Vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm 2024 đã bắt đầu trên địa bàn Quảng Nam, nhiều nông dân đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho tôm nuôi.
Sôi động vụ mới
Ngay từ mùng 4 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều nông dân nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đã bắt tay cải tạo ao nuôi và sẵn sàng các điều kiện để thả giống nuôi tôm thẻ chân trắng.
Ông Nguyễn Văn Hồ (thôn Quý Thượng, xã Tam Phú, Tam Kỳ) cho biết, sau một năm sản xuất 2 vụ, nhiều chất thải, thức ăn dư thừa, mầm bệnh... tích tụ ở đáy ao. Nếu quá trình cải tạo ao nuôi không tốt sẽ “tạo môi trường” cho bệnh tấn công tôm nuôi.
“Sau khi hút hết chất bẩn, tôi phơi ao nhiều ngày. Sau đó từ nguồn nước sạch đã lắng lọc, tôi cho vào ao nuôi rồi thả giống đã kiểm dịch, kiểm soát chặt môi trường nước để tôm sinh trưởng tốt” - ông Hồ nói.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt ven biển hiện nay là 156ha (Núi Thành 100ha, Thăng Bình 56ha). Ở vùng triều ven sông, nông hộ đã thả nuôi 205ha (Duy Xuyên 20ha, Núi Thành 125ha, Tam Kỳ 10ha, Thăng Bình 50ha).
Trên tổng cộng 15 ao nuôi, ông Hồ bố trí đầy đủ các khu vực xử lý nước, ương nuôi tôm giống, cấy nuôi vi sinh vật có lợi để phục vụ nuôi tôm an toàn sinh học.
Ở mỗi ao nuôi có diện tích 700m2, ông Hồ thả nuôi 7 vạn giống tôm thẻ chân trắng. Điểm nhấn trong cách đầu tư của ông Hồ là bố trí hệ thống xi phông rất khoa học. Hệ thống này sẽ loại bỏ bùn đáy ao, chất thải, lượng thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi tôm...
Trước đây việc kiểm tra môi trường ao nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Quan sát bằng mắt, không có dụng cụ đo, nên độ chính xác không cao, tôm dễ bị bệnh. Hệ thống xi phông cùng các thiết bị giúp tôi nhận biết chính xác chất lượng nguồn nước, phát hiện sớm yếu tố nguy hại để xử lý triệt để giúp tôm lớn nhanh, mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn.
Ông Trần Quảng Nam - Trưởng phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, bấy lâu nay khó khăn nhất của nghề nuôi tôm nước lợ là phòng trừ dịch bệnh.
Trước vụ nuôi, ngành thủy sản phối hợp với các địa phương có nghề nuôi tôm tuyên truyền người nuôi xử lý vệ sinh ao nuôi hiệu quả, xử lý nước sạch trước khi cho vào ao nuôi và khuyến cáo chỉ nên thả nuôi tôm giống đã được kiểm định chất lượng.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chúng tôi sẽ liên tục lấy mẫu nước, mẫu tôm, phân tích để hướng dẫn nông dân có các giải pháp kỹ thuật phù hợp” - ông Nam nói.
Nỗ lực hạn chế dịch bệnh
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở vụ 1 nuôi tôm nước lợ này, không ít nông dân đã đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn sinh học.
Thay vì dùng kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm, người dân đã ưu tiên dùng các chế phẩm sinh học bán trên thị trường và các chế phẩm từ gừng, sả, chuối để giúp tôm cân bằng hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng, lớn nhanh.
Ông Trần Văn Hiếu - hộ nuôi tôm ở thôn An Trân (xã Bình Hải, Thăng Bình) cho biết, những năm trước, tôm nuôi hay bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy nên quyết tâm tìm giải pháp để nuôi tôm an toàn.
Theo ông Hiếu, chế phẩm sinh học hiện nay có nhiều loại, chi phí không nhiều nên người nuôi tôm có thể lựa chọn phù hợp. Cùng với áp dụng nuôi tôm an toàn sinh học, ông Hiếu đã liên kết với doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn nuôi tôm uy tín để liên kết sản xuất theo quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn. Do giảm khâu trung gian vừa nuôi tôm đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm nên ông Hiếu kỳ vọng vụ nuôi thành công.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, định hướng phát triển nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh là bền vững, tăng giá trị kinh tế thu được cho người dân.
Ngành nông nghiệp đã có hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm áp dụng các quy trình sản xuất hiệu quả như nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm VietGAP, nuôi tôm hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Quảng Nam khuyến khích phát triển nuôi tôm theo hướng liên kết chuỗi để giảm chi phí sản xuất và ổn định đầu ra hàng hóa.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho nuôi tôm vụ 1, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền thanh tra, kiểm tra các cơ sở, đại lý kinh doanh các loại vật tư phục vụ nuôi tôm nhằm hạn chế các loại thức ăn, hóa chất, thuốc thú y không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng không tốt đến tôm nuôi.
Ngành nông nghiệp khuyến khích người nuôi tôm hợp tác với nhau thành lập các tổ cộng đồng nuôi tôm để chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi, thúc đẩy nuôi tôm an toàn và có trách nhiệm bảo vệ môi trường.