Nuôi chồn hương chi phí thấp, lợi nhuận cao

THANH THẮNG 16/02/2017 08:12

Nhờ áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi chồn hương, anh Nguyễn Phước Tuấn ở tổ 19, thôn Châu Lâm, xã Bình Trị (Thăng Bình) đã nhân giống và nuôi thành công loài chồn hương, thu nhập hơn 100 triệu đồng/ năm.

ANH Tuấn cho biết, năm 2011, trong một lần xem chương trình “Chuyện làm giàu của nhà nông” phát sóng trên VTV2, giới thiệu về mô hình chăn nuôi chồn hương của anh Hồ Duy Trung (TP.Quảng Ngãi) anh đã rất thích vì nuôi loài chồn hương  đem lại lợi ích kinh tế cao. Sau đó, anh quyết định tìm vào Quảng Ngãi học hỏi kỹ thuật nuôi và làm giấy tờ mua 6 con chồn hương (4 con cái, 2 con đực) con mang về quê nuôi thử nghiệm. Sau 2 năm chăm nuôi, 6 con chồn hương sinh được một lứa với 14 con chồn con. “Khi đó, mình chỉ giữ được có 6 con vì không biết chồn mẹ cắn chồn con, mình không tách ra. Sau này, nhờ chăm nuôi tốt, mỗi năm một con chồn cái giống đều đẻ hai lứa, có con đẻ tới ba lứa” - anh Tuấn cho biết.

Trang trại chăn nuôi chồn hương của anh Tuấn. Ảnh:THANH THẮNG
Trang trại chăn nuôi chồn hương của anh Tuấn. Ảnh:THANH THẮNG

Qua 2 năm nuôi thử nghiệm, anh Tuấn nhận thấy loài chồn hương dễ nuôi và ăn tất cả các loại thức ăn (trừ chuột dú và cóc). Chồn hương ăn cháo không cần uống nước, nếu có chuối cho ăn thêm vào ban ngày, chi phí nuôi rất thấp nhưng lại là loài phát triển nhanh, ít bị dịch bệnh. Vì vậy, anh chỉ bán những con đực, giữ con cái lại để tiếp tục nuôi nhằm nhân giống. Đồng thời anh tìm hiểu kỹ về cách xây dựng chuồng trại chăn nuôi chồn hương hiệu quả, mạnh dạn đầu tư 70 triệu đồng xây dựng chuồng trại khép kín với không gian 70m2 để phát triển đàn chồn hương. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chồn hương, anh Tuấn cho biết, chồn hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt, hôi hám. Trong quá trình nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh, thay nước uống thường xuyên, định kỳ mỗi tháng xổ giun cho chồn hương một lần để chúng háu ăn, mau lớn. Vào mùa nắng phải tưới nước làm mát mái chuồng trại vì chồn chịu được lạnh chứ không chịu được nóng.

Anh Tuấn cũng cho biết thêm, đặc tính của chồn hương là thích bóng tối và thường hay ăn vào ban đêm, do đó, nếu chuồng sáng quá thì chồn sẽ bị đau mắt. Chồn hương nuôi vẫn giữ bản tính hoang dã, nuôi chung thường cắn nhau đến chết nên phải thiết kế những ô chuồng nhỏ để nuôi mỗi con một ô. Khi chồn đẻ con, người nuôi phải chú ý quan sát, kịp thời tách chuồng, nếu không chồn lớn sẽ cắn chết chồn nhỏ. Chồn con nuôi được một tháng thì phải tách ra riêng, vừa giảm thiệt hại do chồn con bị cắn chết, vừa tạo điều kiện cho chồn mẹ giao phối, tiếp tục sinh sản lứa thứ 2. Chồn hương là giống ăn tạp, khi nuôi thức ăn phải đảm bảo, chồn mới không bệnh, lớn nhanh. Nếu chồn bị tiêu chảy thì rất khó chữa trị, nên phải cho chúng uống thuốc phòng ngừa bệnh tiêu chảy ngay từ đầu. “Muốn nuôi được một con chồn cái sinh sản, người nuôi phải chú ý không để chồn cái quá mập. Phải xây dựng không gian chuồng trại rộng rãi, sạch sẽ cho chồn vận động. Thường thì những người nuôi chồn hương phạm phải sai lầm này nên chúngt ít sinh sản” - anh Tuấn nói.

Hiện anh Tuấn nuôi 22 con chồn hương giống, trong đó có 18 con cái, 4 con đực  và 30 chồn con. Theo anh Tuấn, nuôi 10 tháng, mỗi con chồn hương cân nặng hơn 3kg, giá bán là 1,3 triệu đồng/kg, tính ra mỗi năm anh thu về hơn 100 triệu đồng. “Nuôi chồn hương chủ yếu là kinh nghiệm. Nếu biết cách nuôi, chỉ cần có 10 con chồn giống, mỗi năm có thể thu được 100 triệu đồng. Trong 2 năm tới, tôi cố gắng nhân đàn chồn hương lên 100 con giống để tạo chồn thương phẩm xuất bán ra thị trường. Bởi nuôi chồn chi phí thấp nhưng lợi nhuận cao” - anh Tuấn bảo.

THANH THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi chồn hương chi phí thấp, lợi nhuận cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO