Nước sạch cho vùng nông thôn và miền núi: Thiếu và bất cập (bài cuối)

NGUYỄN QUANG VIỆT 04/06/2015 08:28

Để dần đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân, chương trình nước sạch được triển khai trên địa bàn tỉnh theo định hướng nâng cao chất lượng quản lý, chú trọng tính bền vững và nâng cấp, mở rộng đầu tư các công trình nước sạch tập trung.

  • Nước sạch cho vùng nông thôn và miền núi: Thiếu và bất cập (bài 2)
  • Nước sạch cho vùng nông thôn và miền núi: Thiếu và bất cập (bài 1)

BÀI CUỐI: LINH HOẠT CÁC GIẢI PHÁP
Đầu tư tập trung

Theo thống kê, hiện trong số 394 công trình nước sinh hoạt đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì có đến 92 công trình không được tổ chức quản lý (chiếm 23,35%), 302 công trình có bộ máy quản lý (trong đó 99 công trình có tổ chức quản lý và thu phí sử dụng). Do khác biệt về điều kiện địa hình, nguồn nước nên không thể áp dụng một mô hình điều hành chung. Tuy nhiên, do việc quản lý còn lỏng lẻo nên nhiều công trình nhanh hư hỏng sau khi đầu tư, đưa vào sử dụng. Thống kê cũng cho thấy hiện chỉ có 26,9% công trình nước sạch hoạt động bền vững. Ông Lê Văn Dũng - Giám đốc Công ty Nước sạch & tư vấn thủy lợi Quảng Nam nói: “Trước thực trạng quản lý yếu kém như hiện nay, trong những năm đến có thể đầu tư các công trình nước sạch ở miền núi và nông thôn theo hướng cấp nước tập trung. Tuy nhiên cái khó của việc đầu tư nước sạch tập trung nằm ở chỗ suất đầu tư cao do người dân nông thôn sống phân tán, trong khi địa hình phức tạp. Khi đầu tư theo phương thức này, tỷ lệ thất thoát nguồn nước cũng cao hơn. Ngoài ra chi phí vận hành các công trình nước sạch tập trung ở nông thôn cũng cao hơn khu vực thành thị nên cũng gặp khó khăn”.

Để thực hiện được các chỉ tiêu nước sạch, việc đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân là rất cần thiết. Ảnh: N.Q.V
Để thực hiện được các chỉ tiêu nước sạch, việc đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân là rất cần thiết. Ảnh: N.Q.V

Ngày 5.6.2012, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2015, 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có 40% dân số khu vực nông thôn của tỉnh được sử dụng nước sạch. Hầu hết chỉ tiêu nước sạch khác đều rất xa vời. Nhiều ý kiến nhận định, tỷ lệ dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch trong thời gian tới khó được cải thiện bởi nhiều áp lực. Trong đó hiệu suất hoạt động của các công trình nước sạch thấp; hạn hán và xâm nhập mặn là những yếu tố chủ yếu.

Theo Ban điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường Quảng Nam, từ nay đến năm 2020, chương trình nước sạch sẽ được thực hiện theo định hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính bền vững của các công trình nước sạch, mở rộng và nâng cấp các công trình nước sạch tập trung. Khi thực hiện, điều quan trọng là phải đẩy mạnh tuyên truyền và vận động xã hội. “Biến đổi khí hậu sẽ khiến cho nguồn nước ngày càng giảm, trong khi đó nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ngày càng tăng. Việc sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả cần phải được truyền thông đến mọi nhà, mọi người để cộng đồng xã hội hưởng ứng” - ông Lê Văn Dũng nói. Theo ông Dũng, thời gian đến, trước khi xây dựng công trình nước sạch, đơn vị cấp nước và chính quyền địa phương sẽ thông tin đầy đủ đến người dân về quy mô dự án, cơ chế hoạt động, giá nước, quyền và trách nhiệm của đơn vị cấp nước cũng như người sử dụng dịch vụ…

