Nghề nuôi tôm nước lợ ở Quảng Nam ngoài số ít mô hình ứng dụng công nghệ cao, còn chủ yếu tự phát theo kiểu mạnh ai nấy làm. Các nông hộ thiếu liên kết với doanh nghiệp, không mặn mà phối hợp, khi tôm chết lại xả thải ra môi trường... nên thường xảy ra hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt. Để phát triển nghề nuôi tôm bền vững, trước hết cộng đồng nuôi tôm cần nâng cao trách nhiệm và cải thiện hạ tầng, công nghệ.
Hệ lụy của nuôi tôm được chăng hay chớ ở Quảng Nam là thất bát kéo dài lại ô nhiễm môi trường; trong khi đó, sự liên kết của nông hộ hiện nay trong quá trình thả nuôi rất lỏng lẻo.
Thiếu tổ cộng đồng
Nhiều cánh đồng tôm xơ xác từ đầu vụ 1 đến nay. Ở các khu vực Duy Vinh, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Cẩm Thanh (Hội An), Bình Sa, Bình Hải, Bình Nam (Thăng Bình), Tam Thăng, Tam Phú (Tam Kỳ), Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành), các ao nuôi tôm đục ngầu nước, váng, bọt, bèo trôi nổi. Có những khu vực nuôi tôm bị bỏ hoang đã nhiều vụ.
Các chỉ tiêu môi trường nước không đảm bảo
Nuôi tôm nước lợ ở Quảng Nam phát triển mạnh ở vùng triều ven sông (hơn 3.000ha). Các hộ nuôi tôm lấy nước sông trực tiếp vào ao nuôi. Nguồn nước sông ô nhiễm là nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh trên tôm.
Phân tích kết quả các mẫu nước sông, môi trường ao nuôi tại các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh của ngành chức năng cho thấy, nhiều thời điểm các chỉ tiêu pH, độ trong, kiềm, COD, hàm lượng NH4, tảo... vượt ngưỡng cho phép.
Đối với các ao nuôi tôm, các chỉ tiêu nhiệt độ, pH, độ trong, độ kiềm, COD, H2S, chất rắn lơ lửng tại nhiều thời điểm cao hơn giới hạn cho phép. Môi trường nước biến động đòi hỏi người nuôi tôm phải thích ứng, xử lý phù hợp và tăng vitamin, chất khoáng, chất bổ để đảm bảo tôm nuôi sinh trưởng, phát triển.
Ông Trương Văn Vượng (thôn Phương Tân, xã Bình Nam) - hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở 3 ao có tổng diện tích 3.000m2 nói: “Nuôi tôm như đánh bạc với trời. Vụ được thì ít, vụ thua thì nhiều. Cầm cự nuôi tôm đã mệt, muốn chuyển sinh kế nhưng không dễ”.
Còn ông Trần Quý, nuôi tôm ở thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh) cho biết: “Nước sông Trường Giang ô nhiễm nghiêm trọng lắm. Dù xử lý nhiều cách nhưng môi trường nước không đảm bảo nên tôm còi cọc, nhiễm bệnh rồi chết. Có khi vớt vát được chút ít chứ nhiều khi mất trắng vì tôm nuôi còn nhỏ đã bị bệnh”.
Khi tôm chết, nhiều hộ xả thải ra bên ngoài mà không qua xử lý. Ông Phạm Văn Quốc - Chủ tịch UBND xã Bình Nam nói, xã có hàng trăm héc ta nuôi tôm nhưng thực chất người dân chỉ canh tác 1/3. Nguyên nhân là nghề nuôi tôm tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân cần xử lý nước thải trước khi cho ra môi trường bên ngoài nhưng rất khó thực hiện, thậm chí người dân xả thải thời điểm 2 - 3 giờ sáng, không ai biết.
Ông Trần Quảng Nam - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho biết, trước đây triển khai đề án nuôi tôm bền vững, có thành lập các tổ nuôi tôm cộng đồng ở các địa phương nhưng khi đề án khép lại thì các tổ cộng đồng cũng tan rã. Không có tổ cộng đồng nuôi tôm tự quản lý, kiểm soát, nhắc nhở lẫn nhau nên tình trạng xả thải vô tội vạ ra môi trường vẫn… duy trì đến nay.
Còn ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản nói: “Người dân xả thải chưa qua xử lý lúc rạng sáng rất khó biết để phát hiện, xử phạt. Đến nay dù có chế tài nhưng chưa thể áp dụng xử phạt khi hộ nuôi tôm xả thải chưa qua xử lý”.
Nhiều hệ lụy
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều nông hộ nuôi tôm ở vườn nhà cũng tự tiện xả nước thải mà không qua xử lý. Nhiễm mặn nguồn nước là thực tế đã xảy ra ở nhiều địa phương như Bình Hải, Tam Tiến, Tam Hòa...
Ông Nguyễn Xuân Luận - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, nuôi tôm bằng cách lót bạt trong vườn nhà là trái phép vì sử dụng đất sai mục đích. Các khu vực nuôi tôm lại không nằm trong vùng quy hoạch, gây biến động nguồn nước khiến sinh hoạt của người dân gặp khó khăn.
Tuy nhiên, rất khó bắt buộc người dân phải dừng nuôi tôm trong vườn nhà vì là sinh kế chính của họ. Chính quyền địa phương cũng tuyên truyền cộng đồng nuôi tôm đầu tư ao xử lý nước thải trước khi cho ra môi trường bên ngoài nhưng vì nguồn lực hạn chế nên người dân không thực hiện.
“Ngoài tác hại xã hội, môi trường, tác hại về kinh tế cũng rất rõ rệt. Người dân không đầu tư ao chứa lắng xử lý nguồn nước nên một khi nguồn nước đã ô nhiễm rồi thì nuôi tôm dễ xảy ra bệnh và lây lan thành dịch, thất bát gây thua lỗ” - ông Luận nói.
Theo các hộ nuôi tôm ở vùng triều, ô nhiễm sông Trường Giang nghiêm trọng là do xả thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó có chính người nuôi tôm xả thải chưa qua xử lý.
“Trường Giang ngày càng thêm nhiễm bẩn trong khi chúng tôi quỹ đất eo hẹp không thể đầu tư ao xử lý nước, vì vậy tôm nuôi cứ nhiễm bệnh rồi chết. Chỉ khi nào sông Trường Giang được khơi thông dòng chảy và làm sạch thì nuôi tôm ở vùng triều mới có thể khởi sắc” - ông Hứa Văn Lượng - hộ nuôi tôm ở thôn Kim Đới (Tam Thăng, Tam Kỳ) nói.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trước đây với mô hình tổ cộng đồng nuôi tôm nước lợ, các hộ dân trong cùng vùng nuôi chia sẻ kỹ thuật nuôi tiên tiến, cùng nhau cải tạo ao nuôi, làm sạch nguồn nước, cùng mua tôm giống, thức ăn cho tôm và quản lý môi trường nước ao nuôi. Nguyên nhân các tổ nuôi tôm cộng đồng tan rã là thiếu quy chế hoạt động nhất quán.
Ngành thủy sản cần phối hợp với các địa phương ven biển vận động các nông hộ cùng khu vực phối hợp chặt chẽ với nhau để thành lập lại các tổ cộng đồng nuôi tôm, duy trì hoạt động, tạo bước phát triển cho nghề nuôi tôm theo hướng bền vững. Người nuôi tôm cần phối hợp với nhau và liên kết với các doanh nghiệp để giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất và ổn định đầu ra sản phẩm.
------------------
Bài cuối: Khuyến khích liên kết đầu tư