"Con không có đôi chân lành lặn, nhưng con có trí óc và sự kiên trì của một người con đất Quảng. Và con có mẹ. Mẹ đã làm đôi chân của con suốt bao năm qua. Có thể nhiều người can ngăn, nhưng con vẫn nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ. Nhất định con sẽ làm được!”. Ánh mắt như có lửa của Vũ Kiều Hải Hòa nhìn về phía rừng cao su bạt ngàn của Bình Phước khiến ngày mưa bỗng trở nên ấm áp lạ kỳ…
Suốt bao năm qua, tấm lưng của mẹ làm đôi chân cho Hòa trên hành trình thực hiện ước mơ. Trong ảnh: Chị Liên cõng con tham dự và nhận phần thưởng trong Ngày hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng năm 2014 tại Bình Phước). Ảnh: M.KIỆT |
Lưng mẹ làm chân
Mười lăm năm rồi, người dân ở cái xã nhỏ Phước An, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước đã quá quen thuộc với hình ảnh một phụ nữ bé nhỏ quê gốc Quảng Nam cõng trên lưng cậu con trai có khuôn mặt thông minh đi trên con đường đất đỏ bất kể nắng mưa. Tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ ấy đã giúp cho Vũ Kiều Hải Hòa - cậu học sinh giỏi nhất Trường THPT Bình Long giữ cho mình niềm tin yêu mãnh liệt vào tương lai. “Làm mẹ, ai cũng muốn con mình khỏe mạnh. Nhưng nếu lỡ con mình có khiếm khuyết thì chỉ biết thương con hơn gấp bội. Ngày tôi biết Hòa không thể đi được trên đôi chân của mình là ngày tôi đau đớn nhất! Thôi thì lưng mẹ sẽ là đôi chân của con! Con muốn đi đâu, mẹ sẽ đưa con đi đến đó!” - chị Kiều Thị Liên mẹ của Hòa nói mà nước mắt trào dâng.
Rời quê hương Gò Nổi (Điện Bàn) theo gia đình vào Bình Phước từ năm 1979, lấy được tấm chồng hiền lành, chí thú làm ăn, ước mơ còn lại của chị Liên là sinh ra những đứa con khỏe mạnh, thông minh. Năm 1998, chị Liên vỡ òa trong niềm vui được làm mẹ khi cậu con trai Vũ Kiều Hải Hòa ra đời. Thế nhưng đến 18 tháng tuổi, cậu con trai có gương mặt sáng ngời ấy vẫn không thể nào đứng lên như bao đứa trẻ khác. Linh cảm của người mẹ thúc giục chị phải đưa con lên TP.Hồ Chí Minh khám xét bệnh tật. Bác sĩ thông báo Hòa sẽ không thể nào đứng được trên đôi chân của mình bởi một căn bệnh về xương. “Lúc đó, giữa thành phố đông đúc, tôi đã ôm con đứng khóc rất lâu. Rồi bất giác, Hòa đưa tay lên lau nước mắt trên khuôn mặt tôi, nhìn tôi bằng ánh mắt sáng rực rồi gọi: Mẹ ơi! Đó là lúc tôi biết, chặng đường tôi và con đi sẽ còn rất dài phía trước” - chị Liên kể.
Ngày đầu tiên Vũ Kiều Hải Hòa vào lớp 1, người mẹ ấy đã đứng khóc rất lâu nơi cổng trường. Chị không chịu nổi cảnh con trai mình ngồi yên một góc lớp và nhận bao nhiêu ánh mắt thương hại, cảm thông của mọi người. Nhưng, ngay buổi trưa cõng Hòa trên đường về, cậu con trai ấy đã ôm cổ mẹ thật chặt và nói: “Mẹ đừng buồn khi con bị khuyết tật! Con không thể đi được nhưng con sẽ học thật giỏi để mẹ có thể luôn tự hào vì con”. Lời nói của cậu con trai 7 tuổi ngày ấy đã và luôn là niềm tin mãnh liệt nhất để chị Liên đồng hành với con bất kể nắng mưa cho đến sau này.
