Hiện nay, văn hóa đọc của học sinh đã phần nào bị lấn át bởi nhiều phương tiện giải trí hiện đại. Vì thế, ngành GD-ĐT huyện Duy Xuyên luôn tìm cách để mỗi thư viện, phòng đọc sách trong trường tiểu học thực sự là cầu nối giúp học sinh không xa rời văn hóa đọc.
Nâng cao chất lượng
Trên địa bàn huyện Duy Xuyên có 21 trường tiểu học, tất cả đều có thư viện đạt chuẩn (5 thư viện đạt chuẩn xuất sắc) và phòng đọc sách cho học sinh, giáo viên. Ông Ngô Hùng - chuyên viên giáo dục tiểu học Phòng GD-ĐT huyện cho biết: “Công tác nâng chất và lượng của hệ thống thư viện trong trường học đặc biệt là cấp tiểu học trên địa bàn luôn được ngành giáo dục quan tâm đúng mức. Điều này nhằm duy trì nền tảng cơ bản về văn hóa đọc cho các em học sinh ngay từ khi còn nhỏ”.
Không những chú trọng phát triển cơ sở vật chất, công tác tạo nguồn sách, tài liệu, việc trang trí, giới thiệu sách ở các thư viện cơ sở cũng được thực hiện rất quy củ để tạo sự ấn tượng và nét tươi mới thu hút thói quen đọc sách của học sinh tiểu học. Thầy Trương Văn Trung - cán bộ quản lý thư viện Trường Tiểu học số 1 Nam Phước (thị trấn Nam Phước) chia sẻ, đã theo nghề vài chục năm nay nên thầy nhận thấy rõ sự khác biệt của các lớp thế hệ học sinh. Nếu như trước đây, vào thời gian khó, phần lớn học sinh chỉ biết tìm tới thư viện để đọc sách thì bây giờ học sinh khá thờ ơ, bởi có quá nhiều “cám dỗ” hàng ngày. Vì thế, việc nâng cao chất lượng thư viện và cách bố trí không gian đọc hài hòa là điều quan trọng để thu hút các em, hình thành văn hóa đọc ngay từ nhỏ.
Mô hình thư viện xanh của Trường Tiểu học Duy Châu (xã Duy Châu, Duy Xuyên) thu hút học sinh tìm đến vào giờ giải lao. Ảnh: QUỐC TUẤN |
Theo thống kê chưa đầy đủ, hệ thống các thư viện tiểu học trên địa bàn Duy Xuyên có khoảng 40 nghìn đầu sách với 140 nghìn bản sách. Các thư viện cũng thường xuyên cập nhật những loại sách tham khảo, tranh, truyện thiếu nhi mới có nội dung giáo dục bổ ích để phục vụ nhu cầu của học sinh. Hàng năm, Phòng GD-ĐT huyện cũng chi 3 - 5% trong tổng kinh phí chi thường xuyên trường học để tăng cường chất lượng sách. Ngoài ra, thường xuyên có các đợt vận động, quyên góp để tăng thêm số lượng đầu sách, bản sách cho thư viện các trường tiểu học. Năm học vừa qua, Phòng GD-ĐT huyện cũng đã tổ chức cuộc thi “Cán bộ thư viện giỏi” tạo điều kiện cho cán bộ thủ thư giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quản lý thư viện lẫn nhau.
Thư viện thân thiện
Hơn một năm nay, nhiều người qua lại trục đường chính ngang xã Duy Châu khá ấn tượng với mô hình thư viện xanh mà Trường Tiểu học Duy Châu xây dựng hòa mình trong khuôn viên sân trường. Hoàn thành vào tháng 12.2014, thư viện xanh của Trường Tiểu học Duy Châu là thư viện ngoài trời đầu tiên trong trường tiểu học trên địa bàn huyện. Thầy Lê Văn Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do nhận thấy phòng đọc sách của trường nằm ở tầng hai lại cách khá xa phòng học của học sinh nên thầy nảy ra ý tưởng xây dựng khu đọc sách ngoài trời vừa gần gũi vừa thân thiện với học sinh. Thư viện xanh được trang trí bằng các loại hoa, cây cảnh… hoàn toàn đến từ việc huy động nguồn xã hội hóa. Kinh phí mua sách, tài liệu cũng được đóng góp từ các cá nhân, đơn vị hảo tâm, cựu học sinh của trường. Nhận thấy sự đúng đắn và độc đáo của mô hình, Phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên cũng đã hỗ trợ nhà trường 10 triệu đồng mua sách phục vụ nhu cầu tham khảo, giải trí của học sinh. Cô Nguyễn Thị Tư - phụ trách thư viện cho biết, mỗi giờ ra chơi, thư viện ngoài trời phục vụ cho trung bình 50 học sinh các khối. Đặc biệt, trong những ngày thời tiết nắng nóng, học sinh nào đến muộn có khi không còn ghế ngồi. Các loại sách ở thư viện cũng được luân đổi trong tuần để tạo sự mới lạ, thu hút các em.
Theo quan sát của chúng tôi, trong khuôn viên thư viện, sách, báo được phân loại rõ ràng thành từng kệ như báo nhi đồng, truyện cổ tích, truyện tranh… để học sinh tiện theo dõi và tìm đọc. Xung quanh thư viện còn được gắn các bảng, chùm ảnh giáo dục, tuyên truyền chủ quyền biển đảo, chấp hành quy định về an toàn giao thông, các câu nói nổi tiếng của danh nhân… Em Trần Thị Thùy Linh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Duy Châu cho hay: “Không chỉ riêng em mà nhiều bạn khác trong lớp, trong trường cũng rất thích đọc sách ở thư viện xanh. Tìm chọn sách trên kệ rồi ra ghế đá đọc rất thoải mái, giống như vừa học vừa chơi giúp chúng em dễ dàng tiếp thu các kiến thức trong sách hơn”.
Sau mô hình khá hữu ích mà Trường Tiểu học Duy Châu áp dụng, đã có thêm Trường Tiểu học Duy Tân (xã Duy Tân ) và Trường Tiểu học Duy Phú (xã Duy Phú) xây dựng thư viện xanh. Ngoài ra, một số các trường tiểu học khác cũng đã có tủ sách di động để mỗi giờ giải lao được đưa ra khuôn viên sân trường giúp sách đến gần với học sinh hơn. Đây là một hướng đi thiết thực để kích thích văn hóa đọc cho học sinh tiểu học, giúp các em rèn luyện kỹ năng tư duy, hoàn thiện bản thân.
QUỐC TUẤN