Trong bối cảnh dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ thường xuyên xảy ra thì việc áp dụng các giải pháp nuôi tôm an toàn sinh học là hướng đi phù hợp để phát triển bền vững.
Cần thay đổi
Nuôi tôm nước lợ đang bước vào vụ 2 nhưng phần lớn cánh đồng nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều lại tiêu điều. Theo Sở NN&PTNT, chưa có thống kê cụ thể về số diện tích nuôi tôm nước lợ bị hoang hóa vì nuôi quảng canh, vụ này nông hộ bỏ trống ao nuôi nhưng ở vụ khác thì lại đầu tư sản xuất.
Ở thôn Phương Tân (xã Bình Nam, Thăng Bình), hộ ông Trần Thế Cảnh nuôi tôm thẻ chân trắng trên 4 ao nuôi có tổng diện tích 800m2. Điều đáng nói là ở cả 4 vụ nuôi trong năm 2019 và năm 2020 này, tôm nuôi của ông Cảnh đều chết hàng loạt, thua lỗ. Ông Cảnh nói, môi trường nước quanh khu vực sông Trường Giang chảy qua địa bàn quá ô nhiễm, cải tạo kiểu gì thì nước trong ao nuôi cũng không sạch, bệnh phát sinh, tấn công khiến tôm nuôi bị chết đột ngột.
Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, đáng báo động là trong quá trình nuôi tôm, nông hộ không xử lý chất thải mà xả thẳng ra môi trường bên ngoài. Chất bẩn cộng với biến đổi thời tiết khiến chất lượng nguồn nước suy giảm mạnh. Nhiều nơi, nguồn nước nuôi tôm bị biến động, nhiễm mặn nghiêm trọng...
“Chỉ riêng những độc tố phát sinh ra trong ao nuôi tôm do nông hộ dùng hóa chất khiến tôm nuôi còi cọc, bị bệnh. Khi tôm bị bệnh, việc nông hộ sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh trong thời gian dài làm tăng mức độ kháng thuốc của vi khuẩn có trong hệ tiêu hóa tôm nuôi. Khi sức đề kháng của tôm không còn, tất yếu sẽ chết” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm nói.
Theo Sở NN&PTNT, đã đến lúc nông hộ nuôi tôm cần thay đổi, tiếp cận theo hướng an toàn sinh học. Hệ thống này gồm nhiều quy trình, trước hết, sử dụng tôm giống có chất lượng tốt, được kiểm dịch. Trước khi nuôi tôm, ao nuôi cần được cải tạo kỹ càng. Trong quá trình nuôi tôm, nông hộ cần hạn chế tốt nhất các yếu tố có thể gây bệnh cho tôm. Thay nước trong ao được nông hộ xem là giải pháp đơn giản nhất để hạn chế sự cố. Tuy nhiên, việc để nước ra vô hệ thống liên tục, thiếu kiểm soát chặt chẽ tiềm ẩn nhiều khả năng lây nhiễm mầm bệnh. Giảm thiểu nước ra vào hệ thống nuôi là biện pháp chính để hạn chế sự xâm nhập của các mầm bệnh. Điều này giúp chất lượng nước lưu thông trong ao nuôi được ổn định, giảm áp lực lên sức khỏe của tôm nuôi.
Đồng bộ giải pháp
Ở các khu vực nuôi tôm quy mô lớn theo hướng công nghiệp trên địa bàn tỉnh, bất cứ ai cũng phải rửa tay chân bằng dung dịch sát khuẩn, sử dụng trang phục bảo hộ mới được vào các ao nuôi tôm.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh - phụ trách kỹ thuật của Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ (nuôi tôm ở thôn Kỳ Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) cho biết, sau khi kiểm định chất lượng tôm giống tốt, công đoạn theo dõi bệnh là một phần thiết yếu của chương trình nuôi tôm an toàn sinh học. Thức ăn dùng cho tôm nuôi phải sạch và tươi. Xử lý và lưu trữ thức ăn đúng cách sẽ làm giảm loại thức ăn mang mầm bệnh cho tôm nuôi. Nếu không may trong ao nuôi có tôm chết phải chôn cẩn thận để giảm nguy cơ phát sinh bệnh cho đàn tôm nuôi. Để các yếu tố trên phát huy hiệu quả, nhất thiết người nuôi tôm phải thiết kế, bố trí hệ thống các ao nuôi tôm liên hoàn, khoa học, tuân thủ chặt chẽ các quy định kiểm dịch cho tôm nuôi.
“Tuân thủ các nguyên tắc về an toàn sinh học và quản lý tốt nuôi tôm sẽ ngăn chặn được nhiều loại bệnh, khống chế dịch bệnh bùng phát, phá hoại tôm nuôi” - ông Vĩnh nói.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để nuôi tôm an toàn sinh học hiệu quả, nông hộ cần áp dụng các chế phẩm sinh học (CPSH) được làm từ chuối, ổi, sả... Ngoài tác dụng đối với con tôm, CPSH còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm khi xuất khẩu. CPSH có 2 nhóm chính là dùng để xử lý nước ao nuôi và hỗ trợ hệ tiêu hóa cho tôm. CPSH được sử dụng theo nhiều cách, đưa vào cơ thể tôm qua đường thức ăn hoặc bổ sung trực tiếp vào ao nuôi để tăng cường phân hủy sinh học, tạo môi trường thân thiện, tăng khả năng sống cho tôm...
“CPSH có kết quả tốt và đạt kỳ vọng khi ao nuôi được quản lý tốt và dùng các chủng vi sinh vật đã thông qua chọn lọc kỹ lưỡng, phù hợp với môi trường nuôi tôm” - ông Ngô Tấn nói.