Ước mơ trở thành bác sĩ
Những con chữ cứ nặng dần trên bước hành trình của mẹ con Hòa cũng đồng nghĩa với ước mơ trở thành bác sĩ ấp ủ từ nhỏ lớn dần trong trái tim của cậu học sinh gốc Quảng này. Hòa bảo không dám nói nhiều về ước mơ trở thành bác sĩ vì biết chắc chắn ai cũng sẽ can ngăn. Em sợ người ta sẽ bàn ra rằng, ngay cả việc đứng trên đôi chân mình còn làm không được, làm sao là bác sĩ chữa bệnh cho người khác. “Ngày Hòa nói với tôi ước mơ muốn trở thành bác sĩ, là ngày tôi không thể làm được việc gì. Tôi sợ chuyện đó quá với sức của con mình. Mặc dù, đồng hành với con suốt bao năm qua, tôi biết con có thể sẽ làm được nhưng sao vẫn thấy cay đắng lắm! Ước mơ là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác!” - chị Liên lặng lẽ khóc khi nói về ước mơ của con.
Để minh chứng cho chuyện mình không thể từ bỏ ước mơ, hơn 2 tháng nghỉ hè vừa qua, Hòa đã cùng mẹ lên TP.Hồ Chí Minh để tập vật lý trị liệu ở một bệnh viện chuyên về chỉnh hình. Nhìn em cắn môi đến bật máu khi cố gắng tự đứng trên đôi chân của mình, tôi có một niềm tin kỳ lạ rằng ngày nào đó sẽ thấy Hòa khám chữa bệnh cho bà con người Quảng ở trên chính mảnh đất quê nhà.
Những giọt mồ hôi ướt đẫm từ lưng mẹ, những giọt nước mắt của mẹ khi nhìn Hòa lặng lẽ ngồi ở góc lớp học, những lần hai mẹ con té ngã trên đường đến trường… đều được Hòa biến thành những tấm giấy khen từ cấp trường, tỉnh, quốc gia treo đầy căn nhà nhỏ. Thành tích 9 năm liền là học sinh xuất sắc đã thêm động lực cho cậu học trò tật nguyền bước vào bậc THPT với sự tự tin vào bản thân. Niềm tin và nỗ lực đó đã đem lại kết quả khiến nhiều người bất ngờ khi Hòa đoạt giải nhất môn Toán lớp 10 trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Hòa cũng là học sinh xuất sắc nhất khối lớp 10 của Trường THPT Bình Long năm học vừa qua. Hòa tâm sự với tôi bằng chất giọng Quảng đặc sệt: “Em chưa bao giờ thấy mình là người không may mắn. Mẹ luôn nói rằng em mang trong mình dòng máu của người Quảng nên có được phẩm chất cần cù, thông minh, chịu khó. Mỗi khi ngồi vào bàn học em đều nhớ đến câu nói đó của mẹ để cố gắng hơn”. Không chỉ học giỏi môn Toán, môn Tin học cũng là niềm đam mê của cậu học trò này. Hòa tâm sự rằng ngay từ khi lên lớp 6, internet là một thế giới giúp em tự tin hơn trong cuộc sống của mình. Bởi, ở đó cậu được đọc những câu chuyện, biết những tấm gương về người khuyết tật vượt qua hoàn cảnh vươn lên trong cuộc sống. Hòa bảo không dám nói nhiều về ước mơ làm bác sĩ của mình, nhưng em sẽ không bao giờ từ bỏ ước mơ đó. “Bằng mọi cách em sẽ trở thành bác sĩ!”. Mắt Hòa như có lửa khi nói về điều đó, và em tự tin chia sẻ: “Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, bác sĩ không chỉ là người nắm vững về các kiến thức y học mà còn phải biết ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật một cách nhuần nhuyễn. Em sẽ đi đến ước mơ của mình bằng niềm tin đó!”.
MINH KIỆT