Bảo vệ môi trường và tổ chức lại vùng nuôi, đầu tư các công trình hạ tầng được xem là những giải pháp cấp bách trước thực trạng thiếu bền vững của nghề nuôi tôm nước lợ hiện nay.
Người nuôi tôm cần bảo vệ môi trường, không xả thải trực tiếp ra bên ngoài. |
Bảo vệ môi trường
Quảng Nam có hơn 2.000ha ao nuôi tôm nước lợ ở cả vùng triều ven sông và nuôi lót bạt trên cát. Do thiếu nguồn lực, phân tán diện tích lẫn tâm lý thả nuôi được chăng hay chớ nên hầu hết nông hộ chưa đầu tư ao xử lý nước thải để xử lý nguồn nước trước khi thải ra môi trường bên ngoài. Khi ao nuôi tôm bị bệnh, người nuôi xả thải rất dễ ảnh hưởng đến các ao khác và nguy cơ lây lan thành dịch. Việc lạm dụng các loại hóa chất cấm, độc hại khi cải tạo ao không chỉ gây tác động xấu đến môi trường xung quanh mà còn khiến chất lượng tôm thương phẩm kém đi. Không thiếu các lô hàng tôm xuất khẩu của nước ta, trong đó có Quảng Nam đã bị EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc trả về do dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép. Nạn khai thác nguồn nước ngầm quá mức ở các khu vực nuôi tôm trên cát cũng đã gây thiếu hụt nước cục bộ dẫn đến nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường nước từ nuôi tôm nước lợ đáng báo động ở Quảng Nam. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nghề nuôi tôm nước lợ thiếu bền vững. Nông hộ nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường không chỉ trực tiếp gánh hậu quả mà còn gây rất nhiều khó khăn cho các hộ nuôi tôm bên cạnh. Về lâu dài sẽ gây biến động tài nguyên nước.
Theo Chi cục Thủy sản, giải pháp đầu tiên để bảo vệ môi trường trong nuôi tôm nước lợ là tuyên truyền, vận động người dân. Trước vụ tôm mới hàng năm, ngành thủy sản đều phối hợp với các địa phương có nghề nuôi tôm tổ chức tuyên truyền và tập huấn các quy trình nuôi tôm gắn với bảo vệ môi trường. “Đầu tư ao chứa lắng và ao xử lý chất thải là yếu tố cốt lõi đầu tiên để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tôm nuôi. Quảng Nam đã có cơ chế hỗ trợ đầu tư nuôi tôm, gồm đầu tư hạ tầng, đầu tư nuôi tôm theo hướng VietGAP. Nông hộ riêng lẻ chưa đủ điều kiện tiếp cận cơ chế thì phối hợp cùng nhau thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã để đầu tư, hướng đến nuôi tôm bền vững” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm nói.
Đến thời điểm này, nghề nuôi tôm ở xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) tương đối thành công nhờ người dân tự phối hợp, thành lập tổ nuôi tôm cộng đồng để chia sẻ các công đoạn nuôi tôm, từ cải tạo ao nuôi, chăm sóc tôm cho đến xử lý các tình huống xấu. Đặc biệt, nông hộ tự giám sát nhau, không tự xả thải nước, tôm chết ra bên ngoài. Trước khi cấp nước vào ao nuôi tôm, người dân đều xử lý kỹ càng nguồn nước, đồng thời không cho nước từ bên ngoài thẩm lậu vào ao đang nuôi tôm.
Tổ chức lại vùng nuôi
Năm 2017, diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh là 2.704ha/2 vụ, sản lượng đạt 12.300 tấn, năng suất đạt 45,4 tạ/ha. Năm 2018, Sở NN&PTNT đặt ra chỉ tiêu nuôi tôm nước lợ trên diện tích 3.000ha/2 vụ, sản lượng đạt 14.500 tấn, năng suất đạt 50 tạ/ha. |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, để nghề nuôi tôm bền vững phải tổ chức lại phương thức sản xuất. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tạo điều kiện để các công ty Kim Hoàn và Long Thịnh Hưng đảm bảo mỗi năm sản xuất khoảng 5 tỷ con tôm giống chất lượng tốt, cung ứng cho người nuôi trong tỉnh khoảng 3 - 4 tỷ con giống/năm, còn lại cung cấp cho các tỉnh, thành lân cận. Hạ tầng các vùng nuôi tôm sẽ được kiện toàn lại. Theo đó, sẽ đầu tư chỉnh trang lại hạ tầng các vùng nuôi tôm vùng triều, nâng cấp cao trình để xây dựng các mô hình nuôi tôm công nghiệp, chuyển từ hình thức nuôi ao đất sang ao nuôi lót bạt, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, dự kiến khoảng 600ha. Tỉnh sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và người nuôi tôm xây dựng các vùng nuôi tôm lót bạt thâm canh, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP tại các vùng ven biển có diện tích nuôi không chồng lấn với quy hoạch xây dựng của Khu kinh tế mở Chu Lai, phát triển rừng phòng hộ, dự kiến hơn 100ha. Đối với các vùng thấp triều và các vùng triều không thể nuôi tôm hiệu quả thì chuyển đổi sang nuôi các đối tượng thủy sản nước mặn, lợ khác phù hợp như cua, cá dìa, cá đối, cá chẻm... dự kiến khoảng 1.000ha.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, nâng cao hiệu quả kiểm soát, phòng trừ dịch bệnh sẽ giúp nghề nuôi tôm ổn định, hướng đến bền vững trong thời gian đến. Theo đó, ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh triển khai chương trình quan trắc môi trường, kiểm soát dịch bệnh định kỳ và đột xuất tại các vùng nuôi tôm tập trung. Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở ương nuôi, kinh doanh tôm giống phân tán rải rác trên địa bàn các xã Tam Hải, Tam Hòa (Núi Thành) hay phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) sẽ được tăng cường, xử phạt nặng nếu doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn. Các cơ sở, đại lý kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Bộ NN&PTNT mới được hoạt động, cung cấp sản phẩm chất lượng, giá phù hợp cho người nuôi tôm. Sở NN&PTNT đề xuất Bộ NN&PTNT điều chỉnh, giảm mức thu phí, lệ phí trong xét nghiệm bệnh trên tôm nuôi vì các chỉ tiêu xét nghiệm bệnh thủy sản quá cao, lên đến 500 nghìn đồng/chỉ tiêu xét nghiệm PCR. Với mức đó, thì người dân không thể xét nghiệm được bệnh tôm nuôi mà chỉ có thể trông chờ vào hỗ trợ, thậm chí là bao cấp hoàn toàn từ kinh phí nhà nước.
VIỆT QUANG