Mô hình nuôi heo khá mới mẻ này đang được áp dụng tại một số địa phương trong tỉnh, với hình thức liên kết giữa các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi và người dân.
Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tư con giống, thức ăn, kỹ thuật còn nông dân đầu tư chuồng trại và bỏ công chăm sóc cho đàn heo. Lợi nhuận sẽ được hai bên thỏa thuận ký kết. Đó chính là hình thức liên kết nuôi heo gia công đang phát triển tại nhiều địa phương. Xã Phú Thọ (huyện Quế Sơn) hiện có 5 trang trại quy mô lớn đang triển khai mô hình liên kết nuôi heo gia công với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trang trại của chị Nguyễn Thị Trang là một trong những cơ sở chăn nuôi heo đầu tiên ở xã Phú Thọ thực hiện theo mô hình trên. Trang trại có diện tích 5.000m2 với tổng kinh phí khoảng 1,7 tỷ đồng, xây dựng theo mô hình khép kín có máy điện lạnh để luôn giữ nhiệt độ thích hợp cho đàn heo. Chị Trang cho biết, mô hình liên kết với Công ty TNHH Thái Việt Swine Line chuyên về thức ăn chăn nuôi gia súc. Việc sử dụng máy lạnh để nuôi heo hết sức mới mẻ với người nông dân, khá tốn kém và đòi hỏi các quy trình nghiêm ngặt về xây dựng chuồng trại, quy trình kỹ thuật chăm sóc, xử lý môi trường… Hiện tại, trang trại gia đình chị Trang đang thả nuôi 1.000 con heo sắp xuất chuồng, thời gian nuôi một lứa heo kéo dài trên 4 tháng. Với hình thức hợp tác này, khi đàn heo xuất chuồng, phía công ty chịu trách nhiệm thu mua và sẽ trả 4.200 đồng/kg hơi cho người chăn nuôi. Theo tính toán, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi lứa trang trại của chị Trang có thể thu về trên 300 triệu đồng.
Trang trại nuôi heo theo mô hình liên kết giữa công ty sản xuất thức ăn và người dân tại hộ chị Nguyễn Thị Trang (xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn). |
Theo ông Bùi Ngọc Duy - Giám đốc kỹ thuật của Công ty TNHH Thái Việt Swine Line, hiện nay công ty đang triển khai liên kết với 10 trang trại tại các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Tiên Phước, Thăng Bình. Hình thức liên kết chăn nuôi này mang lại lợi ích cho cả phía công ty và người chăn nuôi. Hiện nay, công ty có trại sản xuất heo giống, cung cấp hàng ngàn con giống ra thị trường. Công ty cũng thường xuyên cử cán bộ thú y cắm chốt tại các trang trại để hướng dẫn người dân chăm sóc và phòng chống dịch bệnh. Đối với đầu ra của sản phẩm heo thịt được công ty xuất trực tiếp tới các lò giết mổ tại Đà Nẵng và một số thành phố lớn khác. “Kế hoạch của công ty là trong vòng 3 năm tới khi số lượng liên kết với các trang trại chăn nuôi gia tăng, công ty sẽ xây dựng khu giết mổ riêng để phục vụ trực tiếp thị trường” – ông Duy nói.
Nông dân muốn hợp tác liên kết với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi theo mô hình gia công này phải ký hợp đồng với công ty đảm bảo đầu tư chuồng trại khép kín, thực hiện việc chăm sóc và quản lý theo tiêu chuẩn của công ty. Những khu vực trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn như trên đều được các địa phương bố trí quy hoạch tại các khu vực đồi núi thấp hoặc xa khu dân cư, cộng với quy mô khép kín nên hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh. Được biết, tại xã Phú Thọ, những trang trại ở đây mỗi vụ nuôi phải nộp 2.000 đồng/con heo phí xử lý môi trường cho xã. Ông Nguyễn Văn Bạn - Trưởng ban Kinh tế xã hội, Hội Nông dân tỉnh - cho biết, mấy năm trở lại đây nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã triển khai mô hình liên kết này trên địa bàn tỉnh, qua đó hình thành những vùng chăn nuôi heo tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa khép kín. Tuy nhiên để tham gia sự liên kết này đòi hỏi các hộ nông dân phải có tiềm lực kinh tế tốt vì vốn đầu tư ban đầu để xây dựng trang trại theo tiêu chuẩn là không nhỏ.
V.ANH – N.DƯƠNG