Nuôi gà theo nhóm hộ

19/01/2016 09:34

Được sự hỗ trợ của Chương trình phát triển vùng huyện Nông Sơn (do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ), mô hình nhóm chăn nuôi gà được thành lập ở các xã Quế Lâm, Quế Phước, Quế Ninh (Nông Sơn) đang mở ra cơ hội phát triển chăn nuôi bền vững cho nông dân.Nhóm nuôi gà đầu tiên được thành lập ở thôn Phước Hội (xã Quế Lâm) với tên gọi “Nhóm gà ta bắp Sé”. Đến nay đã có thêm 2 nhóm chăn nuôi gà được thành lập ở xã Quế Phước và Quế Ninh. Mục đích của mô hình này là xây dựng các nhóm sản xuất nhằm tập hợp những hộ cùng giúp nhau trồng trọt, chăn nuôi, đề xuất ý tưởng, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao trình độ, năng lực và tăng thu nhập cho người dân. Cụ thể, Chương trình phát triển vùng huyện Nông Sơn hỗ trợ người dân thuộc các nhóm tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đồng thời hỗ trợ men làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà. Riêng “Nhóm gà ta bắp Sé” ở của thôn Phước Hội, chương trình đã hỗ trợ một máy ấp trứng trị giá 8,5 triệu đồng, trong đó người dân trong nhóm đóng góp 15%. Ông Lê Ngọc Tùng, cán bộ Chương trình phát triển vùng huyện Nông Sơn cho biết: “Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ đến khi các nhóm đã phát triển bền vững, kết nối được thị trường, sản phẩm có chất lượng đạt yêu cầu và tìm được đầu ra cho sản phẩm”.Lễ thành lập nhóm chăn nuôi gà tại xã Quế Ninh. Ảnh: T.LÊ“Nhóm gà ta bắp Sé” ở thôn Phước Hội, xã Quế Lâm được thành lập gồm 27 hộ thành viên. Họ là những hộ dân sống chung trong cộng đồng tham gia một cách tự nguyện, cùng sở thích chăn nuôi gà và có chung mối quan tâm về lợi ích phát triển kinh tế, hoạt động theo quy chế nhóm tự xây dựng, các thành viên tham gia đều có vai trò nhất định. Mỗi tháng, các thành viên trong nhóm tổ chức sinh hoạt, trao đổi về kiến thức và kỹ năng trong việc hạch toán kinh tế, lựa chọn cách thức sản xuất phù hợp với điều kiện nuôi gà của mỗi gia đình cũng như phát huy hiệu quả của nhóm trong việc hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Luyến, thành viên “Nhóm gà ta bắp Sé” cho biết: “Mỗi thành viên trong nhóm chúng tôi đều nuôi đàn gà từ 10 con trở lên. Qua sinh hoạt nhóm, mọi người nhận thấy hạn chế nhất trong chăn nuôi ở đây là bà con chậm nắm bắt thông tin thị trường nên dễ bị thương lái ép giá. Tham gia nhóm, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vật nuôi, nên đàn gà của mỗi gia đình phát triển rất tốt, ít bệnh tật. Ngoài ra, chúng tôi còn học hỏi được rất nhiều điều thú vị trong cuộc sống, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn”.Trong năm 2015, Chương trình phát triển vùng huyện Nông Sơn đã tổ chức khảo sát chuỗi giá trị bắp và gà trên địa bàn huyện. Dự kiến trong năm 2016, chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ thành lập 6 nhóm gà ở xã Quế Phước, Phước Ninh, Quế Trung, Quế Lộc và thành lập 2 nhóm sản xuất trồng bắp. Những nhóm sản xuất cùng sở thích này sẽ dần tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, thiếu tính tập thể, tính liên kết của người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ông Huỳnh Đức Dũng - Nhóm trưởng “Nhóm gà ta bắp Sé” được các thành viên bầu ra. Ông cùng một nhóm phó có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc mọi người trong nhóm sản xuất thực hiện các công việc theo nội dung đã đăng ký. Đồng thời huy động mọi người trong nhóm phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau từ khâu làm chuồng trại, chăn nuôi và phòng chống bệnh cho gà. Hàng tháng tổ trưởng sẽ tổng hợp kết quả thực hiện của nhóm để báo cáo tại mỗi cuộc họp. Ông Dũng cho biết, điểm quan trọng khi người dân tham gia các nhóm sản xuất là được tập huấn, tư vấn về kỹ thuật, đồng thời có cơ hội được trao đổi, tiếp nhận thông tin thị trường, giá cả cũng như tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Mục tiêu của “Nhóm gà ta bắp Sé” là sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, hạn chế rủi ro, nâng cao thu nhập.“Việc thành lập các nhóm sản xuất cùng sở thích tuy mới bắt đầu nhưng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Điều này không chỉ mang lại cái lợi về kinh tế trước mắt cho các hộ dân mà nó còn giúp người nông dân thay đổi nếp nghĩ từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa có quy mô lớn. Đồng thời người dân có thể tự nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt thông qua việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, nhất là khâu chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh” - ông Lưu Ngọc Chung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế  Lâm khẳng định.A.ĐÔNG – T.LÊ
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi gà theo nhóm hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO