Không có Trường Hải sẽ không có một Chu Lai mang vóc dáng như hiện tại và Quảng Nam khó có thể có nguồn thu sách với con số mỗi năm mỗi tăng.
Phát triển sản xuất trên nền tảng tự động hóa, Trường Hải đã chuẩn bị cho một chu kỳ đầu tư mới.Ảnh: T.D |
Không thiếu những cuộc tranh luận. Nhưng sẽ không ngạc nhiên khi Quảng Nam ưu tiên phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô tô và dự án sản xuất, lắp ráp ô tô là dự án động lực của Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai. Và KKTM đã thành công từ “con sếu” đầu đàn ô tô Trường Hải.
“Cứ điểm” cơ khí, ô tô
Kể từ khi những chiếc xe tải, xe bus đầu tiên lắp ráp tại một nhà máy 38ha ở Chu Lai xuất hiện trên thị trường những năm 2004 - 2005, dòng xe bus của Trường Hải mở đường vượt biên giới. Ít nhất 550/1.150 xe bus được xuất khẩu trong năm 2018 chỉ là lát cắt trên hành trình định vị thương hiệu ô tô Việt của Trường Hải. Doanh nghiệp này được xem là một trong những doanh nghiệp đại diện và trụ cột của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong giai đoạn đầy khó khăn và thách thức. Không chỉ hội tụ đầy đủ 7 thương hiệu lớn trên thế giới (Kia, Mazda, Peugeot, BMW, Nini, BMW Motorrad và Fuso), Trường Hải đã trở thành nhà sản xuất xe bus mang thương hiệu nội địa hàng đầu với sản phẩm được tin dùng nhất Việt Nam.
Sự kiện xuất khẩu xe bus chính thức khẳng định dòng xe này của Trường Hải đã dần định vị một thương hiệu ô tô Việt trong mắt người tiêu dùng. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tuyên bố Trường Hải đã tạo được một sản phẩm ô tô thương hiệu Việt là điều Chính phủ mong muốn từ lâu, ngay trong ngày khánh thành nhà máy bus Thaco mới.
Trường Hải đã liên tục đầu tư các nhà máy lắp ráp xe chuyên biệt, lắp ráp hầu hết các dòng xe du lịch, xây dựng các tổ hợp cơ khí, các cụm nhà máy công nghiệp hỗ trợ, dựng trường nghề, mở cảng biển, định hướng cảng khu vực này trở thành cảng container lớn nhất miền Trung, mở các tuyến hàng hải quốc tế đến các cảng biển lớn ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Không ngừng điều chỉnh quy hoạch, đầu tư mở rộng khu công nghiệp cơ khí ô tô, xây dựng và nâng cấp toàn bộ các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, tổ hợp cơ khí, các nhà máy sản xuất phụ tùng theo hướng tự động hóa, ứng dụng số hóa trong quản trị điều hành… Sau 15 năm, qua 3 chu kỳ đầu tư, Khu phức hợp cơ khí, ô tô Chu Lai – Trường Hải đã mở rộng đến hơn 400ha, bao gồm 30 công ty, nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, linh kiện phụ tùng, tổ hợp cơ khí, logistics, cảng biển… với tổng vốn đầu tư hơn 80.000 tỷ đồng. Tất cả điều này chính thức khẳng định sau 15 năm, Trường Hải đã kiến tạo những giá trị cơ bản thiết yếu cho hội nhập, phát triển ngành sản xuất, kinh doanh tối đa tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin số hóa, quản trị sản xuất, kinh doanh theo mô hình “thông minh” xuyên suốt chuỗi giá trị. Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương cho hay khu vực này sẽ trở thành “cứ điểm” sản xuất linh kiện, phụ tùng và lắp ráp ô tô có tầm vóc khu vực ASEAN. Trường Hải sẽ phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp khu vực và thế giới. Trường Hải có đủ ý chí và quyết tâm biến thách thức thành cơ hội!
Giá trị doanh nghiệp
Trường Hải sẵn sàng bước vào chu kỳ đầu tư thứ 4. Sẽ mở rộng khu phức hợp, thu hút công nghiệp hỗ trợ ô tô, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển cơ khí nông nghiệp, xây dựng và cơ khí thiết bị công nghiệp. Hình thành khu công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, hệ thống kho bảo quản các nhà máy sản xuất vật tư ngành nông nghiệp, hạ tầng khu công nghiệp, kiến tạo một khu công nghiệp đầu mối tại Quảng Nam và miền Trung. Mở rộng cảng nước sâu, xây đô thị hay phát triển thị trấn Núi Thành trở thành đô thị vệ tinh Tam Kỳ. Sự thay đổi chiến lược đầu tư nhiều ngành nghề để có thể trụ đỡ một khi có một ngành gặp bất ổn hay chiến lược đầu tư mở rộng bất cứ chuyên ngành nào... Trường Hải thể hiện mạnh mẽ chiến lược và triết lý kinh doanh của mình.
