Nuôi dưỡng lòng tự hào về di sản

XUÂN HIỀN 23/11/2021 07:57

Nuôi dưỡng ý thức và lòng tự hào về những giá trị di sản đang hiện hữu ở quê hương là mục tiêu của chương trình giáo dục di sản đang được đưa vào nhiều trường học ở các địa phương trong tỉnh.

Học sinh tại Hội An được học trải nghiệm chương trình “Đưa di sản vào học đường” từ nhiều năm nay. Ảnh: B.T HỘI AN
Học sinh tại Hội An được học trải nghiệm chương trình “Đưa di sản vào học đường” từ nhiều năm nay. Ảnh: B.T HỘI AN

Đưa di sản vào học đường

Sau 7 năm thai nghén và thử nghiệm, năm học 2021 - 2022 này, Hội An chính thức có bộ tài liệu giáo dục di sản trong học đường dành cho cấp tiểu học. Bà Lê Thị Tuấn - Trưởng phòng Quản lý bảo tàng (Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An) cho biết, bộ tài liệu do nhóm biên soạn của trung tâm làm chủ biên, kết hợp với Phòng GD&ĐT, Thành đoàn TP.Hội An.

“Ý tưởng biên soạn chương trình giáo dục học đường cho học sinh phố cổ Hội An được bắt đầu nhen nhóm từ năm 2014. Thời điểm này, Hội An đang được thế giới biết đến rất nhiều, sau khi được UNESCO vinh danh thành di sản thế giới.

Cùng với công tác bảo tồn, UBND TP.Hội An yêu cầu phải xây dựng ý thức di sản cho thế hệ kế nghiệp Hội An trong tương lai. Từ đây, chúng tôi được yêu cầu lên kế hoạch khảo sát, biên soạn tài liệu.

Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam được mời vào phố cổ Hội An cùng với các thầy cô giáo, cán bộ bảo tồn thảo luận chuyên môn, lên khung cho bộ tài liệu” - bà Lê Thị Tuấn nói.

học đường vừa được đưa vào cấp tiểu học tại Hội An. Ảnh: X.H
học đường vừa được đưa vào cấp tiểu học tại Hội An. Ảnh: X.H

Các chủ đề khác nhau xoay quanh di tích Chùa Cầu, đình, chùa, hội quán, nhà thờ tộc, lăng Ông, nhà cổ, làng nghề, nghệ thuật trình diễn dân gian múa thiên cẩu... được lồng ghép khéo léo để giới thiệu đến học sinh. Đi kèm với bộ tài liệu còn có các clip giới thiệu về di sản theo từng chủ đề học tập và các công cụ phục vụ hoạt động trực quan để học sinh dễ dàng tìm hiểu.

Với phương pháp tương tác mở, giáo viên, cán bộ giáo dục di sản sẽ thuyết minh và cùng học sinh tìm hiểu ngay tại các điểm di tích, khám phá hiện vật, tìm hiểu nghề nông, nghệ thuật hô hát bài chòi, tham gia các nghề truyền thống, trò chơi dân gian theo chủ đề ngay tại các bảo tàng…

Cùng với nội dung tài liệu, các tiết học sẽ chọn hiện vật, di tích làm đối tượng truyền tải thông tin theo hình thức trực quan để các em phát huy tính chủ động, sáng tạo và hiểu biết kỹ hơn về di sản, từ đó góp phần hình thành ý thức bảo vệ, gìn giữ di sản trong học sinh. Dự kiến sẽ có hơn 9 nghìn học sinh của 245 lớp ở 14 trường tiểu học trên địa bàn TP.Hội An được tiếp cận với bộ tài liệu này.

Bảo tồn... từ thế hệ trẻ

Với tiêu chí chọn những di sản ở nơi mình sống, cộng đồng ở đâu thì lấy di sản ở đó, trường học ở đâu thì sử dụng di sản ở cộng đồng đó, chương trình giáo dục “Đưa di sản vào học đường” đang ngày càng được nhiều địa phương ứng dụng.

