Làm báo tường hay tập san luôn để lại trong lòng tuổi học trò kỷ niệm khó quên. Từ những sáng tác đầu tay, góp phần đặt nền tảng, xây dựng tình yêu đối với văn học...
Có một thời cách đây chưa xa mấy, việc làm báo tường hay tập san học trò gặp nhiều khó khăn trong khâu thể hiện, giấy, mực. Thế nhưng mỗi khi ấn phẩm ra đời, cả một bầu trời yêu thương được chuyển tải trên từng con chữ, trang giấy chân phương mộc mạc. Và chính những con chữ, vần thơ đầu tiên e ấp ấy đã khơi nguồn biết bao con tim yêu mến văn chương theo đuổi nghiệp văn.
Bây giờ, điều kiện để học sinh tiếp cận với thông tin, phương pháp thực hiện một tờ báo tường hay một tập san nho nhỏ khá dễ dàng. Các em có thể tìm thấy ở bất cứ đâu cách trình bày một tờ báo, tập san, hay có thể sưu tầm bao lời hay, ý đẹp về nghĩa tình thầy cô, trường lớp. Đó cũng là điều kiện tốt, giúp ấn phẩm tuổi học trò ra đời đẹp và hấp dẫn hơn.
Và rồi, các sáng tác học trò theo những tờ báo tường, tập san của từng lớp học đến được với bạn bè và thầy cô giáo. Dần dà, niềm yêu thích văn chương, đam mê sáng tác được đẩy lên, thôi thúc các em không ngừng cầm bút thể hiện góc nhìn riêng về cuộc sống. Đó là trải nghiệm đầu đời để các em có những bước đi dài trong khu vườn văn học mai sau.
Nhiều năm nay, sân chơi văn học của tuổi học trò xứ Quảng đã được quan tâm đáng kể bằng việc tổ chức những trại sáng tác văn học thiếu nhi cấp tỉnh, khu vực và qua những chuyên mục dành riêng cho văn học trong nhà trường trên các báo, tạp chí. Từ những sân chơi này, đã phát hiện được không ít “hạt mầm” văn chương, dù còn khá non nớt nhưng bộc lộ khả năng và niềm đam mê sáng tác.
Lâu nay người lớn, đặc biệt người có trách nhiệm trong hoạt động văn học - nghệ thuật xứ Quảng luôn trăn trở: Làm sao để nuôi dưỡng tình yêu văn học - nghệ thuật nơi lứa tuổi học trò, gầy dựng thế hệ kế cận cho vùng đất từng được mệnh danh là “vùng văn học” Quảng Nam? Rõ ràng, qua câu chuyện làm báo tường, tập san nhân mỗi dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam (20.11) hay qua chính sáng tác được giới thiệu trên các ấn phẩm báo chí của Quảng Nam, dễ dàng nhận thấy chúng ta không hề thiếu “hạt mầm” văn chương, nghệ thuật.
Các em vẫn từng ngày neo giữ tình yêu về cái đẹp, về lòng nhân ái, nhân văn, về tình cảm thầy trò, trường lớp, gia đình và xã hội qua từng trang viết.