Nước sạch cho vùng nông thôn và miền núi: Thiếu và bất cập (bài 2)

NGUYỄN QUANG VIỆT 03/06/2015 08:19

Hàng loạt công trình nước sạch mới được đưa vào sử dụng đã rơi vào cảnh bỏ hoang do việc xây dựng và quản lý sau đầu tư còn nhiều bất cập.

  • Nước sạch cho vùng nông thôn và miền núi: Thiếu và bất cập (bài 1)

BÀI 2:  BỎ HOANG CÔNG TRÌNH NƯỚC SẠCH
Đầu tư kém

Năm 2011, sau khi nghiệm thu, công trình nước sạch Kế Xuyên 2 (xã Bình Trung, Thăng Bình) được Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình bàn giao lại cho xã Bình Trung quản lý, đưa vào sử dụng. Công trình này được đầu tư 1,6 tỷ đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, được kỳ vọng sẽ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho 184 hộ dân trên địa bàn. Thế nhưng, không lâu sau khi đưa vào sử dụng, công trình này rơi vào cảnh bỏ hoang. Nguyên nhân là giếng khơi được đào lên tại tổ 6 (thôn Kế Xuyên 2) để dẫn nước vào công trình không đủ nước vào mỗi mùa khô. Ngược lại, cứ mỗi mùa mưa đến thì mực nước trong giếng đào lại ngang bằng với mực nước… ruộng, nên xảy ra tình trạng ô nhiễm bởi lượng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ ngấm vào lòng giếng. Ông Lê Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết: “Do khâu khảo sát, tư vấn, thiết kế, thi công chưa hợp lý nên công trình lâm vào tình cảnh như vậy. Nguồn nước của công trình quá bẩn, có mùi hôi tanh nên người dân không dám sử dụng trong nhiều năm qua, dù cho họ đã đầu tư không ít tiền của để trang bị ống dẫn nước về nhà”.

Công trình nước sinh hoạt Kế Xuyên 2 rơi vào cảnh bỏ hoang.  Ảnh: N.Q.V
Công trình nước sinh hoạt Kế Xuyên 2 rơi vào cảnh bỏ hoang. Ảnh: N.Q.V

Chúng tôi gặp bà Lê Thị Thanh (thôn 3, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) đi gánh nước từ sáng sớm. Bà Thanh cho biết, mùa khô nào cũng vậy, gia đình phải sống chung với tình cảnh thiếu nước sinh hoạt. Những ngày qua bà phải dậy sớm tranh thủ đi gánh nước, bởi nếu đi trễ thì giếng sẽ cạn, không có nước dùng trong ngày. Nhà bà Thanh nằm sát công trình nước sạch của xã Bình Định Bắc được xây dựng vào năm 2009 với kinh phí gần 1,2 tỷ đồng từ tài trợ của tổ chức Đông Tây Hội Ngộ. Sau khi được nghiệm thu, đưa vào sử dụng được ba tháng, công trình này rơi vào cảnh bỏ hoang do không còn nguồn nước để bơm lên bồn chứa. Người dân địa phương phải trở lại cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa nắng. Gia đình bà Võ Thị Hạnh (thôn Tú Ngọc B, xã Bình Tú, Thăng Bình) cũng gặp cảnh tương tự. Khi công trình nước sạch của xã Bình Tú đi vào hoạt động, gia đình bà đã đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước về nhà sử dụng. Nhưng công trình này chỉ hoạt động được 1 tháng sau khi đưa vào sử dụng nên công sức đầu tư của gia đình bà cũng đành không.

Quản lý yếu

Khó quy hoạch tổng thể cấp nước sạch
Theo Ban điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường Quảng Nam, nhiều công trình nước sạch tại Quảng Nam đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động bởi vừa không được phù hợp địa hình, lại nằm ở địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nhiều địa phương, đơn vị quản lý lại thiếu chuyên nghiệp trong điều hành hoạt động. Chính vì vậy việc thực hiện theo lộ trình quy hoạch tổng thể cấp nước sạch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 gặp khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư khó đáp ứng nhu cầu.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty Nước sạch & tư vấn thủy lợi Quảng Nam - cơ quan thường trực của Ban điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường Quảng Nam cho biết, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh tồn tại khoảng 400 công trình nước sạch, nhưng chưa thể thống kê số lượng công trình bị bỏ hoang hoặc hoạt động kém hiệu quả. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện công tác quản lý các công trình nước sạch tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, sự phối hợp giữa các phòng, ban cấp huyện và UBND cấp xã chồng chéo hoặc ỷ lại nên nhiều công trình xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”. Nhiều xã, huyện lơ là, không có số liệu báo cáo về công trình nước sạch được đầu tư trên chính địa phương của mình. UBND tỉnh đã chỉ đạo, chấn chỉnh tình trạng này nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện mấy. “Việc giám sát, kiểm tra chất lượng các công trình nước sạch sau đầu tư tại Quảng Nam rất kém. Công tác quản lý sau đầu tư yếu do trình độ hạn chế của đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã” - ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty Nước sạch & tư vấn thủy lợi Quảng Nam nói.

Số lượng và chất lượng nước cung cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh những năm qua không “tăng trưởng” là mấy bởi nhiều công trình nước bị bỏ hoang và ở nhiều khu vực người dân còn phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Theo thống kê, tại Quảng Nam có đến 75% dân số đang sinh sống tại những nơi có điều kiện hạ tầng yếu kém. Phần lớn chất thải của con người và gia súc không được xử lý tốt, thấm vào nước ngầm hoặc cuốn trôi theo dòng chảy gây ô nhiễm nguồn nước sử dụng. Hiện tại, Quảng Nam chỉ mới có 40% dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch, trong khi đó lại có đến 60% số hộ có chuồng trại không hợp vệ sinh, ảnh hưởng xấu đến mạch nước ngầm. Ông Lê Văn Dũng nói thêm: “Hiện nay các thông tin về tầm quan trọng của nước sạch, mối liên hệ giữa nước sạch và sức khỏe của người dân vẫn chưa được truyền thông hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Sự hưởng ứng, tham gia của các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền về nước sạch vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày biểu hiện rõ ràng hơn, tác động đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân nên việc đầu tư và quản lý các công trình nước sạch sao cho hiệu quả là vấn đề cấp thiết”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

Bài cuối: Linh hoạt các giải pháp
Để dần đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân, chương trình nước sạch được triển khai trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính bền vững và nâng cấp các công trình nước sạch tập trung.  

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nước sạch cho vùng nông thôn và miền núi: Thiếu và bất cập (bài 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO