Hôm qua 16.4, Hội nghị mùa xuân thường niên của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã khai mạc tại Thủ đô Washington (Mỹ) với sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ 188 nước thành viên, nhằm xây dựng kế hoạch xóa đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.
HỘI nghị diễn ra đúng thời điểm Liên hiệp quốc vừa thúc giục các chính phủ trên thế giới tăng tốc để chạy đua nước rút trong việc hoàn tất các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) đã đề ra. Trước thềm hội nghị, Chủ tịch WB - ông Jim Yong Kim cho biết, hiện thế giới đã hoàn thành mục tiêu xóa đói nghèo đã đề ra nhưng vẫn còn đến một tỷ người sống dưới mức nghèo khổ với mức thu nhập dưới 1,25USD/ngày. Do đó, nhà lãnh đạo WB kêu gọi các thành viên nỗ lực để giảm 100% số người này vào năm 2030.
Hàng triệu người nghèo châu Á vẫn dựa vào nguồn trợ cấp lương thực nhân đạo mỗi ngày. (Ảnh: rediff.com) |
Các chuyên gia kinh tế khẳng định, việc thúc đẩy kinh tế toàn cầu sẽ giúp xóa bỏ đói nghèo và tạo việc làm cho khoảng 200 triệu người đang rơi vào tình trạng thất nghiệp. Trong báo cáo phân tích về tình hình kinh tế khu vực, WB đã ca ngợi tốc độ tăng trưởng cao và ổn định của các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á - Thái Bình Dương. Khu vực này tiếp tục là đầu tàu của kinh tế toàn cầu, được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa mạnh, tăng trưởng ở mức 7,5% năm 2012, cao hơn tất cả các khu vực khác trên thế giới và cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn cầu. Bên cạnh đó, ông Axel van Trotsenburg - Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á - Thái Bình Dương khẳng định, khu vực này đóng góp khoảng 40% cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2012 và kinh tế toàn cầu tiếp tục phụ thuộc vào sự tăng trưởng của khu vực. Báo cáo dự báo rằng, khi kinh tế toàn cầu hồi phục, tăng trưởng của khu vực có thể tăng nhẹ lên mức 7,8% trong năm 2013 và 7,6% trong năm 2014.
Bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho biết sau 10 năm cam kết thực hiện MDGs (2000-2010), Liên hiệp quốc đánh giá Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn cầu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (cả về các chỉ tiêu tuyệt đối lẫn tương đối). Trong đó, thành tựu xóa đói giảm nghèo đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Điều đó minh chứng bằng các số liệu thực hiện MDGs tại Việt Nam thời gian qua: Giảm được 75% tỷ lệ hộ nghèo, từ 58,1% năm 1990 xuống còn 14,5% năm 2008. Năm 2011, tuy bất ổn về kinh tế, lạm phát cao cộng với hậu quả nặng nề của thiên tai bão lụt nhưng kết thúc năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm trên 2%, còn 14% và hiện còn mức 10%. Tuy nhiên, Bà Pratibha Mehta thừa nhận, trước giai đoạn nước rút về xóa đói giảm nghèo, Việt Nam không thể cho phép mình nghỉ ngơi mà phải nắm lấy cơ hội này để tăng cường nỗ lực, tiếp tục hướng tới đích. Thành công này sẽ không chỉ mang lại cuộc sống tốt hơn cho hàng triệu người Việt Nam mà còn khích lệ người dân ở tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt, khi hoạch định kế hoạch hành động cho giai đoạn sau năm 2015 và đối mặt với những thách thức lớn của phát triển. Điều quan trọng hơn cả là cần đảm bảo để chặng đua quan trọng này, không ai bị bỏ lại phía sau.
NAM VIỆT (tổng hợp)