Tại huyện Duy Xuyên - địa phương đầu tiên của Quảng Nam ứng dụng phương thức trao truyền di sản thông qua các hoạt động tại trường học.

Học sinh tại Hội An được học trải nghiệm chương trình “Đưa di sản vào học đường” từ nhiều năm nay. Ảnh: B.T HỘI AN
Học sinh tại Hội An được học trải nghiệm chương trình “Đưa di sản vào học đường” từ nhiều năm nay. Ảnh: B.T HỘI AN

Học sinh huyện Duy Xuyên được giới thiệu, thuyết minh, tìm hiểu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn bằng những hoạt động thực tế. Từ đây, kích thích thêm câu chuyện giữ gìn và nhận thức giá trị của khu đền tháp này ngay từ thế hệ học sinh cấp tiểu học và THCS.

Bên cạnh đó, chương trình “Sân khấu học đường” của Hội Bảo trợ tuồng Duy Xuyên cũng chắp thêm mạch nguồn về lòng yêu quý vốn văn hóa truyền thống của vùng đất mình trong tâm hồn của nhiều thế hệ học sinh...

Việc được trao nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn thông tin và tư liệu ngoài nhà trường để phục vụ hoạt động tìm tòi, nghiên cứu các di sản trong học tập là điều nhiều học sinh mong muốn. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, từ dạy trên lớp, dạy học tại di sản và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sẽ là cách thức hữu hiệu để trao truyền di sản đến nhiều thế hệ.

Tại nhiều địa phương trên cả nước, giáo dục di sản được xem là một mô hình du lịch học đường mới mẻ, giúp các em học tập mà không nhàm chán, rèn luyện được nhiều kỹ năng thực hành. Đây cũng là khuyến nghị của UNESCO trong công tác bảo tồn di sản tại các quốc gia.

Cụ thể, mở rộng trao quyền cho các tổ chức phi chính phủ, các tôn giáo, tin cậy ở giới trẻ và kể cả việc phát huy tối đa tín ngưỡng... để bảo vệ các loại hình di sản là điều được nhấn mạnh; trong đó tìm cách đưa di sản vào học đường, trao truyền di sản cho thế hệ trẻ là điều cần thiết phải thực hiện cho các mục tiêu bảo tồn...

Hiến tặng nhiều hiện vật cho quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng

Ngày Di sản Việt Nam năm nay trở thành một ngày khá đặc biệt khi Ban Quản lý quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) nhận được một số lượng lớn hiện vật từ gia đình mẹ VNAH Ngô Thị Luốt, hay còn gọi là Má Mười Nhung - một người mẹ can trường, khí phách với những cống hiến và hy sinh lặng thầm cho vùng đất cách mạng Gò Nổi.

Hiện vật và tác phẩm gia đình mẹ Luốt tặng Ban Quản lý Quần thể Tượng đài Mẹ VNAH
Hiện vật và tác phẩm gia đình mẹ Luốt tặng Ban Quản lý Quần thể Tượng đài Mẹ VNAH.

Lần này, gia đình mẹ Luốt tặng phần lớn hiện vật gắn bó với các dấu ấn của cuộc đời mẹ như chiếc mâm đồng đưa cơm cho các đồng chí lãnh đạo, đồng bạc, ống ngoáy trầu, bình bông làm từ đạn M79...

Đặc biệt, Ban Quản lý quần thể Tượng đài Mẹ VNAH còn nhận được bức tranh với tên gọi “Hồi ức của mẹ” do họa sĩ Lê Huy Hạnh tặng gia đình mẹ Luốt và được gia đình tặng lại.

Tác phẩm với đường nét và sắc màu khắc họa rõ nét chân dung người mẹ đi qua bao cuộc chiến tranh, chịu nhiều hy sinh gian khó và vẫn luôn đau đáu về một làng quê bình yên, về tình yêu thương con người. Trước đó, năm 2017, gia đình mẹ Luốt đã tặng một bức tượng bán thân chân dung mẹ bằng đồng để trưng bày tại không gian trưng bày trong lòng tượng đài.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi dưỡng lòng tự hào về di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO