Cũng như các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, các dân tộc miền núi Quảng Nam như Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Co có tín ngưỡng vạn vật hữu linh, xem các hiện tượng sự vật tồn tại đều có thần. Các thần linh chi phối mọi mặt đời sống, nên trong chu kỳ năm cũng như chu kỳ đời người, trong lúc may mắn cũng như lúc rủi ro, đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều tục cúng bái, nhiều điều kiêng kỵ và thế ứng xử của con người là phải có các nghi thức cầu cúng, lễ nghi phù hợp để ngăn ngừa điều xấu, mong ước điều lành. Lễ hội là cái nôi hình thành, nuôi dưỡng di sản văn hóa tộc người.
Phong phú lễ hội
Mỗi dân tộc đều có hệ thống lễ hội khác nhau. Dân tộc Co có những lễ hội tiêu biểu như: cầu mưa, cơm mới, giã rạ... Do hạn hán kéo dài có thể gây mất mùa nghiêm trọng, dẫn tới đói kém, nên đồng bào làm lễ cúng cầu mưa, cúng nguồn nước. Trong lễ cầu mưa người Co thường đánh trống đất. Người ta phải đánh trong nhiều ngày, đến khi trời có mưa thì thôi đánh. Lễ giã rạ diễn ra sau khi thu hoạch xong, ăn mừng lúa lên chòi. Lễ giã rạ có tính chất như tổng kết của một mùa lúa, tạ ơn thần linh và là dịp để mọi người trong làng gặp gỡ, vui chơi sau những ngày tháng lao động vất vả, nặng nhọc. Lễ hội ăn trâu là một lễ hội rất lớn của dân tộc Co, ở đó hội tụ và phô bày bản sắc dân tộc một cách rõ ràng, đậm nét và hết sức phong phú…
Đấu chiêng đôi trong lễ hội dân tộc Co. Ảnh: Tấn Vịnh |
Dân tộc Cơ Tu còn bảo lưu nhiều lễ hội liên quan đến vòng đời con người, lễ nghi nông nghiệp như cúng máng nước, lễ ăn mừng lúa mới; lễ hội cộng đồng như mừng gươl mới, lễ kết nghĩa ăn thề... Trong lễ nghi nông nghiệp, đáng chú ý nhất là lễ ăn mừng lúa mới. Hàng năm vào khoảng tháng 11 dương lịch, các bản làng người Cơ Tu vào mùa thu hoạch lúa, là dịp để họ ăn mừng những hạt lúa mới, mừng một vụ mùa bội thu, hứa hẹn cuộc sống no đủ. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà lễ ăn mừng lúa mới lớn hay nhỏ. Lễ ăn mừng lúa mới được tổ chức hết nhà này đến nhà khác diễn ra trong suốt thời kỳ thu hoạch lúa. Lễ hội cộng đồng phải kể đến lễ kết nghĩa giữa hai làng. Đây là lễ hội truyền thống thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các cộng đồng làng Cơ Tu với nhau. Các lễ hội lớn của người Cơ Tu thường tổ chức ăn trâu, đâm trâu. Mọi người nhảy múa điệu tâng tung da dá xung quanh cây nêu trước khi tiến hành đâm trâu.
Dân tộc Xê Đăng có lễ hội cầu mưa, cúng máng nước, ăn trâu huê... Lễ cúng máng nước thường được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 3 sau khi trỉa lúa hoặc tháng 12 sau khi mùa màng thu hoạch xong. Khởi đầu, mọi người tập trung sửa chữa máng nước cũ hoặc bắc máng nước mới, gia cố hệ thống giá đỡ đường ống máng nước để đưa nước về buôn làng. Dân làng chia nhau đi kiếm cá, hái rau, gài bẫy bắt thú. Chủ làng cúng các thần linh cầu mong mưa thuận gió hòa, nương rẫy bội thu, cầu phúc cho các nóc nhà. Đặc biệt, lễ ăn trâu huê là tập tục văn hóa, tín ngưỡng quan trọng nhất của người Xê Đăng. Lễ hội diễn ra sau mùa thu hoạch lúa rẫy và bắt đầu vào vụ mùa mới.
Bảo tồn tinh hoa di sản
Trong di sản văn hóa tộc người, lễ hội là nhân tố nổi trội nhất. Lễ hội hàm chứa một tổng thể diễn xướng và nghi lễ mang đậm dấu ấn nguyên thủy với tư duy hồn nhiên, từ cách bài trí đến các thức cúng, đến cách thức thực hiện nghi lễ và vui chơi. Lễ hội các dân tộc là sự hội tụ cao độ của các tinh hoa văn hóa, những gì hay nhất, đẹp nhất hầu như tập trung lại, để từ đây thông qua sự tham gia của các thành viên, lan tỏa trở lại cộng đồng. Lễ hội là dịp để đồng bào miền núi khoe sắc phục truyền thống, thể hiện tài năng diễn tấu nhạc cụ, múa hát, các nghệ nhân lão luyện sáng tác những tác phẩm trang trí, điêu khắc mà tiêu biểu là cây nêu và các bức tượng gỗ. Bên ánh lửa hồng, mọi người quây quần thưởng thức rượu cần và lắng nghe già làng kể các câu chuyện xưa. Lễ hội là môi trường kết nối cộng đồng, cùng nhau hướng đến cuộc sống tốt đẹp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái; là thời điểm nghệ thuật ẩm thực của dân tộc được thăng hoa, với rượu tà vạt, rượu cần, cơm lam, thịt nướng, canh thụt... Không có lễ hội thì những di sản văn hóa này đâu được nhiều người biết đến.
Tuy nhiên, trước biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội, lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ mai một. Các lễ hội nói trên dần thưa vắng trong đời sống cộng đồng. Nhu cầu tâm linh của người dân thông qua lễ hội không còn đóng vai trò quan trọng. Ở một số địa phương, Nhà nước đứng ra tổ chức lễ hội, người dân tham gia với vai trò thụ động. Những lễ hội của cộng đồng không còn thì tất yếu những di sản quý giá của tộc người cũng bị mất theo.
Đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi đang sở hữu những tinh hoa di sản, nhất là các lễ hội truyền thống, góp phần làm giàu có và phong phú vốn văn hóa xứ Quảng. Để bảo tồn và phát huy loại hình di sản văn hóa này, cần đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, thực hiện các đề tài khoa học, quy hoạch các lễ hội, khuyến khích đồng bào tổ chức tốt các lễ hội dân gian gắn với hoạt động văn hóa - thể thao ở các thôn bản. Ngoài thực hiện tư liệu hóa bằng hình ảnh để lưu trữ lâu dài, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá lễ hội, cần phục dựng một số lễ hội tiêu biểu tại các bản làng có hoạt động du lịch để cộng đồng tham gia. Đặc biệt, quan tâm bồi dưỡng, chăm sóc đội ngũ nghệ nhân dân gian - những người làm nên linh hồn của lễ hội truyền thống và truyền lửa, truyền nghề cho thế hệ trẻ…
TẤN VỊNH