Con số góp vào ngân sách tổng cộng hơn 70.000 tỷ đồng (ước 2018 khoảng 15.400 tỷ đồng) khá ấn tượng, nhưng giá trị doanh nghiệp còn được thể hiện qua việc thu hút 9.000 lao động ổn định (chiếm hơn 35% tổng lao động toàn KKTM Chu Lai). Trường Hải không chỉ gánh vác vai trò phát triển kinh tế mà động lực của doanh nghiệp này đối với sự phát triển xã hội của khu vực là không thể đo đếm.
Miền cát này xưa vốn rất nhiều người lam lũ đánh vật trên những vuông tôm, nhặt phế liệu trên đồi cát và những thửa ruộng chua phèn với đôi bàn tay bật máu và những đôi vai oằn lưng gánh nước để lo cho một ngày có ba bữa cơm còn chưa no đủ. Rất nhiều cuộc ra đi. Xứ ấy, khá nhiều người sống “trễ nãi” bên những ngôi nhà cũ kỹ. Không ai biết họ nghĩ gì qua ánh mắt không biết đậu vào đâu, ngoài những bãi cát trắng mênh mông ngút cả tầm mắt. Số đông người trong tuổi lao động chỉ chực chờ lên đường tha hương vì không biết làm gì trên những nổng cát đầy nắng gió khô khốc. Họ để lại những ngôi nhà lác đác cây cối bỏ hoang trên những bãi dương trống hoác. Những người đàn ông còn lại hàng ngày uống rượu nhìn những vuông tôm trống trơn, bâng quơ buồn về một giấc mơ đổi đời trôi qua quá nhanh, chẳng để lại tăm tích gì. Hiếm cây gì sống nổi qua mùa hè bỏng rát, rừng điều cũng đã vắng dần chỉ còn dương liễu lơ thơ trên những cồn cát.
Giờ tất cả đã thay đổi, từ các nhà máy của Trường Hải và nhiều doanh nghiệp khác, liệu có phải như câu chuyện cổ tích được viết ở thì hiện tại trên xứ cát này không?
XÂY CÔNG TRÌNH... TẶNG QUẢNG NAM Không thể đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 17.8.2018 như dự kiến, nhưng nút giao vòng xuyến hai tầng giữa quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam với đường trục chính từ cảng Chu Lai đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khởi công hôm 10.3.2018 đã thông xe kỹ thuật, chuẩn bị đưa vào hoạt động. Đây được xem như công trình mà Trường Hải “hiến tặng” cho cộng đồng. Con đường thiên lý Bắc - Nam qua Chu Lai đã hình thành một nút giao thông với vòng xuyến cỡ lớn trên tầng hai, đường kính 80m để giải quyết lưu thông tại nút giao cắt với đường sắt cho tất cả hướng ra vào KCN cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải và cao tốc Đà Nẵng, dành cho ô tô các hướng đi từ đường cao tốc và KCN vượt qua đường sắt Bắc - Nam đi quốc lộ, cảng Chu Lai và ngược lại. Đảo xuyến nhỏ hơn ở dưới mặt đất đường kính 50m (tại quốc lộ) dành cho các hướng đi trên quốc lộ và vào cảng Chu Lai, nhằm điều chỉnh giao thông cho ngã ba giao giữa quốc lộ với đường vào cảng. Ngoài ra, dự án còn xây dựng một cầu bộ hành bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực vượt đường sắt, nối từ đường KCN ô tô Chu Lai - Trường Hải sang quốc lộ với bề rộng cầu 3,5m. Nút giao thông vòng xuyến này đưa vào sử dụng sẽ xóa cảnh ùn tắc giao thông nơi giao lộ cảng Tam Hiệp – đường vào KCN và quốc lộ, đường sắt với nhiều chuyến xe hàng, xe tải, xe máy… lưu thông từ hai đầu. Không chỉ kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, góp phần cải thiện, tăng cường phát triển giao thông trên quốc lộ, KKTM Chu Lai, công trình này còn mang tính thẩm mỹ, được xem là biểu tượng, tạo thành điểm nhấn cảng đô thị công nghiệp. Theo dự báo khu vực này sẽ trở thành một trung tâm phát triển công nghiệp phụ trợ, kinh doanh phi thuế quan, tạo động lực cho Tam Kỳ, Chu Lai. Ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành nói địa phương đang đứng trước vận hội lớn để trở thành một đô thị động lực phía nam Quảng Nam. Công trình này có thể sẽ dọn đường cho các dự án động lực vào khu vực ngày càng nhiều hơn. Chính phủ đã quyết định bố trí 200 tỷ đồng đầu tư cầu vượt trực thông tại vị trí giao giữa quốc lộ và đường sắt Bắc - Nam với đường trục chính nối cảng Chu Lai đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, kinh phí này chỉ đủ đầu tư xây dựng một cầu vượt, hai cầu nhánh và đường dẫn chuyển làn. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói ngân sách không đủ để giải quyết hết các yêu cầu của địa phương. Không thể đáp ứng được nhu cầu giao thông theo sự phát triển của KKTM Chu Lai tương lai và kết nối đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trường Hải với trách nhiệm xã hội của một thương hiệu mạnh, quyết định đầu tư 600 tỷ đồng đầu tư nút giao thông, chuyển giao Quảng Nam tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng… là “nghĩa cử” đầy tính nhân văn. (TÙY PHONG) |
NHẬT PHONG