Nuôi thủy sản ở miền núi chờ khơi thông

VIỆT NGUYỄN 18/07/2023 06:15

Nuôi thủy sản ở vùng cao trong tỉnh đang gặp không ít trở ngại. Không dễ chuyển đổi cách thức nhỏ lẻ, manh mún sang hướng tập trung, sản xuất hàng hóa để khơi thông lợi thế mặt nước lớn, sạch ở các lòng hồ thủy điện, thủy lợi.

Miền núi Quảng Nam có lợi thế lớn để phát triển nuôi thủy sản nhưng chờ khai phá. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Miền núi Quảng Nam có lợi thế lớn để phát triển nuôi thủy sản nhưng chờ khai phá. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều cái khó

Không còn được đầu tư nuôi cá trong lồng bè ở lòng hồ Đá Vách (thôn 5, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước), các hộ dân bị ảnh hưởng sinh kế không ít.

Ông Trần Văn Toàn - hộ dân nuôi cá ở Đá Vách trước đây cho biết: “Trước đây nuôi cá điêu hồng ở lòng hồ mỗi năm tôi có nguồn thu nhập vài chục triệu đồng. Nay phải tìm mọi sinh kế để lo toan cuộc sống.

Tôi nghĩ Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tận dụng mặt nước lòng hồ để nuôi cá. Đằng này phải thuê hơn 40 triệu đồng/năm để nuôi cá nên chúng tôi không kham nổi, phải dừng lại”.

Công tác chỉ đạo, quản lý nuôi thủy sản ở miền núi còn nhiều hạn chế gây rào cản. Từ nguồn khuyến nông, khuyến ngư của Trung ương, tỉnh, đã hỗ trợ hàng triệu con cá giống, tập huấn kỹ thuật nuôi cho đồng bào miền núi xây dựng mô hình nuôi cá. Tuy nhiên các chương trình này chủ yếu hỗ trợ các hộ nuôi nhỏ lẻ và xong mô hình rồi… thôi, rất khó nhân rộng để phát triển sâu rộng.

Ông Nguyễn Phước Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh cho biết, đơn vị quản lý hồ Đá Vách là Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh (thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam) đặt ra mức giá hơn 40 triệu đồng tiền thuê mặt nước khi hộ dân có nhu cầu nuôi cá lồng bè ở lòng hồ.

Mức giá này khá cao nên người dân không thể thuê được mặt nước để nuôi cá. Tiềm năng mặt nước để nuôi cá bỏ ngỏ rất lãng phí.

Trong khi đó, kế sinh nhai của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ. Chính quyền xã đã có trao đổi với đơn vị quản lý lòng hồ Đá Vách mong tạo điều kiện để người dân được thả nuôi cá mà không tác động đến môi sinh ở lòng hồ như trước đây nhưng không mang lại kết quả.

Muôn kiểu khó trong nuôi thủy sản ở miền núi. Người dân nuôi cá ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) luôn phải trăn trở với bài toán đầu ra.

Ông Trần Văn Mạo - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Bắc Trà My cho biết, mô hình kinh tế tập thể là kỳ vọng lớn về ổn định đầu ra cho thủy sản nuôi của các hộ nuôi cá. Thế nhưng bán thủy sản thương phẩm sau thu hoạch vẫn bấp bênh. HTX thỏa thuận với tư thương để bán cá chứ không có hợp đồng mua bán.

Điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn diễn ra kéo theo lo lắng về thu nhập cho các nông hộ nuôi cá. Theo ông Mạo, HTX tìm cách kết nối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản mong bao tiêu thủy sản thương phẩm nhưng chưa đạt.

Trong khi đó, liên tiếp trong các năm qua, cá nuôi ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 chết hàng loạt do nhiều nguyên nhân như thời tiết thay đổi, môi trường nước bị biến động…

Bài toán quy mô lớn

Miền núi sở hữu nhiều lòng hồ thủy lợi, thủy điện như Việt An, Đắk Mi, Sông Bung, A Vương… là tiềm năng lớn để nuôi thủy sản. Thuận lợi về diện tích mặt nước lớn, môi trường nước trong sạch song việc phát triển nuôi thủy sản còn gặp nhiều trở ngại như thời tiết diễn biến bất thường khiến cho bệnh thủy sản phát sinh; quản lý chất lượng giống ở các địa phương khó kiểm soát; giám sát vùng nuôi, cảnh báo môi trường và dịch bệnh còn để ngỏ.

Ông Khương Đình Thương - cán bộ phụ trách của Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho rằng, để khơi thông lợi thế nuôi thủy sản ở miền núi, ngành nông nghiệp tỉnh cần tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể, dễ tiếp cận.

Về phía huyện, tham quan, nghiên cứu để thí điểm nuôi các loài thủy sản quý hiếm phù hợp với điều kiện tự nhiên, qua đó tạo sản phẩm mới hấp dẫn doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị thủy sản nuôi.

“Nếu có chính sách phù hợp, doanh nghiệp sẽ liên kết với người dân, HTX để sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhà nước cần hỗ trợ lãi suất vốn vay hay có chính sách ưu tiên cho vay vốn với lãi suất ưu đãi giúp người dân, HTX phát triển các mô hình nuôi thủy sản thương phẩm chất lượng cao” - ông Thương nói.

Không khó để nhận diện thực trạng nuôi thủy sản ở các địa phương vùng cao thời điểm này là quy mô nhỏ lẻ, chậm ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến. Để khơi thông tiềm năng lớn, nhất là phát triển nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa lớn, ngành nông nghiệp, các địa phương cần xây dựng quy hoạch bài bản, tổ chức lại sản xuất khoa học hơn, khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình nuôi đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, VietGAP.

Đặc biệt cần thu hút đầu tư lớn của doanh nghiệp, đảm bảo khâu chế biến sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và quảng bá, xúc tiến thương mại, nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của sản phẩm đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi thủy sản ở miền núi chờ khơi thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO