Lần đầu tiên tại Quảng Nam, mô hình nuôi tôm công nghệ cao được triển khai thành công, bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Ông Trần Công Thành bên hệ thống lắng, lọc nước nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: V.N |
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Trần Công Thành (TP.Tam Kỳ) đầu tư ở thôn Hòa An, xã Tam Hòa, Núi Thành. Ông Thành kể, sau chuyến tham gia cùng đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sang Thái Lan giao lưu với các doanh nhân thành đạt người Việt đang hoạt động ở nước này hồi cuối năm 2017, ông đã được tham quan nhiều mô hình nuôi tôm khép kín, khoa học. Sau đó ông Thành quyết định nâng cấp mô hình nuôi tôm vốn đã theo đuổi hàng chục năm qua.
Khi bắt tay vào thực hiện, ông Thành mua tôm giống chất lượng tốt của thương hiệu C.P về ương nuôi trong vòng 20 ngày ở nhà ương tôm giống được đầu tư trên diện tích 1.000m2 rồi mở van cho tôm giống vào ao nuôi thương phẩm, thúc cho nó sinh trưởng tốt, nhanh. “Điểm nổi bật là qua học hỏi, tôi xây dựng và lắp ráp nhiều bể tròn di dộng ương nuôi tôm giống, gắn van vào và mở van khi cần để tôm tự động theo dòng chảy vào ao nuôi thương phẩm, chứ không dùng lưới vây bắt như trước” - ông Thành cho biết. Hệ thống xử lý nước trước khi cho vào ao nuôi tôm thương phẩm cũng đã được ông Thành kiện toàn lại. Cách đầu tư là ông Thành bố trí hệ thống xử lý nước bước 1 bằng thuốc tím và Chlorin thông qua 1 dãy kênh gồm 8 bậc lắng lọc nước trong phạm vi 4m chiều ngang, 80m chiều dài. Nước sau khi được lắng lọc sẽ chảy qua 1 ao lắng bước 2 có diện tích 4.000m2 và tiếp tục được lắng lọc bằng các men vi sinh. Sau đó, nước chảy vào ao chứa có diện tích 5.000m2 để phân bổ vào 20 ao nuôi tôm có tổng diện tích 4ha. “Quá trình lắng lọc, xử lý nước được thực hiện liên tục để đảm bảo đủ nguồn nước cấp vào ao nuôi vừa khống chế các yếu tố xấu có thể ảnh hưởng đến nguồn nước” - ông Thành nói.
Theo Sở NN&PTNT, nuôi tôm công nghệ cao không dễ triển khai vì có rất nhiều khó khăn như nguồn vốn, nhân lực, cách tổ chức sản xuất, thị trường đầu ra, quỹ đất, tiếp cận khoa học - công nghệ không dễ bị phá vỡ trong ngày một ngày hai. Riêng về vốn, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp và nông thôn được áp dụng tại Quảng Nam thông qua Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ áp dụng cho nuôi tôm gặp rất nhiều vướng mắc, ngân hàng không dám cho vay… |
Sau khi đảm bảo tôm giống chất lượng được nuôi trong môi trường nước được thanh lọc sạch, ông Thành bố trí nuôi tôm thâm canh với mật độ 250 - 300 con/m2. Để đảm bảo tôm sinh trưởng tốt trong điều kiện dày đặc, ông Thành bố trí 4 dàn sục khí bề mặt và 8 máy chạy oxy tầng đáy, cho tôm ăn điều độ 3 lần/ngày. Đặc biệt, ông Thành dùng men vi sinh được sản xuất từ Thái Lan có tác dụng kiểm soát tảo, xử lý bùn đáy, xử lý khúc đường ruột, xử lý hiện tượng phân lỏng, ngăn ngừa các bệnh phân trắng, gan tụy, EMS. Ngoài ra, trong toàn bộ hệ thống nuôi tôm, ông Thành bố trí lưới che trên bề mặt để đảm bảo tôm không bị các loại chim, cò mang mầm bệnh từ nơi khác đến. “Toàn bộ quá trình nuôi tôm của tôi là khép kín, tôm phát triển nhanh, đạt kích cỡ 40 - 50 con/kg thì tôi thu hoạch và bán cho C.P theo hợp đồng đã ký. Ở mỗi ao nuôi, tôi thu hoạch được 10 tấn tôm thương phẩm. Hệ thống xử lý nước thải trên diện tích 5.000m2 cũng đã hoạt động tốt, không tác động xấu đến môi trường” - ông Thành cho biết.
Được biết, vốn đầu tư cho mô hình nuôi tôm của ông Thành khá lớn, riêng chi phí xây dựng nhà ương và hệ thống bể lắng khoảng 1 tỷ đồng. Vì vậy, việc nhân rộng mô hình này không hề dễ dàng. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh mới chỉ có lẻ tẻ vài mô hình nuôi tôm thâm canh chứ chưa có mô hình nuôi tôm công nghệ cao nổi bật như ông Thành. “Cái khó lớn nhất là đầu tư vốn quá lớn, ngay cả doanh nghiệp nhiều khi cũng không kham nổi”.
VIỆT NGUYỄN