Nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã đảo Tam Hải: Xáo trộn môi trường biển

NGUYỄN THÀNH GIANG 14/02/2014 09:08

Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở các xã ven biển Núi Thành vài năm gần đây đã đem lại thu nhập không nhỏ cho một số hộ dân. Tuy nhiên, cũng gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường và cho chính đời sống của người dân ở xã đảo Tam Hải.

Đầu xuân, bà con ngư dân ở thôn Thuận An, xã Tam Hải, ai cũng phấn khởi về những chuyến đánh bắt tôm nhí cho thu nhập khá. Trong câu chuyện làm ăn, họ đều bức xúc về thực trạng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở địa bàn thôn Thuận An nói riêng và toàn xã Tam Hải nói chung. Bên cạnh thu nhập cao từ nghề này, những tác hại nó gây ra cũng làm không ít người ái ngại. Theo ông Huỳnh Đức Phú - người dân thôn Thuận An, vài năm nay, việc nuôi tôm thẻ chân trắng rộ lên cũng là lúc môi trường biển của Tam Hải bị xáo trộn nghiêm trọng. Đầu tiên có thể thấy là các hộ nuôi tôm chặt hết rừng dương, rừng dừa phòng hộ sát biển để làm hồ. Khi bờ biển không có lá chắn bảo vệ, cát rất dễ bị cuốn đi sau những đợt sóng lớn. Vì thế, chỉ vòng chưa tới 3 năm, sóng biển đã xâm thực vào bờ khoảng 200m. Kéo theo đó là khu vực sát bờ biển hình thành nhiều miệng vực sâu hơn 1m, điều trước đây hoàn toàn không có.

Nước biển ở thôn Thuận An đã ăn sâu vào bờ gần 200m khi rừng dương và dừa bị phá để nuôi tôm. Ảnh: N.T.G
Nước biển ở thôn Thuận An đã ăn sâu vào bờ gần 200m khi rừng dương và dừa bị phá để nuôi tôm. Ảnh: N.T.G

Bên cạnh đó, chất thải từ các hồ nuôi tôm thẻ chân trắng không xử lý, đổ thẳng ra biển, làm nước ở khu vực ven bờ bị ô nhiễm nặng nề. Một số người dân cho biết, biển Thuận An gần khu vực thắng cảnh Bàn Than vốn nổi tiếng là nước trong xanh, bây giờ do nước thải từ các hồ nuôi tôm thẻ chân trắng xả thẳng ra, khiến nước nơi đây đã chuyển sang màu vàng nhạt, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Có những điểm vốn lúc trước là nơi nghỉ ngơi, tắm mát của người dân cũng như là chốn vui chơi của trẻ con làng biển, nay đi qua ai cũng phải bịt mũi lại. Thêm nữa, hệ thống lưới điện quá tải do những người nuôi tôm thẻ chân trắng kéo ra hồ để chạy máy sục khí tạo oxy để nuôi tôm. Theo thống kê, toàn xã Tam Hải hiện tại có khoảng 200 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó có chừng 50 hộ đã tự túc được nguồn điện bằng máy nổ. Còn lại 150 hộ nuôi tôm kéo điện trực tiếp từ lưới điện dân sinh trên đảo để phục vụ cho hồ tôm nhà mình. Lưới điện ở xã đảo này vốn đã yếu, giờ lại càng yếu hơn và liên tục gặp sự cố.

Gần đây nhất, vào dịp Tết Giáp Ngọ, đường dây truyền tải điện qua thôn Thuận An đã cháy và đứt nghiêm trọng do quá tải. Sự việc không gây hậu quả đáng tiếc nhưng làm người dân hết sức hoang mang. Điều đáng nói là từ cuối năm 2013, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Núi Thành đã ra quyết định cấm các hộ dân kéo điện sinh hoạt gia đình ra các hồ nuôi tôm, nhưng không ít hộ vẫn bất chấp, làm càn. Những hệ lụy từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên xã đảo Tam Hải hiện nay đã  rõ ràng. Hơn lúc nào hết, người dân nơi đây rất mong các cơ quan chức năng ở huyện Núi Thành sớm chấn chỉnh việc nuôi tôm thẻ chân trắng gây sạt lở bờ biển, ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đường dây truyền tải điện vì sử dụng điện sai mục đích. Có như vậy, mới đem lại sự bình yên cho cuộc sống người dân nơi đây.

NGUYỄN THÀNH GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã đảo Tam Hải: Xáo trộn môi trường biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO