Nuôi thủy sản thân thiện với môi trường

VIỆT NGUYỄN 12/08/2022 12:23

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 911 phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản đến năm 2030; trong đó dự báo, đến năm 2030, nhu cầu tiêu thụ thủy sản nuôi của thị trường nội địa và xuất khẩu tăng 18%.

Ở các ao nuôi tôm của ông Tăng Văn Dũng đều có dụng cụ xi phông chuyển các chất cặn bã, thức ăn thừa về hầm biogas, làm sạch trước khi đưa ra môi trường. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ở các ao nuôi tôm của ông Tăng Văn Dũng đều có dụng cụ xi phông chuyển các chất cặn bã, thức ăn thừa về hầm biogas, làm sạch trước khi đưa ra môi trường. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Với nhu cầu tăng lên, cơ hội cho ngành thủy sản Quảng Nam và cả nước mở rộng hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng đi kèm với những rủi ro về sản xuất không bền vững, gây ra những hệ lụy ô nhiễm môi trường. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng quy mô nuôi thủy sản, thu được lợi nhuận lớn, đồng thời bảo vệ môi trường tốt hơn.

Hiệu quả của công nghệ mới

Mỗi năm, nông hộ trên địa bàn tỉnh nuôi thủy sản hơn 8.000ha, nuôi hơn 2.000ha tôm thương phẩm. Hoạt động trên chủ yếu diễn ra ở vùng triều ven sông, công trình nuôi tôm không có ao xử lý nước thải nên dễ gây ô nhiễm môi trường.

Ông Tăng Văn Dũng (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) cho rằng, để ổn định nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trong thời gian dài đầu tư đồng bộ, nhất là đưa công nghệ mới vào sản xuất. Với quỹ đất 2ha, để phục vụ nuôi tôm thương phẩm ở 5 ao, ông Dũng đầu tư 2 ao chứa lắng, 2 ao xử lý nước thải, 2 ao ương nuôi tôm giống.

Ở các ao nuôi đều có dụng cụ xi phông đáy, cứ đều đặn 2 - 3 giờ, các chất cặn bã, thức ăn thừa được chuyển về hầm biogas, làm sạch trước khi đưa ra môi trường bên ngoài. Ở 2 ao chứa lắng, ông Dũng xử lý nước biển dung hòa với nước ngọt bằng chlorine trước khi cho vào ao nuôi tôm thương phẩm, ao ương nuôi tôm giống.

Sau khi Quyết định 911 ban hành, Bộ NN&PTNT giao các tỉnh, thành phố quy hoạch sử dụng đất dành cho xử lý môi trường từ các hoạt động thủy sản; xây dựng các mô hình kiểm soát chất thải từ hoạt động thủy sản; chú trọng kiểm tra quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản.

Sau khi đầu tư công nghệ tuần hoàn, xử lý nước sạch, ông Dũng áp dụng quy trình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn. Tôm giống đã được kiểm định chất lượng được ông Dũng ương nuôi giai đoạn 1 hơn 1 tháng rồi chuyển sang nuôi thương phẩm. Ở vụ tôm vừa thu hoạch, ông Dũng đạt doanh thu 3 tỷ đồng.

“Tôi nuôi tôm thâm canh mật độ 200 con/m2. Nhờ khép kín với công nghệ mới nên tôm sinh trưởng, phát triển tốt, kích cỡ tôm lớn lại không gây ô nhiễm môi trường. Nhờ không sử dụng kháng sinh, đáp ứng các quy chuẩn an toàn thực phẩm nên tôm được giá” - ông Dũng nói.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, nuôi tôm quy mô bằng cách thâm canh, siêu thâm canh áp dụng công nghệ cao sẽ giúp nông dân, doanh nghiệp kiểm soát chu trình nuôi thông qua quản lý chặt các thông số môi trường nước.

Áp dụng công nghệ mới giúp chủ thể nuôi tôm chủ động trong sản xuất, giảm phụ thuộc vào thời tiết, giảm dịch bệnh, nâng cao được sản lượng, năng suất, chất lượng tôm nguyên liệu.

“Cái khó của nuôi tôm quy mô lớn là chi phí đầu tư cao, nông hộ cần vừa nuôi vừa tích lũy để tăng nguồn vốn, mở rộng sản xuất lớn hơn” - ông Long nói.

Mục tiêu bền vững

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu khằng định, nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh cần tạo đột phá theo hướng ứng dụng công nghệ cao đi đôi với bảo vệ môi trường để thu được giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích.

Người nuôi tôm có thể tận dụng các cơ chế khuyến khích của tỉnh như hỗ trợ phát triển nuôi tôm công nghệ cao; hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác; thúc đẩy phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại... để có thêm nguồn vốn đầu tư quy mô lớn.

Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ảnh: VIỆT NGUYỄN

“Rất mừng là nhờ sự vào cuộc của các ngành chức năng, địa phương, nghề nuôi tôm của tỉnh chuyển biến theo hướng phát triển bền vững, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hiệu quả cũng đã lan tỏa trong cộng đồng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.

Với Quyết định số 911, Thủ tưởng Chính phủ nhấn mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản cần được các tỉnh, thành phố nghiên cứu, áp dụng, nhân rộng. Cả nước phấn đấu đến năm 2030 kiểm soát được ô nhiễm từ các hoạt động thủy sản; chấm dứt sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương ven biển một mặt cần đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ về giống, nuôi trồng thủy sản, thú y phòng bệnh và bảo quản sau thu hoạch; mặt khác, cần cơ cấu lại nghề nuôi thủy sản theo hướng “xanh hóa” để thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi thủy sản thân thiện với môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO