|
(QNO) - Ngày 27.2, Sở KH&CN nghiệm thu đề tài “Thử nghiệm sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá ngựa” do Th.S Lê Văn Hiệp (Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành) chủ nhiệm. Đề tài được xem là hướng mở trong việc đưa giống mới du nhập, tạo sự đa dạng hóa loài vật nuôi trên địa bàn tỉnh.
Cho tới nay, cá ngựa là loài vật nuôi phổ biến tại tỉnh Khánh Hòa, hay nói cách khác, Khánh Hòa là “cái nôi” của loài cá ngựa vốn cho giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Tại Quảng Nam, lần đầu tiên cá ngựa được du nhập vào tỉnh, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân ven biển. Cá ngựa dễ nuôi hơn tôm post, tôm thẻ chân trắng, ít tốn nhân công và chi phí, thức ăn nuôi cá ngựa là những sinh vật phù du có hàm lượng dinh dưỡng cao, vốn tồn tại nhiều trong các đìa nuôi tôm nước lợ, kênh rạch, sông ngòi.
Mỗi cặp cá ngựa bố mẹ có thể đẻ 400-1.500 cá con, tỷ lệ sống đạt 90%. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Triển khai trong vòng 2 năm, đề tài đã đạt được những thành công ngoài mong đợi. Ông Nguyễn Đức Xuyên (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) là chủ trại sản xuất giống và nuôi thương phẩm thủy sản được chủ nhiệm đề tài chọn triển khai mô hình nuôi. Với lứa cá bố mẹ ban đầu gồm 100 con giống cá ngựa đen, sản phẩm đề tài cho ra 9.500 con cá ngựa giống từ 5cm trở lên và 2.900 con cá thương phẩm. Từ lượng cá giống tạo ra từ mô hình, hộ ông Nguyễn Đức Xuyên thí điểm nuôi thương phẩm trong bể xi măng (1.700 con) và nuôi ngoài lồng bè môi trường nước tự nhiên (1.200 con). Ở môi trường ngoài tự nhiên, cá được đánh giá ở 4 nghiệm thức khác nhau nhằm đánh giá tác động của độ mặn trong nước từ 15, 20, 25‰ để tìm được vùng nuôi có độ mặn thích hợp nhất đối với sự sinh trưởng và phát triển của cá. Về thương mại, cá ở giai đoạn 1-3 tháng thường có độ dài 5,5cm, có giá bán 20.000 đồng/con giống; 6 tháng nuôi cá có độ dài 10-12cm, có giá bán 70-80.000 đồng/con thương phẩm.
Điểm cung ứng cá ngựa giống và thương phẩm của ông Xuyên là địa chỉ tham quan, học tập kinh nghiệm của người dân từ các tỉnh thành. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Về kỹ thuật nuôi, lúc cá ngựa giống mới đẻ thì cho ăn thức ăn tươi sống (copeboda), cá đạt 3-4 tháng sử dụng tôm cám (Mysis) và ruốc (Acetes). Đây là những sinh vật phù du dùng nuôi cá ngựa thương phẩm, có hàm lượng dinh dưỡng cao, có nhiều trong các đìa tôm nước lợ và sông, kênh rạch. Với diện tích ao hồ nuôi tôm của Núi Thành lên tới 1.500ha, nguồn thức ăn cho cá ngựa giống khá dồi dào, đảm bảo sản xuất giống hàng loạt. Ngoài ra, có thể chủ động nguồn thức ăn để nuôi cá ngựa vào mùa mưa bão bằng cách dự trữ thức ăn bằng hệ thống cấp đông. Hệ thống bể nuôi cá ngựa đều nằm trong nhà, che chắn kín, sử dụng bóng đèn neon để chiếu sáng cho cá bắt mồi vào ban ngày. Một số bể có thể được sơn bằng nước màu xanh để cá tự chuyển từ màu đen sang màu vàng đẹp đáp ứng nhu cầu nuôi cá ngựa cảnh. Được biết, ngoài được sử dụng làm thuốc đông y, ngâm rượu, cá ngựa có thể làm cảnh, được ưa chuộng.
Th.S Lê Văn Hiệp, chủ nhiệm đề tài chia sẻ, mỗi cặp cá sinh sản có thể đẻ 500-1.400 cá con, có tỷ lệ sống cao, chứng tỏ cá thích nghi tốt với môi trường tự nhiên và khí hậu vùng Tam Hải, Núi Thành. Bước đầu, cơ sở sản xuất cá ngựa từ mô hình đã có thể cung ứng giống cho các đầu mối tại Nha Trang và một số tỉnh thành, so với nhu cầu từ thực tế, nguồn cung vẫn còn hạn chế. Lâu nay, cơ sở của ông Xuyên hiện trở thành điểm cung ứng giống cho nhiều tỉnh thành và trở thành địa chỉ để người nuôi đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Đáng nói, trong khi việc cung ứng trong nước thuận lợi thì việc xuất khẩu cá ngựa giống lẫn cá ngựa thương phẩm còn khó, đòi hỏi phải có chứng nhận CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp). Vấn đề này sẽ được tháo gỡ khi quy mô nuôi, tổng đàn đạt mức ổn định.
Từ những nỗ lực mà Ban chủ nhiệm đề tài đạt được, đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về giàu tính ứng dụng trong thực tiễn, giải quyết việc làm cho người dân, cung cấp đối tượng vật nuôi mới, việc liên kết bao tiêu sản phẩm giúp tạo sự ổn định về đầu ra cho người nông dân.
HOÀNG LIÊN