Nuôi bò lai, hướng mở thoát nghèo bền vững

MAI LINH - PHI THÀNH 24/06/2022 06:49

Nhiều hội viên phụ nữ ở xã Duy Châu (Duy Xuyên) có thu nhập cao nhờ chăn nuôi bò lai thâm canh.

Nhờ mô hình chăn nuôi bò thâm canh theo phương thức sản xuất hàng hóa, những năm qua cuộc sống của người dân xã Duy Châu (Duy Xuyên) ngày càng khấm khá. Ảnh: T.L
Nhờ mô hình chăn nuôi bò thâm canh theo phương thức sản xuất hàng hóa, những năm qua cuộc sống của người dân xã Duy Châu (Duy Xuyên) ngày càng khấm khá. Ảnh: T.L

Điểm sáng lệ bắc

Những ngày này, gia đình bà Nguyễn Thị Phấn ở thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, Duy Xuyên) tập trung chăm sóc 10 sào đất màu chuyên trồng cỏ voi nguyên liệu dùng làm thức ăn cho đàn bò.

Qua tìm hiểu, thời điểm năm 2010, bà Phấn bắt đầu làm chuồng trại và tìm mua bò nái sinh sản có chất lượng tốt về nuôi. Thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, bà tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng nuôi và đến nay đã phát triển đàn bò lên 15 con.

Bà Phấn chia sẻ: “Tôi vừa nuôi bò sinh sản, vừa nuôi bò thịt thương phẩm. Cứ sau 1 hoặc 2 năm là xuất bán, rồi tái đàn. Quay vòng như vậy, bình quân mỗi năm tôi thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi”.

Cũng theo bà Phấn, giai đoạn đầu chăn nuôi bò, gia đình gặp không ít khó khăn, nhất là nguồn vốn. Thế nhưng, được sự quan tâm tạo điều kiện của Hội LHPN xã Duy Châu, bà vay được 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên. Từ đó, bà có điều kiện phát triển mô hình nuôi bò thâm canh.

Cũng ở thôn Lệ Bắc, nhiều năm trước đây, gia đình bà Lê Thị Thuyết luôn nằm trong danh sách hộ nghèo ở địa phương. Chia sẻ khó khăn với bà Thuyết, Hội LHPN xã Duy Châu phối hợp vận động trao hỗ trợ bà một con bò nái sinh sản.

Đồng thời giúp kinh phí làm chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Lấy ngắn nuôi dài, bà Thuyết tiếp tục đầu tư nuôi thêm 3 con bò sinh sản. Từ đó, bà có nguồn thu nhập ổn định và tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Bà Nguyễn Thị Phấn ở thôn Lệ Bắc (Duy Châu, Duy Xuyên) phát triển mạnh mô hình nuôi bò lai thâm canh. Ảnh: T.L
Bà Nguyễn Thị Phấn ở thôn Lệ Bắc (Duy Châu, Duy Xuyên) phát triển mạnh mô hình nuôi bò lai thâm canh. Ảnh: T.L

Những năm qua, nhiều hội viên phụ nữ khác ở Lệ Bắc cũng có đời sống khá giả nhờ mô hình chăn nuôi bò thâm canh. Bà Hồ Thị Diễm - Chủ tịch Hội LHPN xã Duy Châu cho biết, qua thống kê, toàn thôn Lệ Bắc hiện có 265 hộ dân với 1.150 nhân khẩu, phần lớn người dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp với diện tích đất canh tác 180ha.

Ngoài phát huy thế mạnh về điều kiện thổ nhưỡng, xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng cạn mang lại hiệu quả kinh tế cao, hội viên phụ nữ nơi đây tập trung đầu tư mô hình trồng cỏ nguyên liệu nuôi bò nhốt chuồng.

Đến nay, 130 hộ phụ nữ ở thôn Lệ Bắc tham gia mô hình nuôi bò với hơn 600 con, chủ yếu là giống bò lai Sind và bò ngoại 3B. Trong đó, hơn 20 hộ do phụ nữ làm chủ nuôi quy mô 20 con/mô hình. Để đảm bảo chủ động cung cấp nguồn thức ăn cho số lượng bò này, người dân địa phương đã cải tạo đất để trồng hơn 40ha cỏ voi nguyên liệu.

Theo đánh giá, nuôi bò thâm canh giúp giảm công chăm sóc; việc tiêm phòng, xử lý môi trường cũng dễ hơn. Nhờ nguồn cỏ, cây bắp, đậu, mè, rơm rạ dồi dào cộng với cách nuôi thâm canh, cho bò ăn thêm cám, bột bắp nên bò lớn nhanh.

“Nhờ mô hình trồng cỏ nuôi bò thâm canh mà nhiều hộ dân cải thiện chất lượng cuộc sống. Hiện nay, trong thôn Lệ Bắc không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm” - bà Hồ Thị Diễm nói.

Nhân rộng mô hình

Từ thành công của mô hình trồng cỏ nuôi bò ở thôn Lệ Bắc, những năm qua Hội LHPN xã Duy Châu tập trung hỗ trợ, nhân rộng ra 4 thôn còn lại trên địa bàn.

Để mô hình thực sự phát huy hiệu quả, đơn vị thường xuyên phối hợp với ngành liên quan tổ chức các khóa tập huấn liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, nhất là chất lượng con giống, trồng cỏ nguyên liệu, hỗ trợ máy móc chế biến thức ăn... Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hội viên được vay những kênh vốn ưu đãi đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực này.

Bà Hồ Thị Diễm - Chủ tịch Hội LHPN xã Duy Châu cho biết, đơn vị đang đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên cho 280 hộ vay với số tiền 7,8 tỷ đồng, trong đó khoảng 60% số hộ đầu tư chăn nuôi bò thâm canh. Bình quân hàng năm, mỗi mô hình chăn nuôi bò cho mức lãi ròng khoảng 50 - 80 triệu đồng, có một số mô hình đạt hơn 100 triệu đồng.

Ông Lê Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho hay, địa phương xác định phát triển chăn nuôi bò theo phương thức hàng hóa, an toàn dịch bệnh là hướng đi chủ lực, mở ra cơ hội cho nhà nông vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Tính đến cuối tháng 6.2022, tổng đàn bò của địa phương là hơn 1.600 con, chủ yếu giống lai Sind.

“Có thể khẳng định, tập trung phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò thâm canh đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của địa phương đạt 55 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 2,7%. Đây được xem là tiền đề quan trọng để Duy Châu xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025” - ông Hưng nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi bò lai, hướng mở thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO