Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học

HOÀNG LIÊN 03/12/2019 11:05

Mô hình chăn nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Bắc Trà My triển khai từ tháng 6.2019 đến nay tại 4 hộ dân ở xã Trà Giang, Trà Dương, bước đầu phát huy hiệu quả.

Người dân xã Trà Giang đã tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: H.LIÊN
Người dân xã Trà Giang đã tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: H.LIÊN

Chuyển giao kỹ thuật

Từ kết quả đề tài khoa học “Chăn nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên dùng các chế phẩm vi sinh” do Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Bắc Trà My thực hiện, địa phương đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên, thu hút 4 hộ dân trên địa bàn huyện tham gia. Các hộ dân được cấp giống gà, được hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật tạo men vi sinh, chế biến các thực phẩm giàu can xi và dưỡng chất từ men vi sinh phục vụ chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học.

Theo ông Nguyễn Trọng Dược - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Bắc Trà My, quá trình triển khai đề tài, trung tâm đã hỗ trợ nông dân tự bẩy bắt men vi sinh vật có lợi trong vườn nhà, từ đó nhân nuôi thành IMO1, IMO3 và tự tạo các thảo dược tỏi OHN để chăn nuôi. Trung tâm cũng tập huấn cho người chăn nuôi kỹ thuật lên men, phối trộn các loại thức ăn để chăn nuôi vừa tiết kiệm thức ăn cho vật nuôi, vừa đảm bảo môi trường sinh thái sạch sẽ, đặc biệt đây là loại thực phẩm sạch hoàn toàn với sức khỏe con người. 

Ông Dược chia sẻ, hiện người chăn nuôi gia súc, gia cầm có xu hướng sử dụng các loại thức ăn công nghiệp có sẵn, đây là các loại thức ăn có pha trộn chất kích thích, thuốc tăng trưởng, thuốc kháng sinh. Con người sử dụng thực phẩm này vào cơ thể sẽ tích tụ lâu ngày ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặt khác, chăn nuôi theo phong tục tập quán cũ còn ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường do chất thải trong chăn nuôi không được xử lý vệ sinh. Vì vậy, các hộ dân tại 2 xã Trà Giang và Trà Dương hiện đã nắm được kỹ thuật bẫy bắt men vi sinh bản địa có tại gia đình để phối trộn vào thức ăn tăng lượng men vi sinh giúp cho gà tiêu hóa hết lượng thức ăn.

Khi gà sử dụng men vi sinh, phân thải ra ít mùi hôi do quá trình tiêu hóa con vật đã hấp thu hết chất dinh dưỡng. Đặc biệt, khi dùng men vi sinh vật có từ IMO3 này phun vào đệm lót thì không còn mùi hôi thối. Việc sử dụng các loại thức ăn sẵn có tại địa phương như rau, cám, bèo, cây chuối, cua ốc, các loại hạt, lúa, bắp để phối trộn thức ăn, đồng thời lên men thảo dược tỏi OHN để phòng trị bệnh cho gà thì ít phải dùng đến thuốc kháng sinh. 

Lợi ích từ thực tiễn 

Các hộ dân Nguyễn Đức Lợi (thôn Dương Đông, xã Trà Dương), Nguyễn Quảng Hiệp (thôn Dương Trung, Trà Dương), Cao Thị Màu (thôn 1, xã Trà Giang), Vũ Thế Việt (thôn 2, xã Trà Giang) không chỉ được hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chế biến thức ăn, chất dinh dưỡng cho vật nuôi mà còn được hỗ trợ mỗi hộ 300 con giống gà Ai Cập. Với mỗi mô hình, sau khi gà lớn, mỗi hộ dân được hướng dẫn tuyển lựa khoảng 150 - 170 con gà mái có đủ tiêu chuẩn làm gà đẻ trứng và 17 - 18 con gà trống để đập mái theo tỷ lệ 10 con mái/1 con trống để các hộ vừa bán trứng, vừa ấp ra gà để bán gà con trên địa bàn và duy trì mô hình. 

Ông Nguyễn Trọng Dược cho biết, nếu tính giá trị kinh tế trên đàn gà nuôi lấy thịt, 1.200 con gà/4 hộ, qua quá trình nuôi, tỷ lệ hao hụt chừng 10%, khi xuất chuồng còn hơn 1.000 con, với giá bán 250 nghìn đồng/con, người dân thu về hơn 270 triệu đồng; sau khi trừ chi phí vật liệu, công làm chuồng, chi phí thức ăn, nhân công, lợi nhuận đạt được hơn 60 triệu đồng/4 hộ. Về giá trị kinh tế trên đàn gà đẻ trứng, trong 1.200 con gà nuôi, giữ lại đẻ trứng chừng 600 con, bình quân mỗi ngày đàn gà đẻ chừng 350 trứng, với giá bán 4 nghìn đồng/trứng, mỗi ngày thu về 1,4 triệu đồng/4 hộ.

Theo ông Dược, đề tài thành công sẽ giúp người chăn nuôi thay đổi tập quán chăn nuôi quảng canh, ít chú trọng đầu tư kỹ thuật, giảm thiểu việc sử dụng thức ăn công nghiệp, chất kháng sinh trong chăn nuôi, cho sản phẩm an toàn, sạch bệnh, an toàn cho người tiêu dùng. Chăn nuôi gà theo hướng canh tác tự nhiên làm đệm lót bằng IMO3 không có mùi hôi, ít làm ảnh hưởng tới môi trường sống…

Ông Vũ Thế Việt (thôn 2, Trà Giang) chia sẻ: “Nhờ sử dụng men vi sinh cho vật nuôi ăn, vệ sinh chuồng trại mà khu vực chăn nuôi của tôi không nghe mùi hôi thối, ruồi nhặng, đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Chỉ cần chế biến 1 lần, có thể sử dụng trong 1 tháng rồi tiếp tục chế biến trở lại. Nếu áp dụng đúng theo công thức, tôi nhận thấy, hiệu quả từ chăn nuôi rất lớn, đỡ tốn kém chi phí, thức ăn, thuốc men phòng bệnh cho gà”.

Còn chị Phạm Thị Thơ (thôn 2, xã Trà Giang) chia sẻ, nhờ được tập huấn mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học do Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện tổ chức tại xã Trà Giang, chị có thể chế biến được những loại men vi sinh, thức ăn, can xi, nước trái cây len men vi sinh... phục vụ chăn nuôi. “Tôi đang dự định xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại trên cơ sở áp dụng những điều đã được tập huấn. Tôi sẽ tích cực phối hợp với trung tâm để được hỗ trợ kỹ thuật, phục vụ chăn nuôi bền vững” - chị Thơ nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO