Quốc dân du học văn gửi về trong nước.

Thêm một niềm vui cho Phan Bội Châu, không lâu sau ngày ông trở lại Nhật có thêm 6 du học sinh từ miền Bắc tự tìm đến Hoành Tân. Đáng nói, trong số này có Lương Ngọc Quyến (tự Lập Nham), Lương Nghị Khanh là hai con trai của cử nhân Lương Văn Can, có tú tài Nguyễn Hải Thần. Vậy là con đường Đông du cầu học để có thêm thực lực cứu nước của Hội Duy tân đã dần tạo được niềm tin của Quốc dân. Niềm tin này đã thêm sức mạnh cho Phan Bội Châu, Nguyễn Thành cùng các đồng chí của mình bất chấp mọi gian nan, thách thức trên hành trình duy tân cứu nước.

______
Bài 3: Nguồn kinh tài hoạt động

HUỲNH VĂN MỸ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nước Nhật và những người bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO