(QNO) - Trước nguy cơ khan hiếm nguồn nước sạch trên toàn cầu, cách đây 12 năm, Liên hiệp quốc quyết định chọn ngày 22.3 hằng năm là ngày Nước Thế giới nhằm kêu gọi công dân trên toàn cầu không sử dụng nước một cách lãng phí cũng như hãy hành động thiết thực nhất để tránh làm ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường sống…
Trẻ em vùng sa mạc Sahara rất vui khi lần đầu tiên được tiếp cận nguồn nước sạch. Ảnh: www.aidorafrica.org |
Năm 2014, ngày Nước Thế giới mang chủ đề “Nước và Năng lượng” để nâng cao nhận thức về mối tương quan chặt chẽ giữa hai yếu tố gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau: nước và năng lượng. Qua đó kêu gọi cộng đồng tìm kiếm biện pháp quản lý để có thể đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu của con người thông qua khai thác bền vững tài nguyên nước, sử dụng năng lượng hiệu và quả tiết kiệm hướng đến một nền kinh tế tăng trưởng xanh. Quả vậy, các nguồn tạo ra và truyền tải năng lượng đều phải sử dụng đến tài nguyên nước, đặc biệt là đối với năng lượng thủy điện, hạt nhân và nhiệt điện hay gần đây là nhiên liệu sinh học. Ngược lại, con người cần khoảng 8% nguồn điện trên phạm vi toàn cầu để bơm, xử lý và cấp nước tới các hộ sử dụng nước.
Theo Liên hiệp quốc, trong vài thập kỷ tới, nhu cầu về năng lượng và nguồn nước sạch gia tăng đáng kể do dân số gia tăng, hoạt động sản xuất gia tăng… tạo nên thách thức không nhỏ cho tất cả các khu vực, nhất là tại các nước đang phát triển cũng như tại các nền kinh tế mới nổi. Nước và năng lượng cũng được xem là hai trong những công cụ rất quan trọng trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu. Nhưng rất đáng tiếc là hiện nay, ước tính có đến 1,3 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với nguồn điện, khoảng 768 người không được tiếp cận với nguồn nước sạch.
Mối quan hệ nước - năng lượng đang nhận được sự quan tâm rất đặc biệt của cộng đồng toàn cầu bởi chúng nằm trong các mục tiêu phát triển bền vững và các đối thoại phát triển sau năm 2015, liên quan tới vấn đề ngăn chặn sự nóng lên của nhà kính, giảm thiểu diễn biến khắc nghiệt của biến đổi khí hậu cũng như phát triển nền kinh tế xanh. Điều này giúp các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều nước và năng lượng, kinh tế xanh sẽ có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và sử dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn. Trong sản xuất năng lượng hiện nay đòi hỏi phải nhấn mạnh vào việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, thông qua các chính sách phù hợp trong đó cần có sự khuyến khích về mặt kinh tế và xã hội để thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả tài nguyên nước và bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt.
Liên hiệp quốc bày tỏ mong muốn mọi công dân trên toàn cầu hãy hiện thực hóa các cam kết bằng những hành động thiết thực nhất, mang lại hiệu quả nhất. Bởi tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước là tiết kiệm nguồn năng lượng và ngược lại. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, học sinh, sinh viên, cộng đồng chia sẻ các sáng kiến, các mô hình, các giải pháp áp dụng phương pháp tiếp cận tổng hợp và gắn kết các bên hữu quan, cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến nước và năng lượng hay nói cách khác, đó là giải quyết những vấn đề nóng của nhân loại.
KIM OANH
.