Nuôi con bằng sữa mẹ

CHÂU NỮ 03/08/2018 02:19

Nhiều người nhận thức được giá trị tuyệt vời của sữa mẹ đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tỷ lệ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) thành công không nhiều, dù khoa học đã chứng minh, sữa mẹ rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển toàn diện ở trẻ nhỏ (dưới 24 tháng tuổi).

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất và tinh thần. Ảnh: PHÚC VIỆT
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất và tinh thần. Ảnh: PHÚC VIỆT

“Tiêu chuẩn vàng”

Những năm gần đây, ngành y tế thường xuyên tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị của sữa mẹ đối với trẻ nhỏ cũng như đưa ra các khuyến nghị về thực hành NCBSM. Các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ sản khoa, nhi khoa ở Quảng Nam đã triển khai thường xuyên quy trình chăm sóc thiết yếu sớm bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau khi đẻ hoặc mổ lấy thai để thúc đẩy NCBSM. Không chỉ sinh thường, ngay cả sản phụ sinh mổ cũng được “da kề da” với con khoảng 90 phút và bác sĩ khuyến khích cho con bú sữa mẹ. Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh – Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam khuyến cáo, trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, các bà mẹ cần luôn tin tưởng mình đủ sữa để NCBSM thành công và cho trẻ luôn nằm cạnh mẹ để được bú mẹ thường xuyên, kịp thời khi trẻ có nhu cầu.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nha – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Quảng Nam, từ 0 đến 24 tháng tuổi, trẻ nhỏ chủ yếu phát triển về cấu trúc và hoàn thiện về chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Giai đoạn này, sữa mẹ là nguồn thức ăn “tiêu chuẩn vàng” giúp trẻ tăng trưởng và phát triển toàn diện. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh tính ưu việt của sữa mẹ: Đảm bảo các chất dinh dưỡng cần thiết, phù hợp với sự tiêu hóa, hấp thu và nhu cầu tăng trưởng, phát triển toàn diện của trẻ. Đặc biệt, sữa mẹ có DHA - một axít béo cần thiết cho sự phát triển não bộ của trẻ và có nhiều yếu tố giúp trẻ chống đỡ bệnh tật mà không có loại sữa công thức nào có được hoặc thay thế được.

Tạo điều kiện cho trẻ được bú sữa mẹ

Tuần lễ thế giới NCBSM năm nay (từ ngày 1 đến ngày 7.8) có chủ đề “NCBSM: nền tảng của sự sống”. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: tất cả trẻ nhỏ đều phải được bú mẹ ngay sau sinh trong giờ đầu. Tất cả trẻ nhỏ đều phải được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên (bú mẹ hoàn toàn nghĩa là chỉ bú mẹ, không sữa bột, không nước, không có thức ăn nào khác trừ trường hợp trẻ phải dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ) và tiếp tục được cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi. Chính phủ cũng có những quyết sách để hỗ trợ cho việc NCBSM thành công như quy định thông tin, giáo dục về NCBSM; cấm quảng cáo sữa công thức cho trẻ dưới 24 tháng tuổi để hạn chế dùng sữa bột ở trẻ nhỏ. Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết cho bà mẹ được nghỉ đẻ 6 tháng để có điều kiện NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Tuy sữa mẹ có vai trò quan trọng đối với trẻ nhỏ như vậy nhưng hiện nay vẫn có người cho rằng, trẻ uống sữa công thức sẽ bụ bẫm hơn trẻ bú sữa mẹ. Theo bác sĩ Nha, trẻ phát triển tốt không chỉ tăng trưởng chiều cao và cân nặng theo chuẩn, mà hệ thống não bộ cần được phát triển tối ưu, chức năng các cơ quan bên trong cơ thể cần được hoàn thiện, hệ miễn dịch có khả năng chống đỡ được sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài. Đối với những trường hợp mẹ không có điều kiện cho con bú trực tiếp được, như người mẹ phải đi làm sớm, công nhân, người lao động làm việc liên tục trong ngày, gia đình và xã hội cần tạo điều kiện, ủng hộ, giúp đỡ họ về tinh thần, thời gian, công việc, chăm sóc dinh dưỡng, đặc biệt là trong giai đoạn 6 tháng đầu sau khi sinh. Với những bà mẹ không cho con bú trực tiếp, cần vắt sữa để ở nhà cho con ăn bằng thìa và cốc, không nên sử dụng bình bú, vì dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột, dẫn đến tiêu chảy và khi bú bình quen trẻ dễ từ chối bú mẹ... Ngoài ra, khuyến cáo các công ty có công nhân nữ nhiều nên thiết lập cabin vắt sữa và có tủ lạnh trữ sữa để tạo điều kiện cho các bà mẹ đang cho con bú duy trì việc tạo sữa cho con.

Các cơ sở y tế trong tỉnh tổ chức truyền thông NCBSM bằng nhiều hình thức và tư vấn mọi lúc mọi nơi: lồng ghép trong khám thai, khám hậu sản, khám trẻ nhỏ, tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm... Tuy nhiên, tỷ lệ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thành công không nhiều. Tỷ lệ NCBSM hoàn toàn 6 tháng đầu khoảng 20%, tỷ lệ bà mẹ cho con bú đến 24 tháng là 25% - điều tra cả nước năm 2014 của Viện Dinh dưỡng quốc gia. Nguyên nhân, theo bác sĩ Nha là các bà mẹ hiểu biết chưa đầy đủ về giá trị sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, bị ảnh hưởng bởi quảng cáo của các công ty sữa; có bà mẹ đi làm sớm nên cho trẻ ăn thức ăn khác ngoài sữa. Cũng có trường hợp cho con bú chưa đúng cách hoặc chưa biết cách duy trì nguồn sữa mẹ nên thiếu hoặc mất sữa...

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi con bằng sữa mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO