Nuôi tôm thâm canh không bức hại môi trường

VIỆT NGUYỄN 02/03/2023 07:50

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành trên tôm nước lợ vụ 1 năm 2023, các mô hình nuôi tôm thâm canh không bức hại môi trường là điểm sáng. Quảng Nam khuyến khích cách đầu tư này, kỳ vọng lan tỏa để phát triển bền vững.

Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, ông Nguyễn Hồng Vân chú trọng chăm sóc để tôm sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, ông Nguyễn Hồng Vân chú trọng chăm sóc để tôm sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Đầu tư lớn

Sau nhiều trắc trở, ông Nguyễn Hồng Vân (thôn Phú Quý, xã Tam Phú, Tam Kỳ) học hỏi nuôi tôm thẻ chân trắng ở nhiều nơi và quyết định nuôi tôm thâm canh quy mô lớn. Trên 15.000m2, ông Vân đầu tư hầm biogas, 1 ao ương tôm giống, 1 ao xử lý nước thải, 1 ao lắng lọc nước và 5 ao nuôi tôm thương phẩm.

Tôm giống sau khi ương dưỡng trong vòng 1 tháng được ông Vân bố trí vào các ao nuôi thương phẩm để tránh hao hụt. Cách đầu tư của ông Vân là nuôi tôm thâm canh với mật độ cao (150 con giống/m2). Vì tôm nuôi cần lượng ô xy lớn nên ông bố trí nhiều máy sục khí cả tầng mặt và tầng đáy để tôm sinh trưởng tốt.

Định hướng nghề nuôi tôm nước lợ nói chung, nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng của Quảng Nam là phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đề ra các giải pháp là phát triển kết cấu hạ tầng nuôi tôm đồng bộ, phát triển, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực... Trong đó, khuyến khích người nông dân chú trọng áp dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tồn tại bấy lâu nay.

Theo ông Vân, để nuôi tôm tốt, ngoài điều kiện cần là con giống chất lượng tốt đã được kiểm dịch, phải có nguồn nước thật sạch cho tôm phát triển nhanh. Trong quỹ đất của mình, ông đầu tư nhiều máy hút nước ngầm rồi xử lý bằng Chlorin, thuốc tím ở ao lắng, xong mới cho vào ao nuôi thương phẩm.

Trong quá trình nuôi tôm, ông Vân không sử dụng kháng sinh mà chủ yếu dùng chế phẩm sinh học để khi thu hoạch tôm thương phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và không bức hại môi trường sinh thái.

Thả nuôi tôm thẻ chân trắng từ tháng 1, dự kiến đến cuối tháng 3 ông Vân sẽ đồng loạt thu hoạch xuất bán. Những ngày qua khi vớt tôm lên để quan sát, ông nhận thấy trọng lượng của tôm đã đạt khoảng 70 con/kg, dự kiến khi bán tôm đạt cỡ 45 con/kg.

“Nhờ quản lý chặt, kiểm soát quá trình nuôi tôm nên tôi rất tự tin với mô hình đầu tư. Tôm nuôi đang phát triển tốt, dự tính tôi sẽ thu hoạch tôm với năng suất 30 tấn/ha, rất đạt” - ông Vân nói.

Tại Núi Thành đã có nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh “đột phá” trong vụ 1 này. Tiêu biểu như cách đầu tư của ông Đào Duy Thế (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang), bà Trần Thị Luận (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải), ông Trần Quý Tuất (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa), Nguyễn Duy Hưng (thôn Diêm Trà, xã Tam Tiến).

Ông Hưng nuôi tôm mật độ cao (150 - 200 con tôm thẻ chân trắng/m2) với 3 vụ/năm. Trên diện tích hơn 1ha, ông Hưng bố trí 4 ao nuôi tôm thương phẩm, các ao xử lý nước, ao lắng lọc, hầm biogas. Ông dự tính sẽ đồng loạt thu hoạch tôm nuôi vào cuối tháng 3.

“Điểm nhấn trong cách đầu tư của tôi là tuần hoàn nước. Nước sau khi được xử lý sạch cho đi đến tất cả ao nuôi tôm rồi vận hành đến ao xử lý nước thải để cho ra ngoài. Bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ nghề nuôi tôm lâu dài” - ông Hưng nói.

Nông hộ đầu tư xi phông để dẫn chất bẩn trong ao nuôi tôm về hầm biogas xử lý trước khi cho ra môi trường bên ngoài. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nông hộ đầu tư xi phông để dẫn chất bẩn trong ao nuôi tôm về hầm biogas xử lý trước khi cho ra môi trường bên ngoài. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Khuyến khích nuôi tôm bền vững

Theo quan sát của chúng tôi, để hạn chế tình trạng nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường, nhiều nông hộ nuôi tôm thâm canh đã đầu tư xử lý chất thải trước khi cho ra bên ngoài.

Như cách làm của ông Trần Văn Thọ (thôn An Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình). Tại mỗi ao nuôi tôm, ông Thọ đều bố trí một xi phông gom chất bẩn, vỏ tôm, xác tôm… vào bể biogas rồi xử lý sạch. Qua xử lý, nước thải từ bể biogas chảy ra ngoài trong sạch, không có mùi hôi.

“Cái này đầu tư cũng nhẹ chi phí nhưng hiệu quả rất cao, tôm nuôi phát triển tốt và không xâm hại môi trường. Nước thải ra có màu xanh của tảo, nuôi cá rô phi sinh trưởng tốt” - ông Thọ nói.

Nuôi tôm thâm canh quy mô lớn luôn đòi hỏi phải có công nghệ mới, nhất là xử lý môi trường nước nuôi tôm.

Ông Nguyễn Văn Phường - cán bộ của Công ty C.P phụ trách tại Quảng Nam cho biết, công nghệ Semi-Biofloc đang là mấu chốt thành công trong các mô hình nuôi tôm thâm canh trên địa bàn tỉnh. Semi-Biofloc được hiểu là làm sạch, ổn định môi trường nước bằng vi tảo.

Khối Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn vừa giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho tôm nuôi vừa ức chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại, nhờ đó giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh do ô nhiễm môi trường nước, tránh tôm bị chết.

Điểm chung của công nghệ mới là phải kiện toàn về cơ sở vật chất và kỹ thuật (đầu tư đầy đủ điện, đường, xử lý nước sạch, nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn, quy trình kỹ thuật khép kín, nhất là sử dụng chế phẩm sinh học từ gừng, sả, chuối, riềng để “thúc” tôm nuôi phát triển tốt). Công nghệ này thân thiện với môi trường bởi xử lý tốt nguồn nước trước khi xả thải.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, con tôm thẻ chân trắng có giá trị kinh tế rất cao. Để thu lợi lớn, nông hộ cần nuôi tôm thâm canh không bức hại môi trường. UBND tỉnh khuyến khích và trợ giúp hướng đi vững chắc này bằng các cơ chế chính sách hỗ trợ nuôi tôm VietGAP, hỗ trợ hợp tác xã đầu tư nuôi tôm, hỗ trợ phát triển trang trại nuôi tôm…

Ngành thủy sản, ngành khuyến nông cần xây dựng quy trình kỹ thuật, tập huấn, hướng dẫn để nông dân áp dụng, từng bước lan tỏa, nhân rộng cách đầu tư bài bản, khoa học để thu được giá trị kinh tế lớn trên một đơn vị diện tích.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi tôm thâm canh không bức hại môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO