Nhiều hộ nuôi cá lồng bè tại xã Đại Chánh (Đại Lộc) trắng tay sau bão số 9 vừa qua, khi cá đến kỳ xuất bán bị bão cuốn sạch…
Thiệt hại nặng
Trước tin bão số 9 tràn về, nhiều hộ nuôi cá lồng bè ở lòng hồ Khe Tân, xã Đại Chánh đã được chính quyền vận động đưa lồng bè vào khu vực neo đậu an toàn để tránh bão. Nhiều hộ đã tìm cách neo các lồng bè bằng xích sắt, dây neo kiên cố để bảo vệ tài sản. Tuy nhiên, gió bão quá mạnh đã đánh trôi toàn bộ 139 lồng bè với khoảng 278 tấn cá.
Anh Trương Lành (một người nuôi cá) chia sẻ, khi các hộ rời đi, do lo lắng cho số vốn liếng đầu tư quá lớn, vợ chồng anh mặc áo phao, rồi quay lại khu vực neo đậu lồng bè sát bờ để kiểm tra, tìm cách chằng chống, neo giữ lồng bè kỹ càng, vững chắc hơn. “Gió mạnh đẩy bè ra xa khiến vợ chồng tôi chới với giữa dòng. Do bơi tốt và có mặc áo phao nên chúng tôi bám vào thùng phuy, nổi cả ngày trời trên lòng hồ chờ gió lặng”.
Không chỉ 40 lồng cá đến kỳ xuất bán của vợ chồng anh Lành mất sạch mà xung quanh 99 lồng cá của 6 hộ còn lại cũng tiêu tan. Với 40 lồng, anh Lành đầu tư nuôi cá leo, giá trị mỗi ký cá xuất bán lên tới 120 nghìn đồng; rồi cá hồng, cá dưng, cũng có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Trong đó có lồng bè thực nghiệm mô hình nuôi cá lăng (1.500 con), là đối tượng vật nuôi rất có giá trị của đề tài do Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh và Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc phối hợp thực hiện. Khi cá đạt trọng lượng 1,5 - 2kg/con thì bị thiệt hại toàn bộ do bão.
Đầu năm 2020 tới nay, nhiều hộ nuôi thủy sản như anh Lành cũng gặp khó khăn do dịch Covid-19 hoành hành, khiến một lượng lớn cá nuôi còn tồn đọng, không xuất bán được và rớt giá. Trong số 40 lồng, có nhiều cá lớn tồn từ đợt trước, phần lớn là số cá nuôi đã được 4 - 5 tháng.
“Tổng chi phí đầu tư vật liệu xây dựng cho 40 lồng lên đến cả trăm triệu đồng. Về lượng cá thì mỗi lồng ước chừng 2 tấn, mất cả trăm triệu đồng/lồng. Với 40 lồng thì vốn liếng đã lên hàng tỷ đồng trong đó rồi” - anh Lành nói.
Anh Lành và những hộ nuôi phải nhờ người trục vớt từng mảng lồng bè và thiết bị từ lòng hồ để làm lại từ đầu. Không chỉ vợ chồng anh Lành, 6 hộ nuôi khác cũng lâm cảnh trắng tay. Hộ ông Võ Ánh thất thoát nhiều nhất với 48 lồng và hộ ít nhất cũng có 10 lồng cá.
Cần sự hỗ trợ
Ông Huỳnh Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại Chánh cho biết, nghề nuôi cá nước ngọt trên lòng hồ Khe Tân từng bước giúp bà con địa phương thoát nghèo, nhiều hộ có của ăn của để. Tuy nhiên, thiệt hại do bão số 9 tại Đại Chánh rất nặng nề, nhất là 139 lồng bè thủy sản trên lòng hồ neo chắc chắn với 14 dây neo được sử dụng cho tàu biển nhưng vẫn bị tàn phá.
“Thu nhập từ nuôi cá lồng bè rất lớn, mỗi lồng cá nuôi 6 - 7 tháng cho bình quân 2 tấn, tầm 100 triệu đồng, với người nuôi tới 40 lồng, có thể lãi hơn 500 triệu đồng/lứa nuôi. Sau 2 đợt dịch liên tiếp là tới bão, lũ lụt nên các hộ nuôi cá thiệt hại nặng nề”.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, riêng các hộ nuôi cá trong lồng bè trên hồ Khe Tân, bão số 9 đã gây thiệt hại nặng. Ngay sau khi nhận được tin báo, đoàn công tác của huyện cùng với tỉnh đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả, động viên bà con. Huyện cũng đã lập danh sách, thống kê thiệt hại, đề xuất lên tỉnh có hướng hỗ trợ cho người chăn nuôi thiệt hại theo chế độ, chính sách của Nhà nước.
“Thời gian qua, các hộ vay mượn để đầu tư nên khó khăn sau rủi ro thiên tai rất lớn. Rất mong các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm quan tâm, sẻ chia, động viên người dân vượt qua khó khăn” - ông Mẫn nói.