Nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh vẫn hết sức nhỏ lẻ, sơ sài, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư.
Hạ tầng sơ sài khiến nghề nuôi tôm tại Quảng Nam thiếu bền vững. Ảnh: V.Q |
Manh mún, phân tán
Nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều ven sông hết sức phân tán. Các ao nuôi tôm nhỏ lẻ được người nuôi bơm nước trực tiếp từ sông Trường Giang vào hoặc hút nước ngầm tại chỗ để nuôi mà không qua ao chứa lắng để lọc sạch nguồn nước. Đi dọc sông Trường Giang đoạn kéo dài từ các xã Bình Sa, Bình Hải, Bình Nam của huyện Thăng Bình qua các xã Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Phú của TP.Tam Kỳ rồi đến các xã Tam Tiến, Tam Hòa của huyện Núi Thành, các ao nuôi tôm nối tiếp nhau nhưng rời rạc về hạ tầng. Khu vực nuôi tôm này không có kênh cấp, kênh thoát nước, hệ thống thủy lợi không được đầu tư khiến cho bệnh trên tôm nuôi liên tục phát sinh gây hiện tượng tôm chết hàng loạt. Mạnh ai nấy nuôi, nuôi tôm không theo quy trình bài bản nên dễ thất bại. Nợ do thua lỗ từ vụ trước kéo dài sang vụ sau, gối đầu lên nhau đã khiến cho người nuôi tôm rơi vào tình trạng... đánh bạc với nghề. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, trong những năm qua, bệnh trên tôm nuôi xảy ra, diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi. Các bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPNS), bệnh do virus đốm trắng (WSSV) làm tôm chết rất nhanh nhưng chưa có giải pháp kiểm soát triệt để.
Do hạ tầng các khu vực nuôi tôm chưa được kiện toàn nên người nuôi tôm không thể kiểm soát được các chất gây hại từ bên ngoài thẩm lậu vào ao nuôi tôm, khiến môi trường nước bị biến động - tác nhân chính gây nên bệnh khiến tôm nuôi chết hàng loạt. Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, 2 vùng nuôi tôm của tỉnh là vùng triều ven sông và nuôi tôm trên cát tại Quảng Nam rất khó bền vững vì chịu quá nhiều tác động xấu. Sông Trường Giang kéo dài qua nhiều huyện, thành phố, nuôi tôm có biên độ triều thấp, dòng chảy yếu nên nguồn nước ô nhiễm khiến tôm nuôi bị bệnh. Nước thải từ các nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được đánh giá cụ thể về mức độ ô nhiễm, nguồn thải đổ dồn vào sông Trường Giang. Các hộ nuôi tôm cho rằng nước thải từ các khu, cụm công nghiệp chảy ra sông, tràn vào ao nuôi khiến tôm chết vì bệnh. Ngành chức năng cho rằng, việc quản lý vật tư đầu vào chưa được chặt chẽ gồm giống, thức ăn bổ sung, thuốc thú y thủy sản vì các sản phẩm này mới chỉ được nhập về chứ trên địa bàn tỉnh chưa có. Riêng về tôm giống, mặc dù theo quy định tất cả tôm giống nhập vào tỉnh đều có giấy chứng nhận kiểm dịch, tuy nhiên việc kiểm tra đánh giá chất lượng con giống, nguồn gốc con giống chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Khó đầu tư lớn
Dừng nuôi tôm trên cát vào năm 2018 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, trong năm 2018 này sẽ siết chặt quản lý hoạt động nuôi tôm trên cát, nhất là các vùng quy hoạch tạm thời nuôi tôm trên cát hết thời hạn. Tỉnh thu hút doanh nghiệp, người dân nuôi tôm trên cát nói riêng, nuôi tôm thẻ chân trắng nói chung nhưng nhất quyết không đánh đổi bằng mọi giá và nhất định phải theo quy hoạch. “Vùng đông của tỉnh đang có nhiều dự án du lịch đầu tư, nhiều khu đất lại thuộc quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, lại có nhiều khu vực rừng phòng hộ tồn tại. Không thể tiếp tục chồng chéo các mục đích sử dụng đất tại đây” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói. |
Trong năm 2017, một dự án nuôi tôm siêu thâm canh được Công ty CP Ánh Dương đề xuất với UBND tỉnh cho phép đầu tư ở 2 xã Bình Nam và Bình Hải (Thăng Bình). Dự án dự kiến gồm 2 giai đoạn, trước mắt đầu tư trên tổng diện tích 118ha ở 2 thôn Kỳ Trân (Bình Hải) và Phương Tân (Bình Nam), sau đó mở rộng lên 250ha. Với vốn đầu tư 1,8 tỷ USD, giai đoạn 1 của dự án gồm 50 trại nuôi tôm, mỗi trại là 1 nhà kính với 9 ao nuôi có diện tích 1.000m2/ao. Doanh nghiệp dự kiến nuôi tôm với mật độ cao (250 con/m2), sau 105 ngày nuôi sẽ thu hoạch, dự kiến kích cỡ là 30 con/kg, năng suất trung bình đạt 100 tấn/ha, mỗi năm nuôi 3 - 4 vụ, đạt ít nhất là 300 tấn/ha/năm. Không chỉ nuôi tôm, Công ty CP Ánh Dương còn đề xuất với tỉnh đầu tư sản xuất tôm giống, sản xuất thức ăn nuôi tôm và khu chế biến tôm thương phẩm để xuất khẩu. Dự án “khủng”, quy mô lớn mang tầm vóc quốc gia cuối cùng đã không được triển khai dù UBND tỉnh đã “trải thảm” mời mọc doanh nghiệp với nhiều ưu đãi. Nguyên nhân là quỹ đất mà doanh nghiệp xin phép đầu tư chồng lấn với quỹ đất do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai quản lý, lại xen kẽ với đất rừng phòng hộ ven biển. “Tỉnh chỉ có thể cho doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm thâm canh ở 2 xã Bình Nam, Bình Hải và đầu tư sản xuất tôm giống ở Trung tâm Sản xuất và kiểm định giống thủy sản Quảng Nam (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình). Còn chế biến thức ăn nuôi tôm và chế biến tôm thương phẩm xuất khẩu thì có thể đầu tư ở Khu công nghiệp Tam Hiệp (Núi Thành) hoặc Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) vì hài hòa mục đích của doanh nghiệp và quy hoạch của tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói. Dự án thất bại vì doanh nghiệp chỉ muốn đầu tư chung 1 chỗ để giảm chi phí và dễ quản lý sản xuất theo chuỗi khép kín.
Một doanh nghiệp lớn khác do ông Trần Công Thành (TP.Tam Kỳ) làm chủ cũng xin tỉnh đầu tư thâm canh nuôi tôm kiêm ương giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 30ha ở thôn Long Thạnh (xã Tam Tiến, Núi Thành) cũng thất bại vì quỹ đất. Sau khi ông Thành hoàn tất hồ sơ, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh cho phép ông Thành đầu tư vì tính khả thi của dự án cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Tuy nhiên, do người dân trong vùng dự án phản đối dữ dội khi cho rằng nuôi tôm sẽ khiến nguồn nước bị mặn hóa nên dự án phải... thôi. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trên địa bàn tỉnh chưa có khu nuôi tôm công nghệ cao là rất đáng tiếc. Vì nuôi tôm tập trung, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao thành công sẽ mở ra lối đi mới, dần dần khắc phục thực trạng bấp bênh của nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
VIỆT QUANG