Xóa tình trạng nuôi tôm riêng lẻ; thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; doanh nghiệp dẫn dắt nghề nuôi tôm thông qua chuỗi liên kết... là các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững nghề nuôi tôm.
Phối hợp nuôi tôm
Ông Phan Thanh Chắt (thôn Tân Lộc Ngọc, Tam Tiến, Núi Thành) cho rằng, đặc thù của nghề nuôi tôm nước lợ là cần vốn đầu tư lớn, một nông hộ không đủ tiềm lực thì hợp tác với nhiều người khác theo kiểu “chụm lại” để tăng quy mô sản xuất, kiểm soát dịch bệnh.
Ông Chắt cùng với các hộ khác là Hồ Ngọc Chi, Phan Thanh Thạch, Phan Thị Thanh Thủy góp vốn, góp đất đai thành lập Tổ hợp tác (THT) Tân Lộc Ngọc để nuôi tôm thẻ chân trắng trên 2ha. THT đã phân bổ quỹ đất thành 1 ao ương nuôi tôm giống, 1 ao xử lý nước thải, 1 ao chứa lắng, 7 ao nuôi tôm thương phẩm.
Tôm giống đã được kiểm dịch, chứng thực chất lượng được THT mua về ương nuôi trong quãng 1 tháng rồi nuôi thương phẩm. Công đoạn xử lý được THT chú trọng lắng lọc bằng chlorin rồi mới đưa vào ao nuôi để tôm sinh trưởng, phát triển tốt.
Thu hút nguồn lực, đầu tư hạ tầng các vùng nuôi tôm
Theo phương án sắp xếp nuôi trồng thủy sản vùng Đông Quảng Nam đến năm 2030, UBND tỉnh giao các địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và mặt nước cho người dân nuôi tôm lâu dài, ổn định.
Theo đó, ở mỗi vùng, cần chỉnh trang, sắp xếp lại và đầu tư các điều kiện hạ tầng. Về cơ chế, tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến khuyến khích nuôi tôm, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết.
Chủ trương của tỉnh là phát triển nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất.
Ngân sách tỉnh sẽ tập trung đầu tư cho các hạng mục hạ tầng gồm hệ thống thủy lợi đầu mối, đê bao, kè, kênh cấp, kênh tiêu nước, trạm bơm; đường giao thông; hệ thống cung cấp điện; khu xử lý nước thải.
Vốn ngân sách cũng sẽ hỗ trợ nuôi tôm VietGAP, cấp chứng chỉ VietGAP, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm nuôi.
Quá trình nuôi tôm của THT khép kín từ xử lý nước, đảm bảo ổn định môi trường nuôi tôm, xử lý nước trước khi thải ra bên ngoài. Tôm nuôi được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tránh mầm bệnh xâm nhập.
Đặc biệt là kỹ thuật nuôi tôm tiên tiến được áp dụng, không dùng kháng sinh, hóa chất, thường xuyên bổ sung khoáng chất, vitamin để tăng sức đề kháng giúp tôm phát triển ổn định và đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm. Trong 2 vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 vừa qua, THT Tân Lộc Ngọc có doanh thu hàng tỷ đồng, mỗi hộ được chia lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
“THT thành lập từ năm 2021 đến nay hoạt động hiệu quả. Chúng tôi sẽ duy trì ổn định mô hình nuôi tôm này” - ông Chắt nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Luận - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, trên địa bàn mới chỉ có THT nuôi tôm Tân Lộc Ngọc hình thành, hoạt động hiệu quả. Thời gian đến, UBND xã khuyến khích nông hộ liên kết sản xuất.
“Nhân rộng mô hình nuôi tôm THT, hợp tác xã là hướng đi khả quan bởi giải quyết được nhiều tồn tại lâu nay về kiểm soát chất lượng tôm giống, nguồn nước, xả thải và chất lượng tôm thương phẩm sau khi thu hoạch” - ông Luận nói.
Trên địa bàn tỉnh, nuôi tôm bằng mô hình kinh tế tập thể đã manh nha hình thành ở các địa phương trọng điểm như Thăng Bình, Duy Xuyên… Các THT nuôi tôm hoạt động theo quy chế là trước mỗi vụ nuôi, tất cả thành viên họp để thống nhất thời điểm thả giống trên cơ sở lịch thời vụ do Sở NN&PTNT ban hành.
THT duy trì quy định về việc mua tôm giống. Giống tôm thẻ chân trắng phải được mua của các doanh nghiệp uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Tôm giống phải được kiểm nghiệm, xét nghiệm, nói không với “tôm chợ” để đảm bảo chất lượng. Trong quá trình nuôi tôm, nếu tôm bị bệnh, THT chung tay, hỗ trợ khắc phục, ngăn chặn lây nhiễm qua các ao khác cũng như môi trường chung quanh...
Để doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, để tránh xảy ra tình trạng “tự bơi” của nông hộ nuôi tôm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
Ở nhiều khu vực nuôi tôm tập trung an toàn dịch bệnh đã hình thành, Nhà nước đầu tư điện, đường, thủy lợi để tiếp sức nông hộ nuôi tôm, tránh phân tán, manh mún. Cơ chế hỗ trợ nuôi tôm VietGAP cũng khuyến khích người dân nuôi tôm sạch, an toàn.
Để phát triển mạnh mẽ nghề nuôi tôm theo định hướng phát triển bền vững, các nông hộ cần phối hợp thành lập THT, HTX để liên kết với doanh nghiệp chung sức nuôi tôm. Theo đó, THT, HTX sẽ nhận tôm giống chất lượng, áp dụng quy trình nuôi sạch và được bao tiêu tôm thương phẩm sau khi thu hoạch.
Điểm nghẽn lớn nhất nghề nuôi tôm Quảng Nam là sản xuất nhỏ lẻ, khi sản xuất chưa đủ lớn thì không thể truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới chưa thể nâng cao giá trị con tôm do không được chứng nhận quốc tế, không có giấy thông hành vào thị trường xuất khẩu, nhất là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Quảng Nam đang thu hút đầu tư để doanh nghiệp lớn dẫn dắt nghề nuôi tôm. Doanh nghiệp với tiềm lực kinh tế mạnh sẽ chế biến tôm thương phẩm, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn.
Nông dân qua tích tụ, tập trung ruộng đất có thể tiếp cận cơ chế của tỉnh để thành lập doanh nghiệp hoặc liên kết với doanh nghiệp lớn để nuôi tôm bền vững. Người nuôi tôm có thể góp đất, tập trung đất đai, liên kết nuôi tôm với các quy chuẩn sạch.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, thực tế tích tụ tập trung ruộng đất trên địa bàn tỉnh để sản xuất lúa, các loại cây trồng khác đã xuất hiện vướng mắc. Bởi vậy, điều cần bắt tay ngay là đề xuất các bộ, ngành tham mưu Chính phủ sửa đổi Luật HTX, Luật Đất đai cũng như ban hành nghị định riêng khuyến khích, thúc đẩy phát triển HTX nông nghiệp nói chung, HTX nuôi tôm nói riêng.