Nuôi nhân tạo chim yến tại Cù Lao Chàm

HOÀNG LIÊN 02/02/2023 06:45

Với đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật ấp trứng và nuôi nhân tạo chim yến tại đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam”, TS.Võ Tấn Phong và cộng sự đã góp phần vào công tác bảo tồn và phát triển đàn yến đảo Cù Lao Chàm.

Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật ấp trứng và nuôi nhân tạo chim yến tại đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam”. Ảnh: H.L
Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật ấp trứng và nuôi nhân tạo chim yến tại đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam”. Ảnh: H.L

Bảo tồn, phát triển đàn yến đảo

Theo TS.Võ Tấn Phong (Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm, TP.Hội An), chim yến tổ trắng tập trung nhiều nhất tại các hang đảo vùng biển các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và một số khu vực ven biển phía Nam…

Năm 2014, tổng sản lượng tổ yến thô đạt hơn 10 tấn, cho doanh thu khoảng 50 triệu USD, trong đó tổ yến thu được tại các hang đảo tự nhiên khoảng 5 tấn, còn lại là tổ yến trong nhà.

Tại Cù Lao Chàm và nhiều địa phương khác có chim yến đảo, nhiều năm nay thường thu hoạch tổ yến 2 lần/năm. Lần đầu tiên vào tháng 4 khi chim yến vừa đẻ trứng và lần thứ hai vào tháng 8 khi chim non vừa bay khỏi tổ.

Mỗi năm, khi khai thác tổ yến lần thứ nhất đã có hàng vạn trứng chim yến bị bỏ đi. Số trứng này nếu được ấp nở và nuôi nhân tạo thì sẽ có nhiều chim yến ra đời, trưởng thành để bổ sung, tái đàn.

Với đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật ấp trứng và nuôi nhân tạo chim yến tại đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam”, TS.Phong và cộng sự đã nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật ấp nở và nuôi nhân tạo chim yến non đến tuổi trưởng thành để tăng số lượng chim yến tại đảo Cù Lao Chàm. Qua đó, góp phần ổn định và từng bước phát triển đàn chim yến đảo trước đà suy giảm mạnh hiện nay.

TS.Phong cho biết, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình ấp nở và nuôi nhân tạo chim yến. Thực hiện các nội dung nghiên cứu, kỹ thuật nuôi trứng, ấp trứng, tập bay, thả bay tại đảo.

Đề tài cũng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dụng, nguồn thức ăn cho chim yến, có trang bị phòng ấp, máy ấp, máy sưởi, máy phun sương tạo ẩm, đảo trứng tự động, nuôi chim non mới nở...

Nhóm nghiên cứu đã chọn lựa hơn 2.000 trứng chim yến đạt chuẩn tại đảo để đưa về đất liền ấp nở. Sau khi chim nở, cho vào tổ giả, nuôi úm, điều kiện nhiệt ẩm nghiêm ngặt gần như trong máy ấp, quá trình nuôi úm kéo dài 11 - 12 ngày.

Sau 12 ngày, đưa chim lên giá để nuôi. Chim được 40 ngày tuổi, đưa vào lồng, nuôi tiếp tục trong các nhà tập bay; ngày thứ 50 chim được thả bay. Tỷ lệ chim sống sót từ khi nở ra nuôi đến khi bay là 89,3%...

Mở hướng nhân rộng

Ông Trần Phước Sỹ - Chủ tịch Hội Yến sào Quảng Đà cho biết, cần có nghiên cứu thêm về tính thực tiễn của đề tài khoa học, đặc biệt là sau quá trình thả bay về tự nhiên, phải theo dõi đàn yến trở về hang như thế nào. Trong tự nhiên, có tới 90% chim yến sau khi trưởng thành bay đi không trở lại hang.

Chim yến đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: H.L
Chim yến đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: H.L

Có những nhà yến dẫn dụ thu được 30 - 40kg/tháng, có khi hơn và sau 10 năm, sản lượng này sẽ giảm theo vòng đời, tuổi của chim yến. Vòng đời của chim yến từ 8 - 12 năm, tùy theo lượng thức ăn, khí hậu; yến già, yến con không trở lại nhà của nó trong khi yến mẹ chết đi nên sự suy giảm sản lượng là điều tất yếu.

“Chúng tôi mong muốn hợp tác với các đơn vị liên quan ứng dụng công nghệ nhân đàn chim yến tại một hang ở đảo Cù Lao Chàm, nếu thành công, sẽ nhân rộng. Đây là nhiệm vụ cấp thiết bởi yến sào Việt Nam chất lượng rất tốt song sản lượng yến đảo cứ giảm mãi qua từng năm” - ông Sỹ nói.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, thức ăn cho chim yến cũng là bài toán nan giải, cần giải pháp cho hiện tại, thậm chí cho 5 năm, 10 năm sau nữa. Thành phố sẽ sử dụng kinh phí để hỗ trợ các nghiên cứu thực tiễn, hỗ trợ nguồn thức ăn cho chim yến đảo.

Để đánh giá tỷ lệ chim yến quay trở lại hang, thành phố đã tính đến việc thử dùng sơn phản quang bôi lên cánh chim yến để quan sát, theo dõi sau khi thả ra, đánh giá mức độ thành công nhưng việc áp dụng biện pháp này rất khó thực hiện, kể cả việc gắn chíp lên chim yến.

Thời gian tới, thành phố sẽ triển khai ấp, nuôi ngay ngoài đảo, giảm tỷ lệ hao hụt. Lập đề án kiện toàn ban quản lý khai thác chim yến, có thể triển khai mô hình nuôi tại đảo, trước mắt sẽ nghiên cứu thử nghiệm một nhà trú đông ở đảo để đánh giá, rút kinh nghiệm.

Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, tỉnh đang chỉ đạo TP.Hội An quyết tâm xây dựng kế hoạch chung, chiến lược chung về quản lý và phát triển đàn yến đảo Cù Lao Chàm. Trong khuôn khổ đó, một đề tài khoa học thì không thể giải quyết hết các vấn đề cấp thiết đặt ra.

Thời gian tới, nếu TP.Hội An có sự phối hợp giữa các chuyên gia, nhà khoa học, những người rất tâm huyết với việc phát triển đàn chim yến, sẽ có những bước đi, tìm được giải pháp phù hợp để phát triển đàn chim yến đảo. Việc ấp trứng hiện nay triển khai trong đất liền mà không chọn ấp ngoài đảo do thiếu nhân lực, điều kiện ngoài đảo khắt nghiệt. Cần nghiên cứu kỹ thuật ấp nuôi nhân tạo chim yến trong các hang yến đảo...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi nhân tạo chim yến tại Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO