Thời gian gần đây, nông dân phường Cẩm Nam (TP.Hội An) đã tận dụng các bãi bồi để chăn nuôi bò thịt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi phù hợp để bà con chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi.
Lợi ích kép
Cẩm Nam là địa phương có nhiều bãi bồi do phù sa sông Thu Bồn bồi đắp như bãi Ga Mi, Cồn Bắp, Thanh Nam Đông và Nam Ngạn… Các bãi bồi có diện tích trên vài ba chục héc ta, đất đai tơi xốp, màu mỡ, rất thuận lợi cho người dân canh tác rau màu, trồng đậu phụng, đậu xanh và bắp nếp. Tận dụng lợi thế này, gần chục năm trở lại đây, bà con đã kết hợp thả nuôi bò thịt tại bãi bồi, khai thác lợi ích kép, vừa sử dụng nguồn cỏ lá dồi dào, phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò, vừa tạo nguồn phân chuồng tại chỗ để chăm bón, nâng cao năng suất cây trồng.
Nhiều nông dân có thu nhập khá từ việc chăn nuôi bò thịt ở bãi bồi Cẩm Nam. Ảnh: L.HIỀN |
Tại bãi bồi Ga Mi (bãi nằm giữa sông Thu Bồn, phân định địa giới phường Cẩm Châu và Cẩm Nam), từ lâu nông dân Cẩm Nam đã sớm trồng bắp và nuôi bò. Do cách trở đoạn đường sông nên bà con phải làm chuồng tạm và thường xuyên sử dụng ghe thuyền qua bãi chăm sóc vật nuôi. Tuy khá vất vả do phải di chuyển trâu bò trước mỗi mùa lụt nhưng các hộ vẫn duy trì việc sản xuất và chăn nuôi tại đây. Đến nay đã có 6 hộ dân làm chuồng tạm, nuôi trên 50 con bò. Tương tự, ở bãi bồi Nam Ngạn đã có 12 hộ làm chuồng nuôi trên 100 con bò để tránh ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Tại các bãi này, khi chăn thả, bà con chỉ cần sử dụng dây thừng dài để cột bò trong phạm vi nhất định mà không tốn nhân công trông giữ. Thời gian còn lại người dân làm việc khác như đặt rớ, lờ trên sông, trồng rau màu, bán buôn tại nhà. Bà Trần Thị Thu (thôn Thanh Nam Đông, phường Cẩm Nam) cho biết: “Mình làm nông, trồng bắp thì lấy bắp cho bò ăn. Bên nớ cỏ mênh mông lắm. Sáng mình mở cho nó ăn, chiều mình nhốt vô chuồng. Bữa ni cặm chỗ ni, mai cặm chỗ khác, không phải trực tiếp giữ. Mà cái cồn nớ rộng lắm, nuôi trên cả trăm con. Nhà nuôi ít nhất như nhà mình là 7 con, có hộ 10 hoặc 15 con. Họ nuôi bò nớ là bò thịt, còn mình thì nuôi bò giống, bò nái. Một năm nó đẻ ra 4 - 5 bò con, thu nhập cũng khá”.
Theo Hội Nông dân phường, đến nay Cẩm Nam có trên 50 hộ nuôi bò thịt, chủ yếu là bò lai sind. Có nhiều gia đình nuôi đến chục con, điển hình như hộ ông Trương Dũng, Lê Viết Hai (khối Thanh Nam Đông), hộ ông Nguyễn Tấn Sinh, Đặng Ba, khối Xuyên Trung, hộ Phạm Tý (khối Thanh Nam Tây)… Nhiều năm trở lại đây, cũng nhờ nuôi bò và chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình của một số nông dân phường Cẩm Nam đã khá hơn, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Gia đình ông Huỳnh Viết Chẳn (khối Châu Trung) và ông Phạm Hải (khối Thanh Nam Tây) là những điển hình. Từ hộ nghèo, ông Chẵn và ông Hải đã tích cóp, dành dụm mua bò về nuôi, kết hợp trồng rau màu các loại, nhờ vậy đến nay gia đình hai ông đã thoát nghèo, còn nuôi được 13 con bò để tạo thu nhập bền vững.
Chuyển đổi con giống
Để tăng hiệu quả kinh tế, vài năm nay, một số nông dân phường Cẩm Nam còn tìm hướng đi mới, chuyển đổi giống bò lai sind sang nuôi bò thịt Thái Lan. Loài bò này đòi hỏi người nuôi phải có vốn lớn khi mua con giống. Ông Nguyễn Văn Tư (nông dân khối Xuyên Trung), người đã có nhiều năm nuôi bò “ta”, vài năm trở lại đây chuyển sang nuôi 2 con bò thịt giống Thái. Ông so sánh, nếu như mỗi con bò giống lai sind trước đây có giá từ 8 - 10 triệu đồng thì giống bò thịt Thái Lan lại đắt gấp đôi hoặc ba lần, với giá 23 - 28 triệu đồng. Thế nhưng loài bò này có tính ưu việt là dễ thích nghi, ăn được gần như tất cả loài cỏ lá và đã được chủng ngừa, kiểm dịch gắt gao trước khi qua cửa khẩu Việt Nam. Ông Tư nói thêm: “Bò tính hiền, nếu nhốt tại chuồng, cho ăn đúng cách là nó phát triển rất nhanh. Giống hơi đắt nhưng lợi nhuận cao hơn nhiều. Cái vốn của mình, nếu nuôi bò vàng kia 4 con thì thay vì cũng chừng đó tiền mình mua 2 con thôi. Chăn nuôi giống bò này cũng thuận lợi mà lãi suất cao hơn cả 4 con kia. Bình thường nó ăn như bò mình, nhưng có thể thêm cám bắp, cám gạo trộn lẫn nấu chín. Chất lượng thịt đạt và ngon, nạc nhiều. Mấy người mua về để mổ thịt thì thịt bò này đạt hơn, họ đã tính được thịt bò này đạt từ 65 - 70%, còn thịt bò mình có 40 - 45%. Giá thành loài bò này luôn đắt hơn giống bò vàng”.
Với nhiều ưu điểm vượt trội, đến nay loài bò thịt giống Thái Lan đã được gần 10 hộ dân phường Cẩm Nam đầu tư chăn nuôi. Tuy nguồn giống ban đầu đắt đỏ nhưng theo người dân, chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng hơn nửa năm), loại bò này đã có thể cho “thu hoạch” với giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với giống bò truyền thống. Có con bán 50 - 60 triệu đồng. Trong khi đó, người nuôi không tốn nhiều công chăn dắt, có thể làm việc khác.
Nói về mô hình nuôi bò thịt tại địa phương, ông Nguyễn Cường - Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết thêm: “Chăn nuôi bò của địa phương theo hướng đi mới của nông dân phường đã được bà con hưởng ứng tích cực. Mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Chúng tôi đang tiếp tục vận động bà con nhân rộng mô hình này, nhất là mô hình nuôi bò giống Thái Lan, mới đưa vào Cẩm Nam. Đồng thời chúng tôi cũng sẽ đề nghị với các ngành chức năng của thành phố có thêm những chính sách phù hợp, đáp ứng nguồn giống tại chỗ cho bà con nông dân trong thời gian đến”.
LÊ HIỀN