Thực tế cho thấy, nông hộ ứng dụng công nghệ sinh học thay cho dùng kháng sinh, hóa chất để nuôi tôm đem lại nhiều lợi ích thiết thực.
Hiệu quả cao
Vụ mùa nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh đã kết thúc; trong khi nhiều ao nuôi tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt thì có một số mô hình thành công nhờ áp dụng công nghệ sinh học. Đơn cử như trường hợp của ông Đỗ Văn Lãnh (khối phố Phú Sơn, phường An Phú, TP.Tam Kỳ). Trên tổng diện tích mặt nước là 3ha, ngoài ao chứa lắng và ao xử lý nước thải, ông Lãnh đầu tư 10 ao nuôi tôm thương phẩm. Ở vụ 2 vừa qua, ông thu được tổng cộng 30 tấn tôm cỡ 40 con/kg, bán được hơn 4 tỷ đồng, lãi hơn 2 tỷ đồng.
“Mấu chốt của thành công là ứng dụng công nghệ sinh học để nuôi tôm. Khi cải tạo ao nuôi bằng công nghệ sinh học, các chất bẩn được xử lý triệt để. Nguồn nước được xử lý tốt giúp tôm nuôi sinh trưởng và phát triển trong điều kiện tối ưu. Dùng các chế phẩm sinh học với chuối, tỏi, giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng, hạn chế bệnh. Nhờ dùng chế phẩm sinh học, loại bỏ kháng sinh, hóa chất nên giá trị của tôm thương phẩm tăng lên rõ rệt khi bán cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu” - ông Lãnh nói.
Đối với nuôi tôm bằng hình thức lót bạt trên cát, vẫn đang diễn ra vì nuôi quanh năm. Gia đình ông Trần Thanh Hùng (thôn Đồng Trì, xã Bình Hải, Thăng Bình) đang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên 6 ao nuôi có tổng diện tích 8.000m2. Ông Hùng cho biết, nhờ áp dụng công nghệ sinh học để nuôi tôm nên trong vụ 2 vừa qua thu được hơn 5 tỷ đồng, lợi nhuận gần 3 tỷ đồng. Áp dụng nuôi tôm công nghệ sinh học, ở giai đoạn thứ nhất, tôm giống được ương nuôi khép kín, tuyệt đối tránh các tác động của thời tiết và các yếu tố bên ngoài. Sau khi ương nuôi chừng 1 tháng, tôm được chuyển sang nuôi giai đoạn 2 là nuôi thương phẩm. Chế phẩm sinh học được sử dụng xuyên suốt trong quá trình nuôi tôm, từ cải tạo ao nuôi cho đến thu hoạch.
“Chế phẩm sinh học cung cấp vi sinh và enzyme có lợi cho ao nuôi, giúp phân hủy và ngăn ngừa sự tích tụ mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa. Phân tôm, xác tảo ở nền đáy ao cũng bị tiêu hủy, giảm các hàm lượng khí độc NH3, H2S, cải thiện môi trường nước. Các tố chất chiết xuất có trong tỏi, sả, gừng, nấm, men... ngăn chặn các loại độc tố gây hại tôm. Nhờ đó, tôm nuôi phát triển nhanh, cho năng suất vượt trội, đem lại giá trị kinh tế cao. Chúng tôi rất kỳ vọng với mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ sinh học này” - ông Hùng nói.
Nên nhân rộng
Ngành chức năng khuyến cáo, nếu tôm bị mòn đuôi, cụt râu hay bệnh do vi khuẩn, bệnh do thời tiết, nông hộ nên dùng tỏi, chuối... xay nhuyễn, cho vào 2 - 3 lít EM (chế phẩm sinh học gốc), rồi trộn với thức ăn để cho tôm ăn liên tiếp 2 - 5 ngày. Ngoài ra, nông hộ nên định kỳ xử lý vi sinh để duy trì mật độ vi khuẩn thích hợp nhằm ổn định các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi, ngăn ngừa các loài vi khuẩn gây bệnh, tảo độc và mầm bệnh tiềm tàng trong ao gây bệnh cho tôm.
Ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho biết, ứng dụng các sản phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học hay công nghệ sinh học tiến bộ nói chung trong nuôi tôm là một giải pháp cần thiết để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, hướng đến phát triển bền vững. Chế phẩm sinh học trong môi trường nước sẽ kích thích phát triển các vi sinh vật có lợi, cạnh tranh môi trường sống, làm giảm vi sinh vật có hại, ổn định nguồn nước trong ao nuôi, giúp tôm miễn dịch bệnh, chóng lớn. Ngoài ra, giúp chuyển hóa các chất hữu cơ thành chất vô cơ, kích thích tôm phát triển tốt.
Các chất độc hại như NH3, NO2 được phân hóa thành các chất không độc, từ đó ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi. Tác dụng của công nghệ sinh học đối với tôm nuôi là tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu của tôm với các điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Cùng với đó là tăng khả năng tiêu hóa, giúp tôm nuôi hấp thụ triệt để các chất dinh dưỡng trong các loại thức ăn cho tôm nuôi, tăng chất lượng tôm thương phẩm. “Nông hộ nên lưu ý chỉ nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học có tên trong danh mục được phép lưu hành của Bộ NN&PTNT cũng như có hướng dẫn cụ thể của nhà sản xuất” - ông Trường nói.
Thực tế nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, nhất là nuôi tôm trên cát cho thấy, môi trường sinh thái bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguồn nước bị đầu độc, nhiễm mặn. Nuôi tôm dùng kháng sinh, hóa chất khiến cho sản phẩm tôm thương phẩm chứa dư lượng, không đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chí xuất khẩu của các nước trên thế giới, nhất là EU.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong tổ chức nuôi tôm ở vùng đông vừa được UBND tỉnh thông qua cũng như trong quy hoạch phát triển nghề nuôi tôm nước lợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Nam khuyến khích nuôi tôm áp dụng công nghệ sinh học để giải quyết các tồn tại trong thời gian qua, tạo đà phát triển trong thời gian tới. Bởi vậy, nông dân cần huy động các nguồn lực, học hỏi, tiếp cận nuôi tôm theo công nghệ sinh học để giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, sản lượng, tăng giá trị con tôm thương phẩm. Cùng với đó, giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm tôm sạch, không kháng sinh để nâng cao sức cạnh tranh cho tôm thương phẩm trên thị trường nội địa và xuất khẩu.