Nâng cao năng lực quản lý

Đến năm 2020, có 98% dân số nông thôn được cấp nước sạch
Theo Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Nam, đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 98% dân số nông thôn, 100% dân số đô thị được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; số lượng bình quân tối thiểu 100 lít/người/ngày đối với khu vực nông thôn và 150 lít/người/ngày đối với đô thị; đạt trên 60% dân số nông thôn và 99% dân số thành thị được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn theo QCVN số 02/2009. Định hướng đến năm 2025: đảm bảo 100% số dân trên địa bàn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn theo QCVN số 02/2009; số lượng bình quân tối thiểu 120 lít/người/ngày đối với nông thôn và 150 lít/người/ngày đối với đô thị. Để thực hiện các chỉ tiêu đó, nhiệm vụ trước mắt là tập trung giải quyết các yêu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt cho những vùng thiếu nước như vùng bị hạn hán, vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng bị nhiễm mặn, phèn và vùng nước bị ô nhiễm, chống cạn kiệt, ô nhiễm, bảo vệ chất lượng nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt.

Tại hội nghị trực tuyến về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường được tổ chức vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, nước sạch liên quan trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, sự bền vững của giống nòi. Để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch, ngoài việc tăng cường bố trí nguồn vốn, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức người dân. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả hoạt động cấp nước và sử dụng nước sạch thì đòi hỏi phải huy động được sự quan tâm từ nhiều cấp, ngành, địa phương và người dân. “Các địa phương nên lưu ý, nước sạch không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân thì chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng sẽ không hoàn thành. Trong tuyên truyền cần phải quyết tâm và kiên trì thì mới thực hiện được. Bên cạnh đó, cần chú ý lồng ghép các chương trình để đạt được hiệu quả cao nhất” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói.

Có thể nhận thấy, sự xuống cấp, hư hỏng của nhiều công trình nước sạch hiện nay tại Quảng Nam có nguyên nhân từ việc thiếu kiểm tra, giám sát của các địa phương, đơn vị liên quan và người dân. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là sự yếu kém trong quản lý, điều hành hoạt động đối với các công trình nước sạch. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, nhiều công trình nước sạch bị bỏ hoang, hư hỏng gây nên sự lãng phí rất lớn nguồn ngân sách nhà nước. Tại Quảng Nam hiện có quá nhiều công trình nước sạch không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Nhiều chỉ tiêu nước sạch tại Quảng Nam chưa thực hiện được không phải do vốn đầu tư yếu mà là năng lực quản lý hạn chế khiến việc vận hành, duy tu các công trình trục trặc, phải ngưng hoạt động. Các cơ quan, địa phương thiếu quan tâm, thiếu chuyên nghiệp nên công trình nào hễ bị trục trặc thì bỏ hoang. “Để thực hiện tốt các tiêu chí nước sạch thì đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, vận hành công trình nước sạch của đội ngũ cán bộ phải được thực hiện liên tục, thường xuyên. Các địa phương, cơ quan quản lý nước sạch cũng phải cập nhật các quy trình quản lý nước sạch mới. Đội ngũ cán bộ quản lý công trình nước sạch phải thường xuyên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tránh bị tụt lại, không biết phải xoay xở thế nào khi công trình bị trục trặc” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói thêm.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành các công trình nước sạch, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, về tài chính cần thực hiện theo nguyên tắc thu chi cân bằng, rõ ràng. Điều quan trọng là phải biết nâng cấp, cải tạo các công trình bị xuống cấp, nâng cao chất lượng hoạt động của nó. Khi xây dựng công trình mới, đơn vị đầu tư phải cân nhắc lựa chọn dây chuyền công nghệ cấp nước phù hợp, nếu có thể thì sử dụng công nghệ mà nguyên vật liệu có thể tận dụng được ở địa bàn. Các công nghệ đơn giản, thuận tiện cho vận hành, quản lý cần được ưu tiên. “Tại sao đến thời điểm này, các doanh nghiệp và người dân chưa mặn mà với các công trình nước sạch? Câu trả lời chỉ có thể là tại địa phương thiếu đầu tư cho quy hoạch và thực hiện quy hoạch nước sạch không tốt. Quy hoạch là yếu tố quan trọng hàng đầu để triển khai các dự án và kêu gọi nhà đầu tư. Thực tế chứng minh, những địa phương làm tốt công tác xã hội hóa nước sạch đều do có quy hoạch rất bài bản, cần rút kinh nghiệm về điều này” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nước sạch cho vùng nông thôn và miền núi: Thiếu và bất cập (bài cuối)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO