Tổ chức Y tế thế giới phối hợp với Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam (BVĐK) vừa tổ chức triển khai kế hoạch chăm sóc bà mẹ bằng phương pháp Kangaroo. Đây là 2 tỉnh đầu tiên trong cả nước được tập huấn triển khai chương trình này.
Chương trình này còn được gọi là dự án “chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm”, bao gồm gói các biện pháp can thiệp được cung cấp cho các bà mẹ, trẻ sơ sinh từ khi sinh và trong vòng 72 giờ tiếp theo. “Đây là phương pháp được áp dụng cho những người mẹ sinh con sớm trước tháng, thay vì để con nằm lồng ấp như thường dùng thì cái ôm của người mẹ sẽ là biện pháp thay thế hoàn hảo. Như cách của con chuột túi nuôi con bằng cái túi ở trước bụng mình vậy” - bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh, phụ trách Khoa sản BVĐK Quảng Nam cho biết.
Theo phương pháp Kangaroo, trẻ sơ sinh được tiếp xúc da kề da với người mẹ để giữ thân nhiệt và được bú sữa mẹ đều đặn. Ảnh: N.D |
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ở khu vực Tây Thái Bình Dương có khoảng 1,9 triệu trẻ sơ sinh bị sinh non (thai dưới 37 tuần tuổi) mỗi năm; trong đó ước tính có khoảng 81.600 trẻ sinh non bị tử vong, chiếm 50% số ca tử vong sơ sinh. Điều đáng quan tâm là, có đến hơn một nửa số trẻ tử vong do sinh non có thể phòng ngừa được trước đó, thậm chí ngay cả khi không có đơn vị chăm sóc tích cực. “Trước đây, khi trẻ bị sinh non thường sẽ cho nằm lồng ấp để đảm bảo duy trì thân nhiệt, tránh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Nhưng nếu không kiểm soát máy móc hoặc không xử lý tốt thì lồng ấp dễ bị lây chéo do sức đề kháng của trẻ còn yếu. Thêm vào đó, tách mẹ và con nên lượng sữa mẹ sẽ ít đi, thậm chí tắc sữa, như vậy sẽ có thể làm trẻ bị tiêu chảy, dễ bị suy dinh dưỡng…” - chị Nguyễn Thị Phước (nữ hộ sinh BVĐK tỉnh) cho biết. Chính vì vậy, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh thiếu tháng bằng phương pháp Kangaroo rất chú trọng đến điều này, đặc biệt là cái ôm đầu tiên của người mẹ đối với con. Việc kéo dài tiếp xúc da kề da sẽ giúp giữ trẻ ấm áp, làm giảm khả năng nhiễm trùng và giảm nguy cơ tử vong lên đến 50%.
Ngay cả với trẻ sơ sinh bình thường, tiếp xúc da kề da sớm, lý tưởng là ngay sau sinh đặt trẻ sơ sinh trần truồng trên ngực trần của mẹ. Ngực trần của mẹ là nơi hoàn hảo cho trẻ sơ sinh phục hồi sau những căng thẳng của hành trình “vượt cạn”. Đó là nơi thoải mái, bình yên và ấm áp nhất để bé bắt đầu cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Trừ khi cần có sự can thiệp y tế ngay lập tức, nếu không các bé nên được nghỉ ngơi trên ngực của mẹ ít nhất một giờ sau khi bé chào đời. Kết quả nghiên cứu Cochrane phân tích gộp 34 thử nghiệm lâm sàng trên 2.177 cặp mẹ con về tiếp xúc da kề da cho thấy các trẻ được tiếp xúc với mẹ ngay sau sinh thì ít khóc hơn so với các trẻ được nhân viên y tế chăm sóc, các bà mẹ cảm thấy dễ dàng cho con bú hơn trong những tháng đầu sau đẻ thời gian cho bú lâu hơn. Các bà mẹ cũng ghi nhận trẻ gần gũi với mẹ hơn. |
Theo ông Howard Sobel - đại diện Tổ chức Y tế thế giới, việc nằm lồng ấp làm trẻ thường bị phơi nhiễm với những nguy hiểm của việc tách rời khỏi mẹ, chăm sóc y tế quá mức, thiếu sự chú ý của các nhân viên y tế. “Tất cả trẻ mới sinh ra đều rất cần việc tiếp xúc da kề da. Nếu ngay khi mới sinh, được đặt lên ngực mẹ thì bé sẽ khỏe khoắn nhanh hơn, có những tương tác giữa mẹ và bé tốt hơn. Đặc biệt, bé được bú sữa mẹ nhiều hơn. Chúng tôi có các bằng chứng về khoa học rằng, những bé được tiếp xúc da kề da từ khi sau sinh sẽ có tỷ lệ sống cao hơn. Ngay cả ở các nước tiên tiến trên thế giới cũng đang áp dụng phương pháp này để giúp cho trẻ sinh non phát triển khỏe mạnh hơn” - ông Howard Sobel nói. Cũng theo ông Howard Sobel, với phương pháp này, không chỉ người mẹ mới áp dụng da kề da đối với trẻ mà ngay cả người thân trong gia đình như cha, ông bà cũng có thể áp dụng thay thế mẹ để giúp trẻ sơ sinh có được hơi ấm của người thân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh cho hay, việc cho trẻ tiếp xúc với mẹ sớm sẽ giúp làm tăng tình cảm mẹ con. Đồng thời khi trẻ được bú sớm sẽ có kháng thể từ sữa mẹ, tránh được một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hay hệ tiêu hóa. “Thân nhiệt của người mẹ bao giờ cũng tốt hơn các loại máy móc, bởi nó ổn định và an toàn. Hiện nay BVĐK tỉnh đã áp dụng phương pháp này giúp cho các sản phụ điều trị tại đây”. Chị Arơl Réo, 20 tuổi, trú tại huyện Tây Giang là một trong những người đầu tiên được áp dụng phương pháp này tại BVĐK Quảng Nam. Chị sinh con khi thai nhi mới chỉ 34 tuần tuổi, bé còn bị bệnh vàng da. “Mình không biết phương pháp Kangaroo là gì hết, nhưng được nằm với con mình thấy yên tâm. Để con nằm ở lồng kính thì sợ lắm, vì không biết con mình sẽ như thế nào” - chị Arơl Réo nói.
Cùng với phương pháp da kề da, các chăm sóc y tế theo kèm để điều trị những bệnh của trẻ mới sinh sẽ được tiến hành bình thường. Ông Howard Sobel cho biết, những quan niệm sai lầm, sự hoài nghi, sợ hãi hay các yếu tố văn hóa sẽ làm tăng nguy cơ cho trẻ sơ sinh thiếu tháng. “Mọi người thường hiểu không đúng rằng trẻ sinh non cần được chăm sóc trong các đơn vị chăm sóc tích cực sơ sinh. Ngay bản thân gia đình và các bà mẹ còn e ngại về việc để con tiếp xúc da kề da với mình. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn đào tạo các kỹ năng để phương pháp này được áp dụng rộng rãi, giảm thiểu tối đa những rủi ro khi trẻ bị sinh thiếu tháng” - ông Howard Sobel nói.
NGUYỄN DƯƠNG