Những năm qua, Quảng Nam triển khai nhiều chương trình, dự án để đưa nước sạch đến các vùng nông thôn, từng bước đáp ứng được nhu cầu của cư dân vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn về nước sạch. Đến nay, người dân nông thôn dùng nước sinh hoạt và nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ hơn 93,5%.
Tích trữ nước
Năm 2019, Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) hỗ trợ gia đình ông Trần Minh Quang (thôn Quảng Huệ, xã Đại Minh, Đại Lộc) bồn chứa nước inox 3m3.
Cũng từ đây, hộ ông Quang khắc phục được tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài trong nhiều năm. Chỉ cần trời mưa vài lần trong 1 tháng thì lượng nước dự trữ đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho 9 người trong 2 hộ sống liền kề. Mấy hôm nay nắng nóng, nhiệt độ tăng cao thì nhu cầu dùng nước cũng nhiều hơn, ông Quang lo lắng sẽ thiếu nước trong những ngày tới.
Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2021 với chủ đề: “Đảm bảo an ninh nguồn nước trong cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vì sức khỏe cộng đồng”. Kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng của tỉnh yêu cầu ngành chức năng và các địa phương đề ra chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác nước sạch và vệ sinh môi trường. Đồng thời nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia, cam kết của các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương, cộng đồng, nhân dân về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh hộ gia đình để bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Quang cho hay: “Khu vực này hầu như không thể dùng nước ngầm do nhiễm phèn nghiêm trọng. Để có nước sạch, hầu hết các hộ dân phải mua nước bình sử dụng hằng ngày, nên dùng rất tiết kiệm. Bồn chứa thật sự hữu ích, chỉ cần có mưa thì đỡ phải lo thiếu nước sạch, bớt phần nào chi phí cho gia đình”.
Trong khi đó, hộ ông Lê Văn Ba (cùng thôn Gia Huệ) đầu tư hơn 20 triệu đồng để đóng thêm giếng sâu 60m, lấy nước ngầm qua bể lọc vào bồn chứa 3m3 hỗ trợ để dùng cho gia đình vào mùa khô hạn, đảm bảo nước sạch thường xuyên. Không chỉ khắc phục tình trạng thiếu nước, ông Ba còn có đủ nước tưới cho vườn cây trái xanh tốt quanh năm.
“Những năm trước người dân vùng này luôn canh cánh chuyện khan hiếm nước sạch không chỉ mùa khô mà cả mùa mưa, nước ngầm thì không thể dùng, dù đóng giếng sâu cỡ nào cũng không được. Nhờ Nhà nước hỗ trợ bồn chứa nên người dân có nước sạch dùng quanh năm, đôi khi cũng gặp khó khăn một chút nếu nắng nóng kéo dài nhiều tháng liền” - ông Ba nói thêm.
Ông Phan Năm - Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết, thôn Gia Huệ là 1 trong những khu vực thiếu nước nghiêm trọng ở huyện Đại Lộc. Nhiều năm qua, người dân trong thôn phải đi rất xa để lấy nước về sinh hoạt, giếng ngầm phải đóng rất sâu nhưng vẫn bị nhiễm phèn, nước nặng mùi không thể dùng. Trung tâm Quốc gia NS&VSMTNT hỗ trợ 100 hộ dân khó khăn nhất về nước bồn chứa để trữ nước mưa và nước lọc thô, tổng trị giá hơn 800 triệu đồng. Bồn chứa đã khắc phục tình trạng thiếu nước kéo dài, nâng cao sức khỏe cho người dân.
Xã hội hóa đầu tư
Cùng với các chương trình về nước sạch cho vùng nông thôn khó khăn, Quảng Nam cũng quan tâm nhiều đến đồng bào vùng cao, khu tái định cư khu vực thiên tai với những hỗ trợ cụ thể, thiết thực và phù hợp với cuộc sống người dân.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, cùng với nguồn lực trung ương, tỉnh Quảng Nam ban hành các cơ chế, kêu gọi xã hội hóa đầu tư các công trình nước sạch từ đồng bằng đến miền núi. Tính từ năm 2016 đến nay, Quảng Nam đã triển khai xây dựng 545 công trình cấp nước tập trung và 282.300 công trình cấp nước cho hộ gia đình. Có hơn 93,5% người dân nông thôn tiếp cận với nước hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn những khó khăn trong quá trình xây dựng công trình, hệ thống cấp nước sạch cho đồng bào vùng núi cao. Chính vì vậy Quảng Nam đã triển khai các giải pháp khác, phù hợp với tình hình thực tế vùng cao, giúp đồng bào tiếp cận nhiều hơn với nước sạch, an toàn vệ sinh. Trước mắt là cấp bồn chứa, thiết bị nước cho những hộ dân. Thực tế cho thấy phương thức này phù hợp vời đồng bào vùng nguy cơ cao, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai.
Cùng với hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tiết kiệm nguồn nước, vệ sinh môi trường nông thôn, nhiều địa phương đã nỗ lực kêu gọi xã hội hóa trong xây dựng công trình nước sạch cho các trường học. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã hỗ trợ hơn 106.000 hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi gần 1,1 tỷ đồng, đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; xử lý nước thải, rác thải khu vực làng nghề nông thôn.