Chính quyền địa phương chưa thể xử lý “mạnh tay” đối với ao nuôi tôm TCT trên cát trái phép bởi có nhiều “cái khó”. Trong khi đó người nuôi không thể chờ “quy hoạch” bởi phải tranh thủ “chạy” theo con tôm.
Dù biết người dân mở rộng diện tích nuôi tôm TCT trên cát trái phép, tự phát nhưng chính quyền nhiều địa phương hiện vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều địa phương không thể “mạnh tay” xử lý bởi mô hình nuôi tôm TCT trên cát đang đem lại thu nhập cao cho người dân; nhiều địa phương quan niệm đây là kế mưu sinh “bất đắc dĩ” của người dân sau khi nghề nuôi tôm nước lợ vùng triều liên tục thất bát. Mặt khác, chính quyền sở tại “ngại đụng chạm” với người dân địa phương, trong khi đó các ngành chức năng chưa vào cuộc quyết liệt. Ông Nguyễn Thanh Minh - Bí thư Đảng ủy xã Bình Hải xác nhận, tình trạng đào ao nuôi tôm vùng ven biển rộ nhất những năm 2009-2010, giờ thì ít đất cát ven biển còn trống. Ao nuôi bây giờ “lấn” sát sân nhà, vườn tược của nhà dân. Tình trạng lén lút đào ao vẫn còn tái diễn. Vậy, sao chính quyền không xử lý? “Cái khó là dù họ sản xuất trái phép, đất sử dụng sai mục đích nhưng không có tranh chấp, lại nằm trong vườn của người dân nên chịu. Từ trước đến nay, địa bàn mới có 2 hộ bị cưỡng chế” – ông Minh nói.
Tại cuộc họp giao ban định kỳ mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho rằng, tình trạng nuôi tôm TCT tự phát ở các xã ven biển Núi Thành, Thăng Bình đã để lại hậu quả nghiêm trọng, như tàn phá rừng phòng hộ, ô nhiễm nguồn nước. Không thể chấp nhận cảnh người dân ồ ạt đào ao trong vườn nhà để nuôi tôm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thấy rõ nguy cơ tàn phá môi trường sinh thái vùng ven biển, tỉnh cương quyết chỉ đạo các địa phương phải nhanh chóng xử lý, ngăn chặn ngay phong trào nuôi tôm TCT không tuân thủ quy hoạch của người dân. Ngành nông nghiệp phải khẩn trương vào cuộc, rà soát, thống kê lại hiện trạng nuôi tôm TCT hiện nay; khảo sát tham mưu cho UBND quy hoạch vùng nuôi hợp lý. |
Ô nhiễm nguồn nước ở vùng nuôi tôm TCT đến mức báo động, vậy nhưng cho đến nay ngành chức năng vẫn chưa có những chế tài xử lý ra sao cho hiệu quả. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, vùng nuôi tôm đã phân cấp về cho UBND huyện nên trách nhiệm xử lý, khắc phục môi trường ra sao thì thuộc thẩm quyền của địa phương. Để gỡ thế “bí” tạm thời, nhiều địa phương ở Thăng Bình đã đưa giải pháp: đối với những ao nuôi phát sinh trong thời gian gần đây cần phải có công trình xử lý nước thải, nếu không có công trình này, địa phương sẽ kiến nghị ngành điện không cung cấp điện cho chủ hộ phục vụ sản xuất. Theo ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, địa phương đang giao các ngành chuyên môn khảo sát lại tình trạng nuôi tôm trong quy hoạch lẫn ngoài quy hoạch. Trước mắt, chỉ đạo các xã tuyệt đối không cho phát sinh thêm một ao nuôi nào nữa, quản lý chặt hiện trạng sử dụng đất đai vùng ven biển. Ông Vỹ cũng thừa nhận, trước đây chính quyền buông lỏng quản lý không xử lý kịp thời nên người dân mở rộng diện tích ao nuôi.
Tại huyện Núi Thành, trước sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, chính quyền xử lý gần 30 trường hợp nuôi tôm TCT vi phạm ở các xã Tam Tiến, Tam Hải. Theo Chủ tịch UBND huyện Núi Thành – ông Trần Đình Tùng, vùng nuôi tôm TCT với những mặt trái, mặt phải đan xen cần phải đánh giá đúng bản chất. Giải pháp phải thực hiện là bắt buộc đầu tư ao xử lý nguồn nước trước khi thải ra môi trường, tuyệt đối không được thải trực tiếp ra sông, ra biển; cương quyết xử lý những hộ nuôi không đảm bảo các quy định về môi trường. Về việc dừng hay mở rộng quy hoạch, ông Tùng cho biết, đang chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các xã Tam Hải, Tam Tiến, Tam Hòa rà soát lại diện tích đất có khả năng nuôi tôm để lập thủ tục đề xuất quy hoạch vùng nuôi tôm TCT. Chính quyền các huyện Núi Thành, Thăng Bình kiến nghị ngành điện không cung cấp, hoặc khẩn trương cắt điện đối với các hộ nuôi ngoài quy hoạch. Hiện nay, Thăng Bình và Núi Thành đã lập tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra lại toàn bộ tình trạng nuôi tôm TCT trên cát.
Thực hiện chuyên đề: Q.VIỆT - H.PHÚC - M.ĐỨC